Đại biểu Quốc hội lo nợ công lớn, kỷ luật tài khóa chưa nghiêm

Các đại biểu Quốc hội tỏ ra sốt ruột trước tình trạng nợ công vẫn còn lớn và đang tiếp tục tăng nhanh, trong khi kỷ luật tài khóa chưa nghiêm.

Không nằm ngoài dự đoán, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại nghị trường Quốc hội sáng nay, rất nhiều đại biểu bày tỏ mối quan ngại trước tình hình nợ công vẫn ở mức cao, dù Chính phủ khẳng định nợ công vẫn đang dưới ngưỡng an toàn 65% GDP.

Một cách thẳng thắn, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, bội chi còn cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn, nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm.

“Nợ công dự báo đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu tỷ đồng; trả lãi vay hàng năm chiếm khoảng 7 đến 8 % tổng chi ngân sách nhà nước, bình quân mỗi năm trả lãi hơn 100.000 tỷ đồng. Trong khi đó, khả năng trả nợ rất khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ, phải vay đáo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ”, ông Hoàng Quang Hàm nói.

Vấn đề ở chỗ, theo ông Hàm, nợ công dự báo đến năm năm 2020 vẫn không khắc phục được, nguồn trả nợ vẫn từ nguồn vay mới và lên tới 252.000 tỷ. Nợ công là thế nhưng nhiều năm nay tăng thu tiết kiệm chi, chưa ưu tiên giảm bội chi để trả nợ. Nhiều dự án sử dụng vốn vay nhưng giải ngân chậm. Trong khi đó, tinh giản biên chế không đạt mục tiêu nên thực hiện giảm chi bộ máy không hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội lo nợ công lớn, kỷ luật tài khóa chưa nghiêm ảnh 1

 Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) phát biểu

“Trong khi đó, chính sách thu cũng chậm thay đổi để đảm bảo nguồn chi và cân đối ngân sách. Nhiều nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ tiêu an toàn nợ công và kế hoạch trung hạn, nhưng chưa minh bạch và báo cáo rõ số liệu với Quốc hội, như số tiền quỹ tích lũy đáp ứng trả nợ thay các dự án vay lại, dự án Chính phủ bảo lãnh chậm trả hoặc không trả được nợ. Các dự án BT trả chậm vào ngân sách đã và sẽ đến thời hạn trả nợ”, ông Hàm thẳng thắn.

Cũng liên quan đến những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho rằng, Chính phủ đã nhìn thấy những hạn chế, tồn tại trong cơ cấu lại nền kinh tế, giới hạn của nợ công, nợ xấu, tuy nhiên cần phân tích, giải trình rõ thêm. Chẳng hạn, chất lượng đầu tư công có được cải thiện không?

“Cần chấn chỉnh kỷ cương trong đầu tư công. Đây là những điều nhân dân rất quan tâm và cũng là yếu tố phát triển bền vững. Vốn đầu tư công năm 2007 phân bổ rất chậm, cuối năm còn rất lớn chưa được triển khai, thời gian còn lại 2 tháng và sức ép về giải ngân rất dễ tạo ra cách làm đối phó, làm cho xong thủ tục để không bị cắt giảm vốn và làm thế nào để không ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư và mục tiêu tăng trưởng, đạt được mục tiêu về chi ngân sách”, ông Ngô Sách Thực nói.

Đại biểu Quốc hội lo nợ công lớn, kỷ luật tài khóa chưa nghiêm ảnh 2

 Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) phát biểu.

Trong khi đó, đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) cũng bày tỏ băn khoăn khi theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến cuối năm 2017 con số nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng; năm 2016 con số này là 2,86 triệu tỷ đồng; tỷ lệ nợ công năm 2017 chiếm khoảng 62,6% GDP và dự kiến tiếp tục tăng lên ở mức 63,9% GDP vào cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ Chính phủ khoảng 2,59 triệu tỷ đồng, tương đương 51,8% GDP, và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP.

“Như vậy, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 tiếp tục tăng lên so với năm trước. Trong khi đó, thu ngân sách 9 tháng năm 2017 mới đạt 69,5% dự toán. Việc ngân sách Trung ương năm 2017 có khả năng hụt thu là điều rất đáng quan tâm”, đại biểu Lê Minh Chuẩn phát biểu.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục