Cơ hội từ Hiệp định EVFTA và chiếc áo thể chế

Kỳ vọng vào những cải cách thể chế để tận dung nhanh cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tạo hứng khởi mới cho VBF - cuộc đối thoại thường niên giữa các cơ quan của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Các đại biểu trao đổi bên lề VBF giữa kỳ 2019. Ảnh: Đức Thanh Các đại biểu trao đổi bên lề VBF giữa kỳ 2019. Ảnh: Đức Thanh

Từ khóa EVFTA

Một cuộc trao đổi ngắn giữa đại diện Bộ Công thương, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã diễn ra ngay tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019.

“Cuộc đối thoại với doanh nghiệp về EVFTA sẽ diễn ra vào ngày 1/7, một ngày sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thông tin.

Trước đó, ngay trong bài phát biểu tại phiên khai mạc VBF giữa kỳ 2019, ông Vũ Tiến Lộc đã đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cùng VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp “xắn tay” chuẩn bị ngay khung hành động thực hiện EVFTA.

Những nỗ lực liên tiếp của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy EU ký kết EVFTA thời gian qua khiến thông tin này không quá bất ngờ, nhưng chính cơ hội lớn trước mắt khi gần như 100% biểu thuế nhập khẩu sang EU được xóa bỏ trong thời gian ngắn, thị trường rộng mở cho các nhà đầu tư EU tham gia vào nhiều lĩnh vực, trong đó có cả mua sắm chính phủ, cơ sở hạ tầng… đã khiến sự hào hứng với thông tin từ EVFTA tăng cao.

Thậm chí, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch EuroCham còn khẳng định niềm tin rằng, việc phê chuẩn EVFTA sẽ được hoàn tất ngay cuối năm nay.

“Nhưng, việc thực thi hiệp định này cũng cần có mặt ngay trong nghị trình làm việc của Chính phủ Việt Nam”, ông Tomaso Andreatta khuyến nghị, đồng thời nhắc tới 109 kiến nghị mà EuroCham đã gửi để góp ý cho Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), bên cạnh những khuyến nghị cải thiện thủ tục về thuế, hải quan…

Sự quan tâm của các doanh nghiệp EU với hình thức đầu tư PPP không chỉ vì cơ hội đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, mà còn là thể chế cho mối quan hệ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và thị trường cần phải được xác lập rõ ràng, tin cậy, bởi tới đây, PPP được coi là hình thức đầu tư hấp dẫn trong các lĩnh vực của nền kinh tế.

“Có hai điều chúng tôi chờ đợi từ cơ chế cho PPP. Một là, dự án PPP là sự phối hợp giữa khu vực công và tư, nên chủ yếu tuân thủ theo các quy định pháp luật thông thường. Hai là, cái gì không được quy định thì sẽ không tồn tại. Vai trò của Nhà nước là định hướng, tạo điều kiện và giám sát các hành vi tốt của các bên tham gia, thay vì trực tiếp thực hiện các công việc”, ông Tomaso Andreatta kiến nghị.

Chiếc áo thể chế

Ngay tại VBF giữa kỳ 2019, Nhóm công tác về đầu tư và thương mại đã đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chuyển giao công nghệ, các văn bản pháp luật liên quan đến nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng; quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, quy định về bảo hiểm nhân thọ; các quy định về hóa đơn điện tử, fintech… Nhóm công tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về năng lượng mong muốn làm rõ tiêu chí phát triển cơ sở hạ tầng nhanh và bền vững, bao gồm năng lượng, PPP, xử lý chất thải và giao thông công cộng. Nhóm công tác về nguồn nhân lực kỳ vọng vào sự cải thiện của Bộ luật Lao động đang được sửa đổi…

“Mỗi hiệp định đều mở ra  cơ hội, nhưng cần có giải pháp để tận dụng cơ hội đó. Chúng tôi đến đây để ủng hộ Chính phủ trong việc tham gia các hiệp định, nhưng cũng ở đây để thúc đẩy các cam kết được thực hiện nhanh hơn”, ông Frededrick Burke, Trưởng nhóm công tác nhấn mạnh sau khi đưa ra hàng loạt kiến nghị.

Phải thẳn thắn, sự sẵn sàng và sốt sắng của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài khiến lo ngại về áp lực cạnh tranh mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt trở nên lớn hơn.

Trong bản kiến nghị 10 điểm mà VCCI tổng hợp gửi tới cuộc đối thoại này, phần về FTA lại ít điểm sáng. Theo VCCI, 77% doanh nghiệp dân doanh không biết, hoặc lần đầu tiên nghe nói về EVFTA. Với CPTPP và cộng đồng đồng kinh tế ASEAN, tỷ lệ này là 71% và 63%. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam mới chỉ đạt 40%, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp FDI.

Đó là chưa kể những khó khăn về tiếp cận thông tin, nhất là các thông tin về kế hoạch mua sắm công, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Đặc biệt, chỉ 55% trong số hơn 10.000 doanh nghiệp được khảo sát cho biết có thể tiếp cận thông tin về các gói thầu mua sắm công ở cấp tỉnh.

Ông Lộc gọi đây là điểm nghẽn thách thức sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ vậy, sự thiếu kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam cũng đe dọa sự phát triển bền vững của doanh nghiệp FDI, khi chưa cắm rễ sâu hơn vào nền kinh tế Việt Nam.

“Các FTA thế hệ mới với chuẩn mực cao sẽ buộc các doanh nghiệp phải thay đổi, nhưng cũng sẽ tạo động lực mạnh mẽ đối với cải cách thể chế. Lúc này, Chính phủ phải nhanh tay hoàn thiện thể chế, chính sách, để các doanh nghiệp Việt có áo mới khi bước chân sâu vào thực hiện các cam kết mới”, ông Lộc đề xuất.

Sẽ công bố danh mục ngành nghề, lĩnh vực Việt Nam chưa mở cửa

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, danh mục ngành nghề, lĩnh vực Việt Nam chưa mở cửa sẽ được công bố.

“Ban Soạn thảo Luật Đầu tư sửa đổi đã đề xuất một điều khoản mới về việc Chính phủ sẽ công bố danh mục những ngành nghề, lĩnh vực Việt Nam chưa mở cửa với tất cả các quốc gia, mở cửa có điều kiện với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được quyền đầu tư như các nhà đầu tư trong nước”, ông Tuấn thông tin.

Với đề xuất trên, hàng loạt thủ tục, quy trình xin ý kiến các bộ, ngành trước khi cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài sẽ không còn. Những lấn cấn lâu nay về “room” cho nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp cũng được giải tỏa.

“Nguyên tắc công bố cũng sẽ được đưa ra. Hiện tại, các cơ quan có liên quan đang tiến hành rà soát, để khi Luật Đầu tư sửa đổi được phê duyệt, danh mục này cũng được công bố”, ông Tuấn thông tin thêm.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH:

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phát triển nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt

Việt Nam cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, bảo vệ môi trường. Tăng trưởng kinh tế phải góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Việt Nam phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, đồng thời phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Cộng đồng doanh nghiệp chính là động lực cho tăng trưởng, là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp là trung tâm của kiến tạo chính sách

Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, nhất là sự nhiệt huyết, năng động của người đứng đầu Chính phủ, đã quan tâm đến rất nhiều khía cạnh vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc. Tuy nhiên, nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ. Cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng doanh nghiệp trong các hành động, hoạch định chính sách của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư, kinh doanh.

Điểm nhấn nổi bật nhất của Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ là tập trung đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo với phương châm xuyên suốt coi doanh nghiệp là trung tâm của kiến tạo chính sách, khích lệ doanh nghiệp vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ và tham gia, trở thành bộ phận không thể thiếu của phát triển đất nước, đồng hành cùng Chính phủ trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI): Doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng chung tay cùng Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ

Để kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao hiện nay và tiếp tục tăng trưởng bền vững hơn nữa trong tương lai, nhiệm vụ cấp bách là phải xây dựng ngay ngành công nghiệp cơ bản có tính cạnh tranh với quốc tế. Để làm được điều này, quan trọng không chỉ là sản xuất và lắp ráp thành phẩm, mà còn cần tăng cường sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu, phụ tùng và bán thành phẩm (công nghiệp phụ trợ).

Việc phát triển công nghiệp phụ trợ là một bài toán quan trọng để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí thông qua việc cải thiện tỷ lệ nội địa hóa tại các công ty sản xuất và lắp ráp thành phẩm, từ đó giúp hình thành ngành công nghiệp cơ bản. Doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng chung tay cùng Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ.

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham): Việt Nam đang ở vị thế có thể tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại toàn cầu

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp đang quan tâm tới việc tập trung hoạt động sản xuất tại một nước duy nhất và Việt Nam hiện ở vị thế có thể tận dụng những cơ hội này. Triển khai một cách thận trọng cam kết của Việt Nam trong các FTA sẽ giúp tối đa hóa các cơ hội trên.

Bên cạnh đó, AmCham hoàn toàn ủng hộ cam kết của Chính phủ trong việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp này vào chuỗi cung ứng toàn cầu. AmCham đang phối hợp chặt chẽ với Chương trình LinkSME của USAID, với mục tiêu cải thiện và mở rộng mối quan hệ nhà cung cấp - người mua giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục