Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long

(ĐTCK) Từ ngày 28- 30/8, tại tỉnh Vĩnh Long diễn ra Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông lần thứ XXII với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức.
Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long

Tại Hội thảo, những vấn đề được bàn đến như: Định hướng xây dựng chính phủ điện tử; Chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Ứng dụng blockchain trong phát triển kinh tế-xã hội, Số hóa phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu: Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin thích ứng biến đổi khí hậu; Các vấn đề về thành phố thông minh...

Đồng thời, tại Hội thảo, Bộ Thông tin - Truyền thông đã công bố đánh giá xếp hạng Công nghiệp Công nghệ thông tin 2018.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính- Văn phòng Chính phủ cho biết, theo xếp hạng chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam và các nước ASEAN (giai đoạn 2004- 2018) của Liên Hiệp quốc, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6/11 nước.

Theo ông Phan, thách thức trong việc triển khai chính phủ điện tử hiện nay là do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử; tâm lý, thói quen cát cứ thông tin, không muốn chia sẻ/ mở thông tin dữ liệu; nguồn vốn đầu tư phân tán, nhỏ giọt không đi kèm các chương trình kinh tế- xã hội trọng tâm trọng điểm của quốc gia hay địa phương...

Ông Phan thông tin, sắp tới sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban.

Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và trong đó số hóa để phục vụ cho chính quyền điện tử, thành phố thông minh, những vấn đề liên quan thích ứng biến đổi khí hậu, phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản… cho Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết và nhiều cơ hội.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch, Giám đốc điều hành iNet Solution cho rằng các ứng dụng từ blockchain đem lại nhiều hữu ích cho phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp 4.0 sẽ góp phần đưa thương hiệu nông thủy sản hàng hóa ra thế giới. Tuy nhiên, trong xu hướng “chuyển dịch số” đang còn nhiều thách thức. Đó là thời gian và tính trung thực của giá trị số.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng chuyển đổi số là tất yếu.

“Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tiến tiến đang chuyển đổi mọi mặt hoạt động của Chính phủ và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chuyển đổi số là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp, tổ chức và các Chính phủ trên thế giới”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo 

Ông Từ Quang Huy, Phó giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghệ FSI Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh -  một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số hóa, cho biết hiện trạng lưu trữ giấy hiện đang đối mặt nhiều khó khăn.

Năm 2015, Việt Nam có đến 3,1 triệu tấn giấy tiêu thụ, hơn 90% thông tin quan trọng được thể hiện trên giấy, 70% giao dịch có thể bị thất bại nếu văn bản giấy bị hư hỏng hoặc thất lạc.

Khi số hóa tài liệu chuyển đổi dạng dữ liệu, tài liệu truyền thống như các bản viết tay, bản in trên giấy, hình ảnh, âm thanh, phim, dữ liệu toàn văn với nhiều định dạng khác nhau sang tài liệu dạng số và được lưu trữ trên máy tính, máy chủ hoặc các thiết bị lưu trữ nội dung số sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Đó là an toàn thông tin, hiệu quả, tránh lãng phí, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu theo ngành, lĩnh vực để nâng cao hiệu quả các DVC trực tuyến, phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0…”

Quang Hải

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục