Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyện con gà và quả trứng

(ĐTCK) Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm nay lựa chọn chủ đề “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững” được đông đảo doanh nghiệp quan tâm. Phát triển bền vững là cái gốc để doanh nghiệp tiến nhanh và tiến xa hơn trong hành trình chinh phục các thị trường.
Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyện con gà và quả trứng

“Con gà, quả trứng” trong phát triển bền vững

Tại VBF khai mạc sáng 26/6, các doanh nghiệp sẽ tập trung thảo luận những yếu tố then chốt nhằm xác định cơ hội và thách thức, đồng thời kiến nghị giải pháp phát triển nền kinh tế bền vững, tăng thu hút đầu tư.

Phát triển bền vững không còn là khái niệm xa lạ với doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này và đưa vào chiến lược dài hạn. Thực tế, phát triển bền vững giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả tài nguyên, sử dụng năng lượng hợp lý, hướng đến nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Điều này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, hạn chế những yếu tố mang tính hệ thống của vấn đề bảo vệ môi trường và nhiều vấn đề xã hội tác động đến doanh nghiệp. Một doanh nghiệp tiêu tốn ít năng lượng, nhiên liệu như điện, than và thân thiện môi trường, ít phát thải sẽ được giang rộng vòng tay chào đón hơn.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững, rất nhiều doanh nghiệp còn e ngại do chi phí đầu tư ban đầu lớn. Điều đó tạo thành vòng luẩn quẩn, doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp, không có nguồn lực để đầu tư phát triển.

Hình ảnh con gà và quả trứng vẫn được đưa ra ví von đối với câu chuyện doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững. Không ít doanh nghiệp ngần ngại trong đầu tư cho chiến lược phát triển bền vững vì đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn nhưng chưa đem lại kết quả tức thì. Câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước vẫn khiến nhiều doanh nghiệp phân vân.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp bị sức ép về KPI, áp lực của cổ đông và thậm chí có những lý do về nhiệm kỳ, nên doanh nghiệp cần tài chính trong ngắn hạn tốt, thu được lợi nhuận trước, dẫn đến bỏ qua việc đầu tư cho một số chương trình phát triển bền vững.

Theo lãnh đạo PwC Việt Nam, xu hướng doanh nghiệp đi đúng vào bản chất của phát triển bền vững chưa quá phổ cập, mà hiện nay mang tính PR cho doanh nghiệp nhiều hơn. Tính gắn kết của những việc mà doanh nghiệp làm gắn với mục tiêu tăng trưởng vẫn còn thiếu.

Có thể một mặt doanh nghiệp vẫn hướng tới lợi nhuận, một mặt thực hiện một số tiêu chí về phát triển bền vững để thể hiện được hình ảnh doanh nghiệp, nhưng các yếu tố này không liên kết được với nhau. Làm bài bản thì doanh nghiệp đi từ chiến lược kinh doanh, xác định bản chất doanh nghiệp để có các chương trình CSR (trách nhiệm xã hội) phù hợp với doanh nghiệp, mang tác động tích cực trở lại. Nếu không suy nghĩ thấu đáo, tách ra hai hoạt động riêng, một mặt vẫn kinh doanh, một mặt vẫn làm từ thiện, sẽ thiếu tính liên kết với nhau và không phát huy được hiệu lực.

Doanh nghiệp phát triển bền vững: Chuyện con gà và quả trứng ảnh 1

Vì sao doanh nghiệp không quyết liệt đầu tư? Ngoài lý do nêu ở trên do sức ép của lợi nhuận kinh doanh ngắn hạn mà chưa tính được con đường dài hạn cho phát triển bền vững, ông Hoàng Đức Hùng nhận xét, doanh nghiệp còn phải nghiên cứu phát triển bền vững theo ngành nghề tác động đến đối tượng nào, ảnh hưởng về sức khỏe, cộng đồng giới trẻ, chương trình song hành để cân bằng lại. Ví dụ, doanh nghiệp bán đường tác động đến sức khỏe sẽ có chương trình hỗ trợ cộng đồng bảo vệ sức khỏe, doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát có chương trình bổ sung nguồn nước…

Khi được hỏi, tại sao câu chuyện doanh nghiệp phát triển bền vững lại được so sánh với hình ảnh con gà và quả trứng, ông Hùng cho rằng, điều này chưa hẳn đúng. Đầu tiên, doanh nghiệp phải sống được, kinh doanh có kết quả, bán được hàng và lợi nhuận, “có thực mới vực được đạo”. Khi có tích lũy, doanh nghiệp mới nhìn dài hạn hơn như chương trình phúc lợi cho cán bộ, công nhân viên, có trách nhiệm xã hội; đi dài hơn khi doanh nghiệp dùng lợi nhuận chia sẻ với các lợi ích đem đến cho cộng đồng.

“Doanh nghiệp phải tồn tại được mới nhìn về tương lai, lúc đấy mới đẩy mạnh đầu tư phát triển bền vững và câu chuyện con gà, quả trứng mới phát huy tác dụng”, ông Hùng nói.

Đối mặt với khó khăn nếu đi ngược với phát triển bền vững

Bài học thực tế, có nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, thua lỗ vì không phát triển bền vững. Xi măng Vicem Hải Phòng là một điển hình, cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh thua lỗ.

Ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho biết, sở dĩ Xi măng Vicem Hải Phòng thua lỗ là bởi công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến phải chuyển cơ sở sản xuất ra ngoài khu dân cư.

Khi di chuyển kéo theo một loạt vấn đề xã hội, trong đó có việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động dôi dư, làm chi phí trên đầu sản phẩm tăng, dẫn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh giảm.

Có rất nhiều doanh nghiệp ngành này lâm vào cảnh tương tự khi phát triển thiếu bền vững. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam chỉ ra rằng, doanh nghiệp xi măng muốn phát triển phải đầu tư cải tạo các dây chuyền cũ, lạc hậu, vì kém sức cạnh tranh, khi không cạnh tranh được sẽ chết giống như xi măng lò đứng trước đây.

Hiện nay, tiêu thụ xi măng trong nước đang chững lại, doanh nghiệp phải tìm đường xuất khẩu. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ đang gặp khó khăn vì không xuất khẩu được, nước ngoài không mua sản phẩm từ công nghệ lạc hậu. Đây là hậu quả nhãn tiền của mô hình kinh doanh thiếu bền vững.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp cho hay, có những đơn vị bị khủng hoảng vì chưa quan tâm một cách đích thực về phát triển bền vững. Chẳng hạn, có doanh nghiệp bất động sản bán hàng xong không quan tâm đến chính sách hậu mãi cho khách hàng, không mang lại những giá trị như đã cam kết với khách hàng, hậu quả là doanh nghiệp dính lùm xùm, kiện tụng, tổn thất về hình ảnh và giá trị doanh nghiệp.

Không ít doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn ở dọc biển miền Trung, Phú Quốc đang gặp hậu quả bởi xả thải gây ô nhiễm môi trường biển, có những đường cống xả thải lộ thiên gây mất mỹ quan khiến khách hàng tẩy chay không sử dụng dịch vụ của khách sạn đó.

Thậm chí, một số doanh nghiệp tìm cách cắt bỏ chương trình phúc lợi cho cán bộ, công nhân viên, không mua bảo hiểm cho nhân viên để có được lợi ích trước mắt (cắt giảm được chi phí), nhưng về dài hạn sẽ mất cân bằng về mặt nhân sự, nhân viên không gắn bó với doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, sự phát triển bền vững là yêu cầu thời đại, doanh nghiệp cần bắt kịp. Doanh nghiệp cần chú trọng đổi mới quản trị chiến lược để hướng tới phát triển bền vững. Trong chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp cần hướng tới sự sáng tạo, đổi mới, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

Hành động thiết thực

Rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn bắt đầu từ những việc làm nhỏ, thiết thực. Mới đây, người viết ấn tượng với câu chuyện giảm thiểu rác thải từ nhựa ở chuỗi cửa hàng Highlands Coffee của Tập đoàn Jollibee (Philippines).

Cụ thể, từ 8/6/2019, tất cả các quán Highlands Coffee chỉ phục vụ nắp nhựa sử dụng một lần khi khách hàng yêu cầu, hay khách mang hộp nhựa đã qua sử dụng đến gọi đồ uống sẽ được cửa hàng tự động up to size (bán đồ uống cỡ lớn hơn so với khách yêu cầu). Chuỗi cửa hàng này hy vọng, với những hành động nhỏ sẽ từng bước xây dựng được mục tiêu lớn cùng nối dài những “cánh tay xanh”.

Các số liệu gần đây chỉ ra Việt Nam đang là 1 trong 5 nước dẫn đầu trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương, tương đương 280.000 tấn mỗi năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tái chế lại dùng 80% lượng phế liệu nhựa và 57% nguyên liệu giấy tái chế nhập khẩu từ nước ngoài.

Bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Đối ngoại và pháp lý, Coca-Cola Đông Dương chia sẻ, Coca-Cola Việt Nam với định hướng phát triển cộng đồng sẽ hoàn trả cho cộng đồng và thiên nhiên lượng nước tương ứng với những gì Coca-Cola Việt Nam sử dụng để sản xuất và hoàn thiện đồ uống. Đó là lượng nước sử dụng để sản xuất đồ uống (dựa trên khối lượng bán ra hàng năm) được trả lại cho cộng đồng và thiên nhiên; số lít nước sử dụng để sản xuất đồ uống được làm đầy trở lại.

Tính đến tháng 6/2019, Coca-Cola Việt Nam đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho dự án nước sạch vì cộng đồng, cung cấp hơn 2 tỷ lít nước sạch tại 7 tỉnh, thành phố với hơn 70.000 người dân được thụ hưởng.

Bên cạnh đó, nhiều dự án phát triển bền vững được triển khai song song như dự án bảo tồn đa dạng sinh thái (bảo tồn 10 tỷ lít nước sạch ở Vườn quốc gia Tràm Chim); dự án Túi má khỉ bảo tồn và phục hồi 450 ha đất sinh kế vùng lũ; chương trình Thế giới không rác thải, mục tiêu đến năm 2030 cam kết thu thập tái chế tương đương 100% bao bì mà Coca - Cola bán ra thông qua khung hành động thiết kế - thu gom - hợp tác; dự án nâng cao năng lực phụ nữ địa phương, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Ngày 21/6 vừa qua, thị trường chứng kiến những cái bắt tay vì môi trường và phát triển bền vững từ các doanh nghiệp vốn là đối thủ của nhau. Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) chính thức ra đời với sự hợp tác của 9 doanh nghiệp lớn gồm Coca-Cola Việt Nam, Sunstory Pepsico Việt Nam, FrieslandCampina, La Vie, Nestlé Việt Nam, NutiFood, Tetra Pak Việt Nam, TH Group và URC Việt Nam.

Hướng tới mục tiêu chung vì một môi trường xanh - sạch - đẹp, PRO Việt Nam sẽ triển khai 4 nhóm hoạt động chính gồm: nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác; làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế; hợp tác với Chính phủ trong khía cạnh "Recycle - Tái chế" của bộ nguyên tắc 3R (Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Tái sử dụng và Recycle - Tái chế).

Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn từ nhiều năm nay cũng đặt mục tiêu phát triển bền vững và tạo nên những sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Công ty đã triển khai dự án ứng dụng nền tảng công nghệ tự động hóa, tiết kiệm năng lượng và nguyên nhiên liệu để mở rộng sản xuất tại nhà máy Mỹ Xuân 2 (đi vào hoạt động vào cuối năm 2014); xây dựng hệ thống xử lý nước thải (EIMCO) cho toàn nhà máy với số vốn đầu tư 20 triệu USD, giúp tái sử dụng đến 90% lượng nước thải từ sản xuất… Công ty chủ động tìm kiếm các phụ gia thay thế hóa chất trong quá trình sản xuất, đảm bảo mỗi sản phẩm đến với người tiêu dùng đều là sản phẩm xanh, chất lượng, an toàn cho môi trường.

Xã hội phát triển mạnh mẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, tuy nhiên, cùng với đó là những thách thức. Thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng như an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường ô nhiễm, các bệnh dịch mới, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên… Để giải quyết vấn đề này cần sự chung tay của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp bằng ý thức và hành động có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội vì sự phát triển bền vững.

Bà Đỗ Thị Thu Phương, Trưởng phòng Bảo vệ môi trường - Ban Công nghệ An toàn Môi trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

PVN đã và đang tích cực triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ cho từng lĩnh vực hoạt động cốt lõi của Tập đoàn, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của ngành nói chung, PVN nói riêng. Trong đó, giảm phát thải khí nhà kính được coi là nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu tới năm 2025 giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với năm 2010, tới năm 2030 giảm 23,53 triệu tấn CO2 so với năm 2010, tương đương 2,44% so với kịch bản thông thường.

Một số giải pháp đã được PVN triển khai như: giảm thiểu đốt khí flare và xả nguội tại các công trình dầu khí; tận dụng và thu hồi và sử dụng hiệu quả khí đồng hành tại các công trình khai thác dầu khí; tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả năng lượng tại các tòa nhà, nhà máy, hệ thống công nghệ tại các công trình dầu khí...

Bên cạnh đó, Tập đoàn điều chỉnh, cải hoán, tối ưu hóa công nghệ tại các nhà máy chế biến dầu khí; đầu tư, vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, hệ thống thu hồi nhiệt thừa tại các công trình dầu khí; vận hành hiệu quả các công trình thu hồi CO2 tại các nhà máy chế biến dầu khí (đạm, nhiên liệu sinh học).

Liên quan tới các giải pháp tài chính, Tập đoàn tăng cường hợp tác, tiếp nhận sự trợ giúp quốc tế về vốn, kinh nghiệm và công nghệ trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên các lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động dầu khí, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; xây dựng hướng dẫn tiếp cận vay vốn cho các dự án carbon thấp…

Hiện thực hóa các giải pháp này, PVN đã phê duyệt ngân sách khung cho giai đoạn I (2018 - 2025) là 1.331,1 tỷ đồng; trong đó, tổng kinh phí cần thiết cho các dự án giảm thiểu là 1.301,1 tỷ đồng, kinh phí cần thiết cho các dự án thích ứng là 30 tỷ đồng. Tới giai đoạn II (2026 - 2030), dự kiến là 109,9 tỷ đồng; trong đó, tổng kinh phí cần thiết cho các dự án giảm thiểu là 96 tỷ đồng, kinh phí cần thiết cho các dự án thích ứng là 13,9 tỷ đồng.

Ông Trần Miên, Cố vấn Giám đốc CTCP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV)

TKV đã chủ động có kế hoạch ứng phó tác động môi trường và biến đổi khí hậu từ năm 2010 nhằm triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ngành than và khai khoáng. Trong đó, kế hoạch ứng phó của các vùng khai thác than gắn với Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng hàng năm, bắt đầu từ 2017, đồng thời xác định định hướng cho các lĩnh vực sản xuất khác ngoài than và tích hợp vào trong các kế hoạch sản xuất hàng năm và giai đoạn 5 năm.

Đối với các giải pháp bảo vệ môi trường, TKV tập trung ứng dụng các giải pháp xử lý nước thải mỏ tích hợp nhằm xử lý ô nhiễm nguồn nước (mặt và ngầm); đồng thời tiết kiệm triệt để nguồn tài nguyên nước thông qua tái sử dụng nước sau xử lý cho mục đích công nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu này, Tập đoàn đã triển khai xây dựng 47 trạm xử lý nước thải cho các mỏ than tại Quảng Ninh, xây dựng kế hoạch xử lý và tái sử dụng nước thải mỏ phục vụ sản xuất cho TKV tại vùng than Quảng Ninh, xây dựng 1 trạm tái xử lý nước thải mỏ thành nước sinh hoạt công suất 400 m3/h tại mỏ Núi Béo.

Bên cạnh đó, TKV chú trọng áp dụng các biện pháp xử lý khí CO2 từ khói các nhà máy nhiệt điện than, thu hồi và xử lý CO2 còn để ngỏ.

Hiện chúng tôi đang hợp tác cùng phía Hàn Quốc nghiên cứu ứng dụng giải pháp khoáng hóa cácbon đối với đất đá thải mỏ, tro xỉ các nhà máy nhiệt điện than. Từ thách thức, TKV đã nắm bắt và chuyển hóa để xây dựng giải pháp thành công và chuyển thành cơ hội có tính bền vững, tạo việc làm mới cho thợ mỏ, sản phẩm mới cho xã hội, gắn bó và thân thiết với cộng đồng.

Đại diện Tập đoàn Delcalon (Pháp)

Là một trong những nhà nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới, chúng tôi lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam dựa trên nhiều tiêu chí.

Thứ nhất là doanh nghiệp có phát triển bền vững hay không, với bộ tiêu chí đánh giá liên quan đến các yếu tố như công nhân, môi trường.

Thứ hai là khả năng cung ứng dịch vụ, chẳng hạn khả năng giao và thực hiện đơn hàng đúng hạn, năng lực phản ứng kịp thời khi nhà nhập khẩu có những yêu cầu phát sinh. Thứ ba là chất lượng sản phẩm và cuối cùng mới là yếu tố giá cả.

Tại Việt Nam, có không ít doanh nghiệp cho rằng, yếu tố giá cả được quan tâm hàng đầu, nhưng thực sự đó là tư duy sai lầm. Nếu chọn giá thấp, chúng tôi đã đưa các đơn hàng sang Bangladesh hay Ấn Độ, nhưng thực tế Việt Nam lại giành nhiều đơn hàng hơn. Chúng tôi thường xuyên đọc các báo cáo về nhân quyền, về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, để từ đó đánh giá xem nên hay không nên đặt quan hệ đối tác với các doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco

Đưa phát triển bền vững lồng ghép vào các mục tiêu chiến lược của Công ty đã giúp Traphaco vươn lên vị trí số 1 về Đông dược tại thị trường Việt Nam với các sản phẩm điều trị có hiệu quả cao, có nguồn gốc từ dược liệu sạch tại các vùng trồng trong nước.

Cuối năm 2017, Traphaco đã khánh thành Nhà máy sản xuất thuốc tân dược thông minh 4.0 tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây là sự đầu tư nằm trong chiến lược phát triển bền vững Traphaco giai đoạn 2017 - 2020. Một trong ba phân xưởng tại đây là phân xưởng thuốc nhỏ mắt, áp dụng công nghệ sản xuất kín hoàn toàn, cho ra đời các sản phẩm đạt độ vô khuẩn cấp cao nhất, tương đương với các chế phẩm tiêm truyền.

Để có được quyết định đầu tư dây chuyền này là sự quyết tâm rất lớn của doanh nghiệp, vì so với các công nghệ hở đang được áp dụng thông thường hiện nay, dây chuyền công nghệ kín phải đầu tư hơn 100 tỷ đồng, gấp 5 lần so với công nghệ truyền thống.

Đặc điểm nổi trội của công nghệ này là tính tự động hóa cao, tiết kiệm thời gian sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm. Thời gian từ khi hạt nhựa được cấp vào đến khi tạo thành lọ thuốc hoàn chỉnh chỉ trong vòng 13 giây. Dây chuyền thuốc nhỏ mắt của Traphaco được đầu tư các thiết bị khép kín, có hệ thống kiểm soát online, với công nghệ có độ chính xác cao và tự động hóa hoàn toàn, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người, tạo ra sản phẩm chất lượng tối ưu - hoàn toàn vô trùng, đảm bảo hiệu lực điều trị và an toàn cho người bệnh.

Công nghệ kín hoàn toàn (BFS) đã được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận là một quá trình vô trùng cấp cao nhất.

Các sản phẩm công nghệ mới của Traphaco được đón nhận tích cực, đặc biệt đối với dòng thuốc nhỏ mắt công nghệ kín, sản lượng đưa ra thị trường quý I/2019 là 2,8 triệu lọ, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2018. Thành công trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất thuốc nhỏ mắt minh chứng rằng, ngành dược Việt Nam có đầy đủ năng lực đầu tư và làm chủ các công nghệ dược phẩm tiên tiến nhất trên thế giới để tạo ra các sản phẩm dược phẩm có hiệu quả điều trị cao.

Đây cũng là lời cam kết của Traphaco khi áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất dược phẩm chất lượng cao nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững đến 2020, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh và giảm thiểu các tai biến y khoa.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục