Chi phí quảng cáo, Việt Nam “trói chặt” nhất thế giới

(ĐTCK) Với trần chi phí quảng cáo bị khống chế ở mức 10%, Việt Nam được cho là nước trói tỷ lệ này chặt nhất thế giới.
Chi phí quảng cáo, Việt Nam “trói chặt” nhất thế giới

Điều nay khiến DN bức xúc suốt 13 năm qua và nhiều lần kiến nghị xóa bỏ trần chi phí quảng cáo, nhưng đều rơi vào quên lãng. Một kiến nghị mới đã được đưa ra.

Chi phí quảng cáo, Việt Nam “trói chặt” nhất thế giới ảnh 1Trên thế giới, chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc khống chế trần chi phí quảng cáo, khuyến mại...

Việt Nam “trói” chi phí quảng cáo chặt nhất thế giới

“Theo nghiên cứu mới nhất của chúng tôi, trên thế giới chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc khống chế trần chi phí quảng cáo, khuyến mại... Thế nhưng, quy định của Trung Quốc ‘dễ thở’ hơn nhiều, trong khi Việt Nam là nước khắt khe nhất trên thế giới về khống chế trần chi phí quảng cáo”, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (VAR) cho biết tại Hội thảo “Đánh giá tác động quy định khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại của DN”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với VAR tổ chức ngày 11/7.

Bà Loan dẫn chứng, tuy Trung Quốc cũng quy định trần quảng cáo, nhưng mức trần là 15% tính trên doanh thu, chứ không phải là 10% tính trên tổng chi phí của DN như Việt Nam. Ở Trung Quốc, nếu trong năm DN không sử dụng hết “quota” 15%, thì tỷ lệ còn lại được sử dụng vào năm tiếp sau. Điều này giúp DN tự chủ trong sử dụng chi phí cho quảng cáo, khuyến mại, nhằm dễ dàng hơn trong tiêu thụ hàng hóa, gia tăng sức cạnh tranh cho DN. Trong khi đó, DN Việt Nam bị kìm hãm khả năng cạnh tranh do trần chi phí quảng cáo đang bị siết quá chặt. Điều này xuất phát từ quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): “Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 10% tổng số chi được trừ”.

“Sự bất cập trên tồn tại suốt 13 năm qua, khiến DN rất bức xúc. Họ đã quá thất vọng, vì kiến nghị xóa bỏ 10% trần chi phí quảng cáo, hoặc linh hoạt hơn trong áp dụng mức trần này của họ đã bị rơi vào quên lãng”, bà Loan nói.

Ông Nguyễn Quý Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dược Việt Nam cho rằng, các khoản chi phí mà DN chi cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… là đầu tư cho phát triển, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Việc khống chế trần chi phí quảng cáo 10% là phi lý, gây khó khăn cho hoạt động của DN. Thực tế, một DN chi kinh phí cho quảng cáo, tiếp thị… là đã góp phần gia tăng doanh thu cho các DN khác. Việc gia tăng doanh thu cũng gia tăng nghĩa vụ nộp thuế tương ứng. Để khắc phục sự phi lý hiện tại, cần sớm bãi bỏ quy định trần chi phí quảng cáo 10%.

“Quảng cáo, tiếp thị là hoạt động quan trọng để kết nối sản xuất và tiêu dùng. Thậm chí, quảng cáo còn tạo ra nhu cầu tiêu dùng. Với các DN dược, nếu không chi cho quảng cáo, hoa hồng môi giới…, thì gần như không bán được hàng. Việc khống chế trần chi phí quảng cáo 10% chẳng khác gì khóa tay, khóa chân DN, khiến họ chán nản, bức xúc”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trước hết, cần sửa Thông tư về… thuế

Để khắc phục bất cập trên, bà Loan cho rằng, cần mở rộng nội dung các khoản chi được loại trừ (không bị khống chế) gồm chi quảng cáo, tiếp thị, hoa hồng môi giới, khuyến mại. Đồng thời, nới trần chi phí quảng cáo lên 20% ngay trong năm nay. Mức trần này được tính trên doanh thu, chứ không phải trên tổng chi phí như hiện tại. Phần vượt chi được tính giảm trừ vào năm sau.

“Khi Luật Thuế TNDN được sửa đổi vào năm 2013, cần xóa bỏ quy định khống chế trần chi phí quảng cáo, khuyến mại… trong tổng số chi được trừ khi tính thuế TNDN”, bà Loan kiến nghị.

Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam, việc bãi bỏ quy định khống chế trần chi phí quảng cáo 10% là mong muốn từ nhiều năm nay của các DN. Tuy nhiên, muốn xóa bỏ mức trần này, phải chờ sửa Luật Thuế TNDN, trong khi việc này cần ít nhất vài năm, nên bức xúc của các DN sẽ khó sớm được tháo gỡ.

Bởi vậy, trong khi chờ sửa Luật Thuế TNDN, trước mắt, VCCI và VAR nên có văn bản tập hợp kiến nghị của cộng đồng DN gửi Bộ Tài chính, đề nghị sửa đổi Thông tư 130/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN. Theo đó, không nên dồn tất các chi phí cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị… vào một “rọ” và khống chế trần chi phí là 10% như hiện tại. Thay vào đó, chỉ tạm khống chế tỷ lệ chi phí này đối với một số ít hoạt động, mà không áp dụng đối với các chi phí cho hội nghị, hoa hồng môi giới, chi tiếp tân…

TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, trên cơ sở kiến nghị của các DN, VCCI sẽ cùng VAR kiến nghị Bộ Tài chính sớm sửa đổi Thông tư 130, nhằm giúp DN phần nào khắc phục khó khăn do trần chi phí quảng cáo 10% gây ra; đồng thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm bãi bỏ mức trần chi phí quảng cáo.

 

“Nên bỏ trần chi phí quảng cáo 10%”

TS. Quách Đức Pháp, Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, trước mắt, cần sửa các văn bản hướng dẫn Luật Thuế TNDN theo hướng nới lỏng các hạn chế cho DN. Cụ thể, chi phí quảng cáo không bao gồm tài liệu hướng dẫn cách sử dụng hay bảo quản đi kèm sản phẩm. Chi phí khuyến mại không bao gồm các phụ tùng hoặc dụng cụ bảo hành đi kèm. Chiết khấu thanh toán được trừ theo lãi suất bình quân liên ngân hàng… Căn cơ hơn, khi sửa Luật Thuế TNDN, cần xỏa bỏ quy định khống chế trần chi phí quảng cáo 10%.

 

“Cần sớm cho phép khấu trừ 100% chi phí quảng cáo”

Ông Alain Cany, Đồng Chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam (VBF)

Việc sớm cho phép khấu trừ 100% chi phí quảng cáo và khuyến mại mang lại lợi ích không chỉ cho phía Việt Nam, mà còn cho cả cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt, nếu bước đi này sớm được hiện thực sẽ giúp Việt Nam gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài. Việc xóa bỏ hoàn toàn trần chi phí quảng cáo 10% sẽ khắc phục được hạn chế lớn nhất hiện tại của hệ thống thuế Việt Nam theo đánh giá của NĐT nước ngoài. Bước đi này còn góp phần tăng khả năng sinh lời cho DN, từ đó tăng số thuế nộp cho Nhà nước, đồng thời khuyến khích DN mở rộng đầu tư, tạo thêm việc làm cho ngành truyền thông, quảng cáo. Chúng tôi mong muốn Chính phủ, Quốc hội Việt Nam sớm xóa bỏ trần chi phí quảng cáo, khuyến mại 10%, coi đây như là một động thái thiết thực nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn hiện tại.

ThS. Nguyễn Kim Chung, Học viện Ngân hàng
ThS. Nguyễn Kim Chung, Học viện Ngân hàng

Tin cùng chuyên mục