Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Tìm lối ra cho năm 2019

(ĐTCK) Năm 2018 không mấy vui đối với công tác huy động vốn qua đấu giá cổ phần, thoái vốn nhà nước, khi các số liệu cho thấy, số thu giảm xấp xỉ 70% so với năm 2017. Đâu là những giải pháp cho sự chuyển biến tích cực về vấn đề này trong năm 2019?
Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Tìm lối ra cho năm 2019

Nhiều tồn tại, vướng mắc

Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nói chung có nội hàm khá rộng, có thể bao gồm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO, áp dụng với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu), chào bán phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Với tư cách là một cổ đông, cho dù là cổ đông nhà nước, việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại các công ty cổ phần trước hết chịu sự điều chỉnh chung của Luật Doanh nghiệp. Theo đó, cổ đông trong công ty cổ phần có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần, trừ trường hợp hạn chế chuyển nhượng đối với cổ đông sáng lập trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và điều lệ công ty có quy định việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần.

Theo quy định tại Điều 126, Luật Doanh nghiệp năm 2014, chuyển nhượng cổ phần bao gồm chuyển nhượng (bán), thừa kế, tặng cho và sử dụng cổ phần để trả nợ. Tuy nhiên, đối với cổ phần của Nhà nước trong các công ty cổ phần, việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức bán cổ phần, hay còn gọi là thoái vốn nhà nước.

Trong năm 2017, cả nước đã thoái được 8.915 tỷ đồng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách, thu về 139.385 tỷ đồng, với sự đóng góp lớn từ thành công của những thương vụ thoái vốn tại Sabeco và Vinamilk. Nhưng năm 2018, kết quả thoái vốn chỉ đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2017.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến giá trị thoái vốn nhà nước giảm mạnh? Nhìn chung, pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp thông tư. Điều này làm cho việc tham chiếu, vận dụng, giải thích văn bản gặp không ít khó khăn.

Các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc, nên trong quá trình thực hiện, các DNNN thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh. Trong nhiều trường hợp, câu trả lời của các cơ quan quản lý nhà nước thiếu cụ thể hoặc viện dẫn ngược trở lại các quy định cần giải thích, hoặc giải thích theo hướng an toàn, thậm chí chặt/hạn chế hơn so với quy định.

Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch hóa thoái vốn không thực sự gắn với yêu cầu thị trường khi đặt ra những thời hạn chót để hoàn thành. Các doanh nghiệp bán vốn không có nhiều lựa chọn với tư cách một nhà đầu tư khi không thể chủ động và độc lập quyết định về thời điểm thoái vốn. Do đó, trong không ít trường hợp, doanh nghiệp được yêu cầu phải thoái vốn tại những đơn vị có hiệu quả cao, sau đó sử dụng số tiền thu về để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại những đơn vị/dự án có hiệu quả thấp hơn, chỉ với lý do doanh nghiệp đó không thuộc đối tượng Nhà nước phải nắm giữ lâu dài.

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Tìm lối ra cho năm 2019 ảnh 1

 Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC

Ngoài ra, giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư; phương thức bán vốn đôi khi còn cứng nhắc, thời điểm bán vốn không phù hợp.

Cũng phải kể đến tồn tại, vướng mắc về phía doanh nghiệp là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ, hoặc đã có cổ đông khác sở hữu tỷ lệ chi phối (trên 51%) tại doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước chào bán; doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; có nhiều mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, ban lãnh đạo doanh nghiệp có vi phạm pháp luật và đang bị xử lý.

Phía đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cũng có những tồn tại, vướng mắc, ngoài việc đảm bảo các yêu cầu công khai, minh bạch, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thường hướng đến mục tiêu cao nhất là tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước.

Do định hướng này mà yêu cầu thông qua việc bán vốn để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, có đủ năng lực tài chính, kinh doanh và quản trị để điều hành doanh nghiệp hiệu quả hơn sau thoái vốn nhà nước, nếu có cũng không phải là trọng yếu và khó có thể đạt được với trình tự đấu giá công khai và chọn nhà đầu tư trả giá cao nhất như hiện nay.

Mục tiêu tìm đối tác chiến lược là khó khả thi nếu ban lãnh đạo của doanh nghiệp bán vốn không muốn bị cơ quan chức năng và dư luận đặt dấu hỏi về tính công khai, minh bạch của việc thoái vốn.

Đề xuất 4 nhóm giải pháp

Những tồn tại, vướng mắc nêu trên do nhiều nguyên nhân (bao gồm cả những yếu tố khách quan) và chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của SCIC trong việc thoái vốn nhà nước đạt hiệu quả cao, đảm bảo công khai, minh bạch, tối đa lợi ích nhà nước, SCIC kiến nghị, thứ nhất, cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Thông tư 59/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 32.

Cụ thể, bổ sung quy định về cơ chế hạ giá khởi điểm trong trường hợp đã thực hiện các phương thức bán theo trình tự đấu giá/chào bán cạnh tranh/thỏa thuận nhưng không thành công; bổ sung quy định về việc được hạ giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thua lỗ và đã thực hiện đấu giá công khai, nhưng không có người mua cao hơn hoặc bằng mệnh giá

Bổ sung hướng dẫn trong trường hợp đấu giá cả lô có nhiều nhà đầu tư trả giá cao nhất bằng nhau thì sẽ chào giá cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, nếu vẫn tiếp tục trả giá cao nhất bằng nhau sẽ cho bốc thăm để lựa chọn nhà đầu tư nhằm đảm bảo quyền lợi mua trọn lô cổ phần của nhà đầu tư, thay vì chia đều số cổ phần bán cho các nhà đầu tư như quy định hiện nay.

Bổ sung trường hợp được bán cả lô cổ phần nhằm bán hết cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp, tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ mua một phần, dẫn đến số cổ phần còn lại khó bán hoặc không bán được ở giá hợp lý.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Điều 126, Luật Doanh nghiệp 2014 theo hướng: Trường hợp bán đấu giá hoặc chào bán cạnh tranh cổ phần thì không cần thiết phải lập thành hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Đồng thời, quy định thời hạn cụ thể để công ty cổ phần phải thực hiện việc “ghi vào sổ đăng ký cổ đông” của công ty (Ví dụ: 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo/hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hợp pháp của cổ đông…) và quá thời hạn này mà công ty cổ phần không thực hiện việc “ghi vào sổ đăng ký cổ đông” của công ty thì người nhận chuyển nhượng cổ phần vẫn được coi là cổ đông của công ty, để không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Thứ ba, tách bạch quá trình bán vốn với việc thu hồi nợ theo hướng việc theo dõi và thu hồi nợ cần được coi là công việc thường xuyên cả trước, trong và sau khi bán cổ phần đối với các doanh nghiệp.

Cụ thể, pháp luật cần quy định đối với doanh nghiệp gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nếu không bán vốn có nguy cơ mất vốn và doanh nghiệp đã có xác nhận và cam kết trả nợ, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có thể dựa trên phân tích và đánh giá khả năng trả nợ để quyết định việc bán vốn trước khi thu hồi hết nợ.

Thứ tư, cho phép thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa bên bán vốn và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường (như DATC hay VAMC). Nếu cơ chế này được xây dựng và thực thi, những khoản nợ xấu, nợ khó đòi tại các doanh nghiệp theo lộ trình thoái vốn của SCIC sẽ được xem xét, đàm phán để bán lại cho DATC/VAMC.

Điều này sẽ đem lại những lợi ích đáng kể cho các bên. Một mặt giúp bên bán đẩy nhanh quá trình bán vốn, kịp thời thu hồi vốn cho Nhà nước, hoàn tất quá trình cổ phần hóa toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Mặt khác, với việc tái cơ cấu, chuyển khoản nợ thành vốn góp, DATC/VAMC trong vai trò cổ đông sẽ hỗ trợ hội đồng quản trị và ban điều hành doanh nghiệp cải tiến công tác quản trị và tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp và cổ đông. 

Hiện nay, hoạt động chuyển nhượng cổ phần nhà nước tại các công ty cổ phần được quy định tại 2 loại văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu sau:

Các quy định pháp luật chung về doanh nghiệp: Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Điều 126); Luật Chứng khoán năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24/11/2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định điều kiện, hình thức chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai giao dịch chứng khoán…

Các quy định pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với các DNNN hoặc doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (Điều 39); Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (Điều 38); Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, ngày 8/3/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp

Riêng đối với SCIC, hoạt động thoái vốn nhà nước còn chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Nghị định số 147/2017/NĐ-CP ngày 25/12/2017 về việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định số 151.

Ngoài ra, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước đã xây dựng các quy chế nội bộ để hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện trong phạm vi doanh nghiệp mình như quy chế bán cổ phần của SCIC, quy chế tài chính của một số tổng công ty, tập đoàn...

Lê Song Lai

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục