Cách nào chặn CPI “phi mã”?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có dấu hiệu tăng từ tháng 8/2012, nhưng CPI tháng 9/2012 tăng tới 2,2% so với tháng 8/2012 lại nằm ngoài dự đoán của mọi người. Vậy những yếu tố gì đã làm cho CPI tăng cao như vậy và liệu có giải pháp chặn đà “phi mã” này?
Cách nào chặn CPI “phi mã”?

CPI tháng 9/2012 được coi là tăng đột biến, khi xét trên 3 góc độ.

Ở góc độ thứ nhất, CPI tháng 9/2012 cao nhất từ đầu năm đến nay. Nếu 7 tháng đầu năm (có 2 tháng có Tết Dương lịch và Tết Âm lịch), nhưng cũng tăng thấp hiếm thấy, bình quân chung 7 tháng chỉ tăng 0,31%/tháng, thì tháng 8 đã cao gấp đôi và tháng 9 đã cao gấp hơn 3 lần của tháng 8 và cao gấp 7 lần tốc độ tăng bình quân tháng của 7 tháng.

Ở góc độ thứ hai, CPI tháng 9/2012 cao nhất so với CPI của tháng 9 cùng kỳ trong vòng 20 năm trở lại đây (tính từ năm 1992) và cao gấp nhiều lần tốc độ tăng CPI bình quân tháng 9 cùng kỳ của thời kỳ này (tăng gần 0,44%).

Ở góc độ thứ ba, CPI tính theo năm (tức là so với cùng kỳ năm trước), nếu tháng 8/2011 đạt đỉnh (tăng 23,02%) và giảm liên tục đến tháng 8/2012 đạt mức thấp nhất (tăng 5,04%), thì tháng 9 đã tăng 6,48%.

 

Nguyên nhân khiến CPI tăng mạnh

CPI chuyển từ tăng thấp trong 7 tháng đầu năm, sang tăng trong tháng 8 và tăng đột biến trong tháng 9 do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do giá lương thực sau 8 tháng giảm liên tục, với mức giảm lên tới 6,51%, sang tháng 9, giá đã tăng trở lại ở mức 0,35% (nhờ lượng gạo xuất khẩu tăng lên qua các tháng gần đây và giá xuất khẩu đã tăng lên).

Thứ hai, do một loạt hàng hoá, dịch vụ, như điện, xăng dầu, gas, y tế, giáo dục... tăng với tốc độ khá cao, tác động trực tiếp và gây ra hiệu ứng dây chuyền, kéo giá các mặt hàng khác tăng theo.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2012, giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 30,18%,  giáo dục tăng 14,56%, hàng hoá và dịch vụ khác tăng 7,81%...

Thứ ba, do chính sách tài khoá, tiền tệ sau một thời gian thắt quá chặt, với hiệu ứng phụ làm thu hẹp sản xuất, kinh doanh, suy giảm tăng trưởng... đã có sự nới lỏng trở lại. Lượng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách cao lên qua các tháng (bình quân 1 tháng trong quý I/2012 mới đạt 10.810 tỷ đồng, thì quý II/2012 đã là 17.940 tỷ đồng và từ tháng 7 vượt qua mốc 19.000 tỷ đồng). Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố giá, từ chỗ tăng thấp đã có xu hướng cao lên và đáng chú ý là cao hơn tốc độ tăng GDP. Giá cả trên thế giới tăng lên và có dấu hiệu sẽ cao hơn nữa, sau các động thái bơm tiền kích thích kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp của các nền kinh tế lớn...

Từ diễn biến 9 tháng qua, có thể dự đoán, trong 3 tháng còn lại, CPI sẽ tiếp tục xu hướng tăng cả về tốc độ tăng tính theo tháng lẫn tốc độ tăng tính theo năm. Tuy nhiên, CPI cả năm 2012 có thể vẫn ở mức dưới 10%, như mục tiêu đặt ra ban đầu.

Lạm phát có xu hướng tăng lên từ cuối năm nay và kéo sang năm 2013, cùng với sự cộng hưởng của các yếu tố như đã nêu trên, thì chu kỳ của CPI “1 năm tăng thấp, 2 năm tăng cao” như 8 năm trước có thể lặp lại.

 

Các giải pháp chặn đà tăng CPI

Để ngăn chặn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại, trước hết, về mặt tư duy, không nên chạy theo tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, mà cần chấp nhận tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra, thậm chí có thể thấp hơn cả tốc độ tăng 5,31% của năm 2009.

Tiếp tục kiềm chế nhập siêu vừa để cải thiện cán cân thanh toán, hạn chế việc tăng nợ nước ngoài, vừa để hạn chế nhập khẩu lạm phát, trong điều kiện các nước lớn bơm tiền để kích thích kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp...

Cần cẩn trọng trong việc điều hành tỷ giá, vừa để tránh làm cho lạm phát ở trong nước bị khuếch đại, vừa để giảm áp lực đối với tâm lý kỳ vọng lạm phát. Tiếp đến, cần thận trọng trong việc nới lỏng chính sách tài khoá, tiền tệ, đặc biệt là đầu tư công.

Đồng thời với việc gia tăng thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả đầu tư, bởi hiệu quả đầu tư thấp là yếu tố tiềm ẩn, nguyên nhân sâu xa của lạm phát.

Minh Nhung (baodautu.vn)
Minh Nhung (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục