Điều kiện kinh doanh ngày càng áp đặt doanh nghiệp

(ĐTCK) Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua rà soát 14 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 402 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của 3 bộ đang quản lý nhiều lĩnh vực kinh doanh có điều kiện “nóng” nhất và chứa đựng nhiều bất cập là Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học Công nghệ cho thấy nổi lên 3 vấn đề. 
Điều kiện kinh doanh đang làm khó doanh nghiệp ngành in Điều kiện kinh doanh đang làm khó doanh nghiệp ngành in

Đó là điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt quy mô doanh nghiệp, can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp và can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp mệnh lệnh hành chính.

Cụ thể, các điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt quy mô doanh nghiệp được tìm thấy ở 8/14 ngành nghề, chủ yếu tập trung ở Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công thương. Điển hình nhất là yêu cầu chủ thể kinh doanh phải có tối thiểu cơ sở vật chất để đáp ứng điều kiện như đơn vị vận tải phải có tối thiểu 50 xe, nếu trụ sở đặt tại thành phố trực thuộc trung ương, bộ máy nhân sự phải đáp ứng các bộ phận tối thiểu, thương nhân phải có số vốn tối thiểu.

Đối với điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp, báo cáo rà soát chỉ rõ các điều kiện kinh doanh của các bộ này dường như bị can thiệp quá mức cần thiết và bất hợp lý trong một số quy định như yêu cầu phải tổ chức kinh doanh theo một phương thức cứng nhắc, như kinh doanh vận tải phải chia theo tuyến cố định, phải tổ chức kinh doanh theo hệ thống phân phối, phương án kinh doanh của doanh nghiệp phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào thị trường, theo ông Tuấn, bằng biện pháp mệnh lệnh hành chính, rất nhiều điều kiện kinh doanh buộc doanh nghiệp phải tuân thủ hầu như không chứng minh được vì mục tiêu lợi ích công cộng mà lại hướng đến chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là những vấn đề vốn dĩ do thị trường điều chỉnh.

“Điều này cho thấy với những đặc điểm của điều kiện kinh doanh theo kiểu áp đặt và can thiệp như vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn gia nhập thị trường của các ngành nghề này là hết sức khó khăn. Những điều kiện kinh doanh kiểu này thực tế đã giết chết nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó biến thị trường thành sân chơi độc quyền của một số ít doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, mà có thể thấy ở thị trường xuất khẩu gạo và phân phối khí”, ông Tuấn nhận xét.

Đặc biệt, kết quả này còn cho thấy một xu hướng đáng lo ngại là điều kiện kinh doanh do mỗi bộ thiết kế đều mang đậm dấu ấn riêng của từng bộ, thể hiện sự áp đặt ngày càng gia tăng của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia độc lập về chính sách công còn cho rằng trong nhiều trường hợp, yêu cầu điều kiện kiểu này còn nhằm mang lại lợi ích cho chính tổ chức và đơn vị cấp giấy phép mà các điều kiện đối với các doanh nghiệp ngành in là một ví dụ điển hình.

Ông Đồng cho biết, theo quy định này, người đứng đầu ngành in phải tốt nghiệp cao đẳng ngành in hay tốt nghiệp lớp bồi dưỡng của Cục Xuất bản. Điều này tạo ra khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp khi trong lĩnh vực in ấn có tới hơn 2.000 doanh nghiệp, trong khi mỗi năm, Cục Xuất bản chỉ có khả năng cho “ra lò” tối đa là 60 người.

Không những thế, học viên đại diện của doanh nghiệp tham gia lớp học phải mất khoảng 4 - 5 ngày, đóng học phí khoảng 5 triệu đồng cho khóa học với nội dung chủ yếu chỉ là phổ biến các quy định trong ngành in mà vốn dĩ doanh nghiệp có thể rất dễ dàng tìm hiểu.

“Giám đốc doanh nghiệp đâu nhất thiết phải tốt nghiệp cao đẳng và càng không bắt buộc phải tham gia khóa đào tạo rất thông thường này. Tại sao phải quy định Cục Xuất bản là cơ quan duy nhất được đào tạo và cấp chứng chỉ cho khóa học này?”, ông Đồng đặt câu hỏi và cho rằng điều này cho thấy lợi ích của cơ quan ban hành quá rõ bởi động cơ này mang lại lợi ích nhiều hơn cho chính cơ quan ban hành quy định hơn là doanh nghiệp.

Hiện rất nhiều ngành tồn tại tình trạng quy định yêu cầu chứng chỉ hành nghề, tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng kiểu này như ngành du lịch, hành nghề luật sư. Theo ông Đồng, đây là lý do tại sao Chính phủ yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng giấy phép thì vẫn cứ đẻ ra ngày càng nhiều.

Theo đề xuất của ông Đồng, cần tách biệt cơ quan xây dựng giấy phép và cơ quan cấp phép đề tránh xung đột lợi ích. “Cục Xuất bản đẻ ra giấy phép xuất bản thì không được đào tạo cấp phép vì lợi ích này là xung đột với nhau. Nếu vẫn giữ tư duy và cách làm này thì sẽ còn tiếp tục đẻ thêm ra nhiều giấy phép mới”, ông Đồng nhấn mạnh.               

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục