Đại gia làm nông nghiệp như “làm từ thiện” và nỗi buồn của ngành nông nghiệp

Nỗi buồn khi nói về nông nghiệp của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chắc chắn không chỉ của riêng ông. Ông đã nói: “Tôi buồn vì ít doanh nghiệp làm nông nghiệp, có đại gia tham gia vào nông nghiệp lại nói để làm từ thiện. Tại sao giá trị của ngành nông nghiệp Việt Nam lại bị đánh giá thấp đến vậy?”.     
Đại gia làm nông nghiệp như “làm từ thiện” và nỗi buồn của ngành nông nghiệp

Một đất nước với những lợi thế phát triển nông nghiệp rõ ràng. Một đất nước với 60% người dân sống bằng nghề nông. Tại sao một đất nước có nhiều mặt hàng giữ thứ hạng khá cao trên thị trường nông sản xuất khẩu thế giới như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ chế biến…lại không thể kiếm tiền, làm giàu bằng nông nghiệp?

Nỗi buồn của ông Thành cũng không chỉ để chia sẻ với những người tham dự diễn đàn mới đây về phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nông thôn mới, bởi ngay tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp đã cho rằng, chủ trương, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đã tương đối đầy đủ. Cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất trong ngành nông nghiệp, nông thôn, gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn… cũng đã có.

"Tôi buồn vì phải mua gom 100 ha đất với giá 2,5 tỷ đồng/ha, đắt hơn thị trường 20%, nhưng 4 năm vẫn chưa xong giấy tờ. Hãy cho tôi cơ chế, cho tôi mua đất đàng hoàng"

- ông Nguyễn Thể Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hỗ trợ nông gia Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhưng vì sao chỉ có khoảng 5% tổng đầu tư xã hội đổ vào nông nghiệp? Tại sao chỉ có 1% doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp, nhưng có tới 1/3 không có lãi hoặc thua lỗ? Tại sao vẫn chỉ có 1% nhà đầu tư nước ngoài bước chân vào lãnh địa này, trong khi bản thân họ luôn nhìn nhận nông nghiệp là lợi thế của không chỉ Việt Nam, mà của cả thế giới? Tại sao doanh nghiệp - hộ nông dân - nhà nghiên cứu chưa kết nối được với nhau?... Đáng lo ngại hơn là các tỷ lệ này đang có xu hướng giảm.

Thực tế sẽ không thể có một nền sản xuất hàng hóa, không thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nếu không dựa vào doanh nghiệp, nếu vẫn lấy hộ gia đình làm hạt nhân, vẫn lấy mảnh ruộng con làm nền tảng như hiện tại, đặc biệt là khi không thay đổi phương thực sản xuất nông nghiệp dựa trên quy mô và năng suất. Nhưng điều này là không thể trong cơ chế sử dụng đất nông nghiệp hiện tại.

Phải kể thêm nỗi buồn của ông Nguyễn Thể Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hỗ trợ nông gia Đồng bằng Sông Cửu Long, rằng “Tôi buồn vì phải mua gom 100 ha đất với giá 2,5 tỷ đồng/ha, đắt hơn thị trường 20%, nhưng 4 năm vẫn chưa xong giấy tờ. Hãy cho tôi cơ chế, cho tôi mua đất đàng hoàng”.

Rõ ràng, chính sách về đất đai đang là nút chặt trước nỗ lực thay đổi phương thức sản xuất trong nông nghiệp. Vấn đề cốt lõi cần được giải quyết trong thời gian tới là thiết lập quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp, bởi việc tích tụ ruộng đất sẽ không thể dựa trên việc thu hồi đất, chia đất như hiện tại, mà phải để thị trường về sử dụng đất là nhân tố quyết định phân bổ nguồn lực đất đai.

"Tôi buồn vì ít doanh nghiệp làm nông nghiệp, có đại gia tham gia vào nông nghiệp lại nói để làm từ thiện"

- TS Võ Trí Thành.

Đầu tư vào nông nghiệp có nhiều rủi ro, vì đó là ngành mang tính thời vụ, chịu tác động của tự nhiên, phụ thuộc vào chu kỳ sản xuất, độ co dãn của tiêu dùng nông sản… Nhưng đó là những yếu tố mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tính toán khi rót tiền vào lĩnh vực này để đảm bảo đồng vốn có thể sinh lời.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng, nhiều nguồn vốn đã sẵn sàng. Vấn đề là cần có cơ chế thích hợp.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục