Đâu là ngưỡng lạm phát tốt nhất cho Việt Nam?

(ĐTCK) “Kiểm soát lạm phát ở Việt Nam chưa bền vững, sự bất ổn của tiền tệ và kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn lớn”. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thạc Hoát, Trưởng khoa Tài chính -Tiền tệ Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về xu hướng lạm phát của Việt Nam.
Ảnh: Internet. Ảnh: Internet.

Tại Hội thảo “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 21/5, nhiều chuyên gia kinh tế đều nhất trí với nhận định, trong vài năm tới, tình hình kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, lạm phát sẽ chưa được kiểm soát vững chắc, đồng thời mức tăng trưởng của nền kinh tế cũng không cao. Tình hình khó khăn này có thể kéo dài đến năm 2015.

Trong bối cảnh đó, theo ông Hoát, việc xác định ngưỡng lạm phát là vấn đề rất quan trọng trong quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế đất nước. Ngưỡng lạm phát thể hiện tại mức đó nền kinh tế huy động được tối đa các nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Ở nước ta, trong khoảng 20 năm qua đã có 3 xu hướng lạm phát xảy ra. Xu hướng giảm rất mạnh, từ mức cao 2 con số xuống mức âm diễn ra trong giai đoạn 1992 - 2000. Xu hướng tăng mạnh, từ mức âm lên 2 con số trong giai đoạn 2000 - 2008. Cuối cùng là xu hướng biến động mạnh và phức tạp trong giai đoạn 2009 - 2012. Trong giai đoạn này, lạm phát đã xuống thấp vào năm 2009 (6,5%), bùng phát cao năm 2010 và 2011 (11,8% và 18,1%), và giảm thấp đột ngột vào năm 2012 (6,8%).

 “Theo tính toán, khoảng lạm phát tối ưu của Việt Nam (1996 - 2012) từ 7,5% - 9,5% và ngưỡng tối ưu cho lạm phát là 7,5%”, ông Hoát nói và cho biết, khi lạm phát nằm ngoài khoảng lạm phát tối ưu, thì mỗi 1% lạm phát tăng có thể làm giảm tăng trưởng 0,0138%.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu vốn đầu tư cho toàn xã hội không ngừng gia tăng qua các năm, song các nguồn nội lực sẵn sàng để đáp ứng cho nhu cầu này còn rất hạn chế, đặc biệt khi tình trạng mất cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư vẫn còn hiện hữu và ngày càng có khoảng cách ở Việt Nam. Áp lực để bù đắp cho những thiếu hụt về vốn cho phát triển kinh tế đã dồn lên vai hệ thống ngân hàng, và khi sự mất cân đối giữa tốc độ tăng cung tiền và tốc độ tăng trưởng kinh tế quá lớn thì sức ép lạm phát tất yếu sẽ xuất hiện.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, thực trạng kinh tế nước ta hơn hai thập kỷ qua cho thấy, lạm phát và tăng trưởng có quan hệ tỷ lệ nghịch. “Dường như ngưỡng lạm phát của Việt Nam cũng nằm trong ngưỡng của các nước đang phát triển, tuy vậy, với mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư trong thời gian dài đã gây nên lạm phát, từ đó lạm phát tác động trở lại làm giảm tăng trưởng”, ông Lâm nói và nhấn mạnh, ngưỡng lạm phát đối với tăng trưởng của nước ta nên ở mức một con số.          

Minh Nhật
Minh Nhật

Tin cùng chuyên mục