Công nghiệp chế biến chế tạo sẽ lấy lại đà tăng trưởng

(ĐTCK) Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ 2018, nhưng dự báo sẽ tăng trưởng mạnh từ quý II trở đi. Đây là dự báo mới nhất được Tổng cục Thống kê đưa ra tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 mới đây.
Công nghiệp chế biến chế tạo sẽ lấy lại đà tăng trưởng

Quý I vừa qua, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ 2018, song theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, mức tăng 12,35% vẫn là điểm sáng nhất trong bức tranh tăng trưởng kinh tế quý I.

“Quý I tăng thấp hơn năm 2018 là do quy mô của ngành này đã bắt đầu ổn định, ngoài ra do Samsung chưa có sản phẩm mới tăng đột biến”, ông Thúy lý giải.

Ông Thúy dự báo, có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy ngành này sẽ phục hồi lại đà tăng trưởng mạnh từ quý II và các quý tới.

“Theo số liệu đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong ngành chế biến chế tạo tăng 10,7%, là một trong số ngành có số doanh nghiệp tăng cao nhất. Số vốn đăng ký cũng gia tăng mạnh, đây là tín hiệu cho thấy ngành chế biến chế tạo sẽ có nguồn lực bổ sung mạnh mẽ cho tăng trưởng trong các quý tới”, ông Thúy nhận định.

Cũng theo khảo sát mới nhất của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo, quý II, nhìn chung doanh nghiệp trong ngành sẽ phục hồi mức tăng trưởng khả quan nhờ dự báo tăng cao về khối lượng sản xuất, đơn hàng cho các quý tiếp theo đều đạt mức ấn tượng. Bên cạnh đó, với sự đóng góp tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI quy mô lớn trong ngành như Samsung trong các quý tới sẽ tạo nền tảng thuận lợi cho ngành chế biến chế tạo khởi sắc từ quý II và tiếp tục đà tăng mạnh hơn vào các tháng cuối năm.

Trong khi đó, với ngành chăn nuôi, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp cho biết, quý I vừa qua, dịch tả châu Phi lan rộng khiến ngành chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn. Theo ước tính, giá trị ngành chăn nuôi lợn chiếm 52% tỷ trọng ngành chăn nuôi và chiếm 1,3% trong cơ cấu toàn ngành nông nghiệp và thủy sản, nên ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn. 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, do dịch bệnh lan rộng nên nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh, giá lợn hơi trên thị trường đã giảm từ trên 50.000 đồng/kg xuống còn trên 30.000 đồng/kg, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi.

“Khả năng diễn biến dịch tả còn kéo dài, ít nhất sang mùa hè ở khu vực miền Bắc, khi nhiệt độ tăng lên dịch mới hạn chế lan truyền. Do đó, dự báo quý II, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục gặp khó khăn”, ông Tiến nhận định.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi giảm 0,82% so với tính toán ban đầu, làm giảm 0,02 điểm phần trăm của tăng trưởng GDP. Trong quý II, dự báo diễn biến này có thể làm giảm 1,3% điểm tăng trưởng ngành chăn nuôi so với kế hoạch đầu năm, giảm 0,3% điểm tăng trưởng ngành nông nghiệp, thủy sản, dẫn tới giảm 1,13% điểm tăng trưởng ngành chăn nuôi và 0,04% GDP cả năm.

Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, giá thịt lợn có thể tăng trở lại vào tháng 6 khi dịch bệnh thuyên giảm. “Các doanh nghiệp chăn nuôi cần có kế hoạch tái đàn lợn hợp lý, vì sau khi dịch bệnh giảm, nhu cầu tiêu thụ tăng lên, giá thịt lợn sẽ tăng, tránh để cung không đáp ứng được cầu, dẫn đến giá tăng mạnh, ảnh hưởng đến tình hình giá cả nói chung”, bà Ngọc khuyến nghị.

Đánh giá về khả năng tăng trưởng chung của các ngành trên góc độ thương mại và trong quan hệ tương quan gắn với cung cầu thị trường, ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thương mại và dịch vụ cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là công tác thị trường để đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp, từ đó mới giữ vững và nâng được tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp và của toàn ngành sản xuất nói chung. Để đảm bảo tăng trưởng của các ngành và tăng trưởng của doanh nghiệp thì công tác thị trường trong năm nay là quan trọng nhất, bởi hiện nay độ mở nền kinh tế Việt Nam đến lên tới 250%, là mức cao nhất từ trước tới nay.

“Chẳng hạn, với ngành nông nghiệp thì đầu ra cho nông thủy sản là vấn đề lớn. Thâm nhập được thị trường khu vực ASEAN là có thể thêm đầu ra cho ngành nông sản, vì thị trường này hiện còn tiêu thụ nông sản Việt Nam rất thấp. Hay như ở lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu điện thoại là 1 trong những nguồn thu lớn nhất đóng góp cho tăng trưởng của ngành và nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện thị trường thế giới đã chạm ngưỡng bão hòa điện thoại thông minh. Nếu không mở được các thị trường mới để tăng cầu và tăng xuất khẩu thì sẽ khó có thể hoàn thành kế hoạch xuất khẩu và tăng trưởng ngành”, ông Tiến khuyến nghị.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục