DN mong giải tỏa khoản nợ 100.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Tổng số tiền mà chủ đầu tư các dự án đầu tư công nợ DN tính đến thời điểm này ước lên đến 100.000 tỷ đồng. Cần ưu tiên dành nguồn ngân sách trả nợ cho DN.
DN mong giải tỏa khoản nợ 100.000 tỷ đồng

Doanh nghiệp bị nợ 100.000 tỷ đồng

Dòng tiền đang bị tắc nghẽn trên đường tìm đến DN, do nợ xấu chậm được xử lý. Vấn đề này không mới, nhưng tính chất nghiêm trọng của nó đang diễn biến đáng báo động. Thực tế này có phần bắt nguồn từ một nguyên nhân ít được đề cập…

 “Trong rất nhiều văn bản và với cách thông tin như hiện tại, người ta chỉ thấy DN và ngân hàng thương mại là hai đối tượng gây ra nợ xấu, trong khi còn một đối tượng khác không kém phần quan trọng lại chưa được đề cập thỏa đáng, cũng như có những giải pháp đủ mạnh để xử lý nợ xấu do đối tượng này gây ra, đó là chủ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ cấp địa phương tới Trung ương”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp: giải pháp dòng tiền” vừa diễn ra, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, Báo Đầu tư là một trong những đơn vị bảo trợ truyền thông.

Theo ông Thiên, tổng số tiền mà chủ đầu tư các dự án đầu tư công nợ DN tính đến thời điểm này ước lên đến 100.000 tỷ đồng. Do số tiền mà các DN đang bị nợ này góp mặt đáng kể trong bức tranh nợ xấu của toàn nền kinh tế, nên câu chuyện không đơn thuần nằm ở con số 100.000 tỷ đồng. Nếu chính quyền các cấp ưu tiên thu xếp nguồn ngân sách trả nợ sớm cho DN, thì sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Lợi ích đầu tiên là thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu diễn ra nhanh và thực chất hơn. Đặc biệt, khi được trả nợ, DN sẽ có tiền trả nợ ngân hàng, từ đó có cơ hội vay các khoản mới. Bảng cân đối tài sản của các ngân hàng cũng vì vậy mà ít xấu hơn, nên họ sẽ mạnh dạn hơn trong triển khai các hoạt động cho DN vay, qua đó giúp DN giải tỏa “cơn khát” vốn hiện tại. Kiến nghị này không phải lần đầu tiên được đưa ra, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

 

Cân nhắc lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02

Vì quá sốt ruột với tình trạng nợ xấu chậm được xử lý, khiến hàng loạt DN đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động, nên đã có không ít chất vấn gay gắt được chuyển tới lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội thảo. Đại diện phía DN đặt câu hỏi, phải chăng NHNN đang loay hoay triển khai các giải pháp chưa phù hợp, bởi chỉ giải quyết được phần ngọn của những bất cập trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng, nên nợ xấu chậm được xử lý, lãi suất giảm nhưng DN vẫn không vay được vốn?

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN, do nợ xấu liên quan đến nhiều yếu tố phức tạp, nên khó giải quyết trong thời gian ngắn. DN phải đáp ứng các điều kiện cần thiết mới được vay vốn là do ngân hàng thương mại quyết định. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu, các ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay, vì như vậy sẽ gia tăng rủi ro hệ thống, cũng như gia tăng nợ xấu. Để tiếp cận được vốn, điều quan trọng là DN phải chứng minh được khả năng trả nợ, chứ ngân hàng không cần DN phô trương vẻ bề ngoài kiểu như có trụ sở to, đi xe đẹp…

Giải đáp câu hỏi được nhiều DN quan tâm là sắp tới, NHNN có biện pháp gì để khơi thông dòng vốn vào DN, ông Mạnh cho hay, đến thời điểm này, NHNN chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc hoãn, giãn nợ để hỗ trợ các DN theo Quyết định 780/2012/QĐ- NHNN của Thống đốc NHNN về phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ; trích lập dự phòng theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Tuy nhiên, qua các cuộc làm việc giữa lãnh đạo NHNN với 34 tỉnh, thành phố trong thời quan qua, NHNN đang nghiên cứu hoàn thiện và triển khai chính sách theo hướng hỗ trợ DN tiếp tục thực hiện Quyết định 780/2012 để vay được vốn.

Diễn biến trên cho thấy, phương án lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02/2013, có hiệu lực từ ngày 1/6 tới, đang được cân nhắc, để góp phần gỡ khó cho cả ngân hàng lẫn DN trong bối cảnh khó khăn hiện tại.

Dẫu sao, trên đây vẫn là các giải pháp trước mắt, mang tính xử lý tình thế. Vậy nên, về dài hạn, ông Mạnh cho rằng, không thể kéo dài tình trạng quá đặt gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế và DN lên hệ thống ngân hàng như hiện tại, mà phải thúc đẩy TTCK phát triển hiệu quả hơn. Qua đó, vừa giúp DN tìm kiếm được nguồn vốn dài hạn, vừa giúp giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng, DN và cả nền kinh tế vĩ mô do quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng như hiện tại.

Hữu Đạo
Hữu Đạo

Tin cùng chuyên mục