CPI chưa phản ảnh đúng mối lo của bà nội trợ

Một cân cà chua tại Thái Bình giá 500 đồng nhưng khi vận chuyển lên Hà Nội bị đẩy lên 8.000 đồng. Giới chuyên gia cho rằng hệ thống phân phối đang bị thao túng nên hàng hóa luôn trong xu thế thiết lập mặt bằng giá mới.
Giá cả tăng cao gây áp lực đến bữa ăn của đại bộ phận dân chúng Giá cả tăng cao gây áp lực đến bữa ăn của đại bộ phận dân chúng

 

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội - Vũ Vinh Phú cho rằng, các nguyên nhân ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng hầu như ai cũng có thể nhận ra và nhiều năm nay đều giống như kịch bản lặp lại nhưng không được giải quyết một cách triệt để. Gốc rễ vấn đề theo ông Phú là nằm ở lỗ hổng trong hệ thống phân phối.

 

Trong 10 năm nghiên cứu thị trường, ông Phú cho rằng, một khi hệ thống phân phối của Việt Nam còn vòng vèo bị thao túng thì giá cả sẽ còn thiết lập mặt bằng mới. Khi một kg cà chua giá 500 đồng ở Thái Bình được bán tại Hà Nội với giá 8.000 đồng hay một kg cá trích giá 8.000 đồng và qua khâu vận chuyển giá đội tới 30.000 đồng... thì người tiêu dùng sẽ khó có cơ hội tiếp cận nguồn hàng giá rẻ.

 

"CPI hiện tại chưa phản ánh đúng bữa ăn của đại bộ phận dân chúng. Tôi thường xuyên tiếp xúc với những người trực tiếp đi chợ và thấy rằng giá cả thực tế ngoài thị trường tăng rất cao so với những gì chúng ta thống kê", ông Phú nói.

 

Ông dẫn chứng tháng 4 và tháng 5, khi đường tồn kho ở nhà máy lên tới nửa triệu tấn với giá 16.000-17.000 đồng một kg thì trên thị trường, giá sản phẩm cùng loại bị đẩy lên 24.000-25.000 đồng.

 

Theo ông Phú, xăng dầu, điện nước... tăng trong những tháng đầu năm, kéo theo giá cả nhiều mặt hàng biến động mạnh là không thể tránh khỏi. "Nếu là sức ép từ thị trường thế giới, tăng giá các mặt hàng nhạy cảm trên là khó tránh khỏi, tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh trong điều hành, không nên nóng vội để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến đời sống người dân", ông Phú nói.

 

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia tài chính chia sẻ rằng, hiện nay giá cả hầu hết các mặt hàng đều tăng cao là việc ai cũng có thể nhìn thấy. Một trong những yếu tố đang tác động trực tiếp đến giá cả của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc ồ ạt thu gom nông sản khiến nguồn nguyên liệu đầu vào của khan hiếm. Các tin đồn liên quan đến chính sách điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu khiến một số nhóm hàng hóa cũng té nước theo.

 

"Tôi cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần phải làm rõ các khoản chi phí tác động gián tiếp đến giá cả, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng", vị chuyên gia này nói.

 

Theo ông, các ngân hàng tự "đẻ" ra quá nhiều loại phí - một hình thức tăng lãi suất trá hình đã gián tiếp tác động đến giá cả. Doanh nghiệp vay với lãi suất cao khiến chi phí đội lên và người tiêu dùng sẽ là đối tượng phải gánh chịu. "Tôi cho rằng Bộ Tài chính cần phối hợp với các đơn vị liên quan đi khảo sát thực tế việc này để thấy rằng các ngân hàng đã chung tay cùng với Chính phủ chống lạm phát hay chưa", vị chuyên gia này nói.

 

Tại buổi hội thảo về diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm do Học viện Tài chính và Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính tổ chức ngày 12/7, hầu hết các ý kiến chuyên gia đều bày tỏ mối lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng cao trong những tháng còn lại của năm, đe dọa mục tiêu kiểm soát CPI ở ngưỡng 17%.

 

Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương - Nguyễn Lộc An cho rằng, có nhiều yếu tố tiềm ẩn và tác động tới chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng còn lại của năm. Giá nguyên, nhiên liệu đầu vào như xăng dầu, thép, khí hóa lỏng... tăng cao trên thị trường thế giới, đã tác động mạnh đến giá cả nhiều nhóm mặt hàng trong nước. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng lương theo lộ trình cùng với chính sách tiền tệ chặt chẽ cũng gián tiếp ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trong nước.

 

Theo ông An, việc một số mặt hàng như điện, xăng dầu điều chỉnh tăng theo lộ trình, cùng với quy luật cuối năm - giá cả thường tăng cao, nên việc giữ CPI ở mức 17% cần phải có các giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt.

 

Theo các chuyên gia, giá xăng, dầu, điện đang rập rình tăng gây tâm lý bất ổn trong người tiêu dùng.

 

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thỏa, trong những tháng còn lại của năm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu. Ông Thỏa cho biết 6 tháng cuối năm, Việt Nam vẫn duy trì thực hiện cơ chế giá thị trường đối với một số mặt hàng như điện, than... Tuy nhiên việc "thả giá" này sẽ thực hiện theo lộ trình từng bước và có kiểm soát.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục