Cẩn trọng nhập siêu

(ĐTCK) Sau khi xuất siêu trong quý I/2019, cán cân thương mại trong tháng 4 và tháng 5 đã liên tục trong tình trạng nhập siêu với mức thâm hụt khá lớn. 
Cẩn trọng nhập siêu

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 5, cán cân thương mại thâm hụt 1,85 tỷ USD, mức cao nhất từ đầu năm, khiến mức nhập siêu của Việt Nam từ đầu năm đến nay lên tới 1,01 tỷ USD. Trước đó, nửa đầu tháng 4, thương mại cũng rơi vào tình trạng nhập siêu gần 750 triệu USD.

Bên cạnh lý do kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh từ tháng 4 và đặc biệt là tháng 5, theo nhận định của Bộ Công thương, hoạt động thương mại, xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng bởi những diễn biến kém tích cực của nền kinh tế thế giới, nhất là tại các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc leo thang và việc Anh rời khỏi EU có diễn biến phức tạp.

Số liệu của Bloomberg cho thấy, thương mại toàn cầu trong khoảng thời gian 3 tháng tính đến tháng 1/2019 giảm 1,8% so với cùng giai đoạn năm trước. Ðây là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 5/2009. Nhu cầu trên thị trường quốc tế yếu đi khiến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới có tốc độ tăng chậm nhất trong hơn 3 năm.

Xét về cơ cấu lĩnh vực và sản phẩm, một xu hướng ngày càng trở nên rõ ràng là xuất khẩu mặt hàng điện thoại, linh kiện điện thoại, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có dấu hiệu đi xuống liên tục từ đầu năm nay, trong đó, riêng quý I, nhóm hàng này đã giảm 4,3% so với cùng kỳ.

Với mảng điện thoại, theo số liệu của Samsung, sản lượng điện thoại Samsung bán ra trên thế giới chỉ còn 70,4 triệu chiếc trong quý IV/2018, mức thấp nhất trong 6 năm qua. Mặc dù hãng này đang nỗ lực giữ vị trí dẫn đầu thị trường thế giới, với thị phần chiếm 20,3%, song tình hình trở nên khó khăn khi các nhà sản xuất Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp.

Theo ông Phạm Ðình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại, Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của những tập đoàn lớn như Samsung. Do đó, những biến động mạnh trong kim ngạch xuất khẩu của các ông lớn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

“Hiện nay, quy mô xuất khẩu của Samsung đang có dấu hiệu chững, do khả năng hấp thụ mặt hàng điện thoại thông minh đã gần đến ngưỡng bão hòa. Nếu tới đây không làm tốt công tác thị trường thì sẽ khó đạt mục tiêu xuất khẩu như đã đặt ra”, ông Thúy nhận định.

Bộ Công thương dự báo, sự sụt giảm nhu cầu đối với mặt hàng điện thoại di động phân khúc cao cấp trên toàn cầu trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Bên cạnh đó, xuất khẩu giảm còn do sự đi xuống của nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác, đáng chú ý là nhóm hàng nông, thủy sản và nhiên liệu khoáng sản. Theo Bộ Công thương, từ đầu năm tới nay, có tới 6/9 mặt hàng trong nhóm nông, thủy sản có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, bởi xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm, cạnh tranh gia tăng, nhu cầu tiêu thụ chững lại.

Trong bối cảnh này, Bộ Công thương dự báo, trong quý II và các quý tiếp theo, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dù vẫn đi lên, song tốc độ không cao như cùng kỳ năm 2018 do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, đặc biệt là những ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, vốn là 2 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu được dự báo sẽ tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng theo dòng vốn FDI vào Việt Nam. Ðặc biệt, nhập khẩu dầu thô tăng mạnh trong quý I/2019 và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động từ cuối năm 2018.

Ngoài ra, hoạt động tiêu dùng nội địa đang có diễn biến khả quan cũng là một trong những yếu tố có thể thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa trong thời gian tới. Ðây là những yếu tố cần được theo dõi để có những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng thị trường, mặt hàng nhằm cân bằng cán cân thương mại, tránh để tình trạng nhập siêu tăng mạnh trong thời gian cuối năm.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục