CPI tháng 5/2020 tăng thấp nhất kể từ năm 2016

CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 4,39% có thể chấp nhận được trong bối cảnh giá thịt lợn đang rất cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do hậu quả của dịch tả lợn châu Phi.
CPI tháng 5/2020 tăng thấp nhất kể từ năm 2016

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá USD tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020.

 CPI bình quân 5 tháng tăng 4,39%

Cụ thể, CPI tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016 tăng 1,88%; năm 2917 tăng 0,37%; năm 2018 tăng 1,61%; và năm 2019 tăng 1,5%). Tuy nhiên, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong 3 năm gần đây (năm 2018 tăng 3,01%;năm 2019 tăng 2,74%).

Như vậy, so với mục tiêu Quốc hội đặt ra (CPI bình quân dưới 4%) thì 5 tháng đầu năm không đạt được, nhưng so với mục tiêu dự kiến sẽ được Quốc hội điều chỉnh vào cuối kỳ họp thứ 9 là CPI năm 2020 tăng khoảng 4% thì việc CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 4,39% có thể chấp nhận được.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, việc kiềm chế được tốc độ lạm phát trong bối cảnh giá thịt lợn (một trong những loại hàng hóa chiếm tỷ trọng cao trong quyền số tính CPI) đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu giảm là nhờ Chính phủ và các bộ ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; sự chủ động điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công thương - tài chính; Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động là những nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 5 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước, nhờ đó CPI bình quân 5 tháng đầu năm vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Trong mức giảm 0,03% của CPI tháng 5/2020 so với tháng 4/2020, theo Tổng cục Thống kê có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm giao thông giảm 2,21% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào ngày 28/4/2020 và tăng giá xăng, dầu vào ngày 13/5/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 4,98% (tác động làm CPI chung giảm 0,21%), bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng xe ô tô đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá ô tô giảm 0,25%.

Nhóm bưu chính viễn thông; văn hóa, giải trí và du lịch; may mặc, mũ nón và giày dép trong tháng 5/2020 giảm nhẹ mặc dù du lịch bước vào thời kỳ cao điểm chủ yếu do các cửa hàng thời trang áp dụng nhiều chương trình giảm giá để thu hút khách hàng sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các hãng du lịch lữ hành cũng đồng loạt giảm giá tour trong nước, hệ thống nhà hàng, khách sạn cũng giảm giá để kích cầu du lịch nội địa sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Ngược lại, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng do giá hàng thực phẩm tăng 0,43%, nguyên nhân chủ yếu là do hậu quả của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu đã đẩy giá thịt lợn tăng 4,13%. Giá thịt lợn tăng cũng đẩy giả các loại thịt gia cầm tươi sống tăng 0,92%.

Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 5/2020 (không tính nhóm hàng nhiên liệu và hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá) giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,88%.

 Vàng tăng, USD giảm

Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với triển vọng suy thoái kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, để cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, hầu hết các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... đã đưa ra nhiều gói cứu trợ cho người dân và ngân hàng trung ương các nước bơm thêm tiền vào kinh tế khiến đồng tiền có nguy cơ bị mất giá khi lượng tiền lớn được đưa ra thị trường và là cơ hội cho giá vàng tăng.

Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/5/2020 tăng 1,41% so với tháng 4/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2020 tăng 2,41% so với tháng trước; tăng 14,84% so với tháng 12/2019 và tăng 30,52% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, USD trên thị trường thế giới giảm trước hàng loạt thông tin kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố không mấy khả quan, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ lãi suất 0%-0,25%. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu nên chỉ số giá USD tháng 5/2020 giảm 0,41% so với tháng trước; tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước.

 Mấu chốt là phải kéo giá thịt lợn xuống

“CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 4,39% trong bối cảnh giá xăng dầu đang có xu hướng tăng trở lại (chiều 28/5, giá xăng dầu tăng lần thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm, theo đó, mỗi lít xăng RON92 tăng 882 đồng, xăng RON95 tăng 890 đồng; dầu diesel tăng 892 đồng; dầu hỏa tăng 875 đồng; mazut tăng 947 đồng) khiến việc kéo CPI xuống dưới 4% là thách thức rất lớn”, bà Ngọc nhận định.

Một trong các giải pháp để giữ được lạm phát theo yêu cầu của Quốc hội (dưới 4% hoặc tăng khoảng 4%), theo bà Ngọc là phải giảm được giá thịt lợn.

“Tổng cục Thống kê đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương tiến hành rà soát tất cả các khâu từ chăn nuôi, thu mua, giết mổ, vận chuyển xem giá thành thịt lợn là bao nhiêu và giá bán đến tận tay người tiêu dùng là bao nhiêu. Sau khi rà soát phải chỉ ra được các yếu tố phi lý trong hình thành giá để đưa về đúng giá trị thực, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, phân phối có lãi hợp lý và người tiêu dùng được mua với giá hợp lý”, bà Ngọc cho biết.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục