Chủ tịch General Electric: Quyết định đầu tư tại Việt Nam chỉ mất... 27 giây

"Tôi chỉ mất 27 giây và đây không phải là quyết định quá khó", ông Jeff Immelt nói.
Chủ tịch General Electric: Quyết định đầu tư tại Việt Nam chỉ mất... 27 giây

Trước khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Minh chứng là Jeff Immelt, Chủ tịch kiêm TGĐ tập đoàn General Electric (GE) chỉ mất 27 giây để quyết định đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Chủ tịch General Electric: Quyết định đầu tư tại Việt Nam chỉ mất... 27 giây ảnh 1

Tài năng lãnh đạo của Immelt thực sự được tỏa sáng từ sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ.

Nhân chuyến thăm Việt Nam lần này của Jeff, phóng viên đã có dịp gặp gỡ và phỏng vấn vị CEO được tạp chí Times bình chọn là một trong những CEO quyền lực và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới này.

 

Câu hỏi đầu tiên mà rất nhiều người Việt Nam muốn nghe ông trả lời, đó là ông sang Việt Nam lần này với mục đích gì?

Trong chuyến đi này, tôi muốn tìm hiểu những cơ hội đầu tư vào quốc gia của các bạn. Dù năm 2007 tôi đã đến đây để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện gió tại Hải Phòng. Chúng tôi hiện đang tập trung phát triển quan hệ với các đối tác nội địa như Petro Vietnam, Vietnam Airlines, các tổng công ty lớn và với Bộ Y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

 

Thời gian gần đây, nhiều tên tuổi lớn của Mỹ như Coca-Cola, Ford... chọn đất nước chúng tôi là điểm đến. Nhưng tại sao GE - một công ty sản xuất điện tử lại chọn Việt Nam , trong khi ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển?

Đó không phải vấn đề lớn, bởi nguồn lao động dồi dào của Việt Nam mới là điểm hấp dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có một thị trường năng động và giữ vị trí chiến lược trong khu vực châu Á. Từ đây, sản phẩm của chúng tôi dễ dàng xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan.

 

Nền kinh tế cả thế giới đang gặp khó khăn, Việt Nam của chúng tôi không phải ngoại lệ. Tại sao ông lại chọn thời điểm này?

Khó khăn đang là tình trạng chung của toàn thế giới. Chúng tôi là những nhà đầu tư lớn, luôn quan tâm đến chiến lược đầu tư dài hạn và tôi tin kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại. Cũng phải nói thêm rằng, điều mà chúng tôi tập trung nhất vẫn là nguồn lực nội tại của chính đất nước bạn, chứ không phải là thời điểm đầu tư.

 

Được biết phương châm của các CEO tại GE là chỉ quyết định trong 30 giây, ông mất bao nhiêu giây để quyết định đầu tư lâu dài vào Việt Nam?

Tôi chỉ mất 27 giây và đây không phải là quyết định quá khó. Với những thế mạnh của Việt Nam mà tôi nói ở trên, cộng với quy mô và vị trí của GE trên thế giới. Đôi khi, bạn biết đấy, suy nghĩ lâu chưa chắc đã cho ra những quyết định đúng đắn. Còn với riêng tôi, khó khăn nhất vẫn là phải đưa ra những quyết định về chính sách việc làm tại Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính thời gian qua. Nó thật sự rất áp lực.

 

Được biết ông hiện là Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Việc làm và Cạnh tranh của Tổng thống Mỹ Barack Obama, vậy có mâu thuẫn không khi các khoản đầu tư ra nước ngoài của GE càng lớn, thì nghĩa là thị trường việc làm tại Mỹ sẽ càng bị thu hẹp?

60% doanh thu của GE là từ các quốc gia khác ngoài Mỹ và chúng tôi là nhà xuất khẩu lớn thứ hai của Mỹ. Lợi thế của chúng tôi là tạo được thế cân bằng tốt giữa việc thúc đẩy xuất khẩu tại Mỹ và việc đầu tư ra nước ngoài, vì vậy chúng tôi cần phải tăng cường đầu tư vào các quốc gia khác. Tuy nhiên mâu thuẫn mà bạn vừa nhắc đến cũng là quy luật của nền kinh tế toàn cầu, bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới hội nhập, trong đó không quốc gia nào bị cô lập. Một phần kế hoạch tiếp theo của GE sẽ thành lập một trung tâm kỹ thuật tại Việt Nam , tuyển dụng, đào tạo các kĩ sư trẻ.


VTV

Tin cùng chuyên mục