Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 9,2% so với cùng kỳ 2018

(ĐTCK) Theo số liệu vừa công bố của Bộ Công thương, tháng 2/2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính giảm 16,8% so với tháng trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 9,2% so với cùng kỳ 2018

Mức giảm này theo Bộ Công thương, chủ yếu do tháng 2 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn tháng 1. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ, chỉ số IIP tháng 2 năm nay tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ năm 2017, 2016 (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,4%; cùng kỳ năm 2016 tăng 6,6%).

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,5%, đóng góp 8,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,7%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm (2 tháng đầu năm 2018, ngành khai khoáng tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; chế biến, chế tạo tăng 16%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,9%).

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 92,1%; sản xuất kim loại tăng 35,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 20,9%...

Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 7,9% (khai thác dầu thô giảm 11,9% và khai thác khí đốt tự nhiên giảm 4%); khai khoáng khác (đá, cát, sỏi...) giảm 1,7%; sản xuất thuốc lá giảm 2,43%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 2 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước: khí hóa lỏng LPG tăng 101,2%; xăng dầu các loại tăng 96,1%; sắt thép thô tăng 75,9%; ô tô tăng 15,7%; ti vi tăng 37,1%; sắt thép thô tăng 75,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 13,8%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 13,5%; phân ure tăng 17,9%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Thuốc lá điếu giảm 2,4%; dầu thô khai thác giảm 11,9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 4%.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhìn chung, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019 tiếp tục đà tăng trưởng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục là động lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường, với đà tăng trưởng sản xuất kinh doanh của năm 2018, các doanh nghiệp bắt tay ngay vào thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 với tinh thần quyết tâm cao hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục