Chính sách thuế quan: Bức xúc mới từ vướng mắc cũ

(ĐTCK) Tại cuộc tọa đàm về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan Việt Nam năm 2012, do Bộ Tài chính phối hợp với EuroCham tổ chức ngày 11/10, hàng loạt vướng mắc cũ được các DN nêu lại. Tuy nhiên, câu trả lời dành cho DN là tiếp tục phải chờ.
Nguồn: Internet Nguồn: Internet

Theo ghi nhận của cộng đồng DN châu Âu, bên cạnh một số bất cập về chính sách thuế, hải quan đã được Bộ Tài chính tháo gỡ, còn khá nhiều vướng mắc cũ vẫn tồn tại và đang tác động tiêu cực đến hoạt động của DN.

Ông Thomas McClelland, Chủ tịch Ủy ban Thuế của EuroCham cho hay, các DN châu Âu đã nhiều lần kiến nghị Việt Nam cần bãi bỏ quy định khống chế các khoản chi phí quảng cáo và khuyến mại..., nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của DN. Tuy nhiên, câu trả lời mà DN nhận được từ phía Bộ Tài chính vẫn là phải tiếp tục chờ đợi Quốc hội điều chỉnh. Giải đáp này khiến DN không biết phải đợi đến bao giờ?

Một vấn đề khác cũng được nhiều DN đưa ra liên quan đến quy định trong Luật Kế toán, đó là DN phải lưu trữ hồ sơ kế toán tới 10 năm đối với các chứng từ giấy trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa đơn điện tử. Do khối lượng chứng từ lưu quá lớn, nên gây khá nhiều phiền toái cho DN.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ quan ngại này, đồng thời cam kết, bất cập này sẽ được khắc phục khi Bộ Tài chính đang có kế hoạch kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán. Giải pháp được Bộ đề xuất là thay vì phải lưu trữ hồ sơ giấy, các DN chỉ phải lưu trữ hồ sơ điện tử.

Thêm một bức xúc nữa của DN khi theo quy định hiện hành, nhà thầu phải kê khai tên và thông tin của nhà thầu phụ trong hợp đồng chính giữa nhà thầu và chủ đầu tư Việt Nam . Điều này là không thực tế, gây khó khăn cho DN, bởi DN ký hợp đồng với nhà thầu phụ sau khi hợp đồng chính với chủ đầu tư được ký, do đó, tại thời điểm ký hợp đồng chính thường chưa có thông tin về nhà thầu phụ. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, mục đích của yêu cầu này là để tránh sự không thống nhất giữa người nộp thuế và cơ quan thuế về việc xác định nghĩa vụ thuế của nhà thầu nước ngoài. Thông thường, trước khi nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với chủ đầu tư dự án, đã có thể xác định được phần việc nào sẽ giao thầu lại và có thể xác định ngay tên nhà thầu phụ tương ứng để liệt kê vào hợp đồng thầu. Về cơ bản, việc này không gây khó khăn cho DN. Tuy nhiên, tiếp thu kiến nghị của các DN, Bộ Tài chính sẽ xem xét điều chỉnh chính sách theo hướng mềm dẻo và hợp lý hơn.

Về kiến nghị các khoản mà DN chi trả cho nhân viên có tính chất tiền lương, tiền công, cần được khấu trừ khi xác định thuế thu nhập DN, Bộ Tài chính cho biết, theo Thông tư 130/2008 và Thông tư 123/2012, các khoản chi tiền lương, tiền công trả cho người lao động, nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, thì không được tính vào chi phí được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN. Các khoản chi tiền lương, tiền công (bằng tiền hoặc hiện vật) nếu thực tế có chi trả và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định, thì được tính vào chi phí được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam phản ánh, các DN đang có nhiều quan ngại về tình trạng nghị định về thuế phải chờ thông tư và các văn bản hướng dẫn khác mới được thi hành. Đáng ngại hơn nữa là tình trạng không ít văn bản dưới dạng công văn hướng dẫn của cơ quan thuế ngày một nhiều và có độ “vênh” so với quy định gốc. Tình trạng một vấn đề, nhưng có nhiều cách giải thích, hướng dẫn không giống nhau giữa các cơ quan thuế vẫn tồn tại, khiến DN gặp khó khăn trong tuân thủ các quy định.

Ông Tuấn cam kết, các kiến nghị của DN sẽ được Bộ Tài chính tiếp thu, nghiên cứu để đưa ra phương án điều chỉnh trong thời gian tới. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho DN hoạt động, mà quan trọng hơn là nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho môi trường kinh doanh, qua đó giúp Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài tốt hơn.   

Tân Văn
Tân Văn

Tin cùng chuyên mục