Các biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu

Tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các Hiệp hội, doanh nghiệp cho biết, chính sách thắt chặt tiền tệ đang mang lại nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, khó có thể đẩy mạnh xuất khẩu khi doanh nghiệp đang thiếu vốn và lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức cao.
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đa dạng loại hình xuất khẩu, mở rộng thị trường… phải chăng là những giải pháp doanh nghiệp cần đẩy mạnh từ nay đến cuối năm để ổn định xuất khẩu.

 

Doanh nghiệp thiếu vốn, khó đẩy mạnh xuất khẩu

 

Mặc dù giá cả trong nước đã bắt đầu có những tín hiệu giảm nhiệt nhưng lạm phát dự báo còn ở mức cao, do đó lãi suất vay vốn khó có thể giảm mạnh. Bên cạnh đó, định hướng tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu vẫn còn những khó khăn nhất định.

 

Nhiều doanh nghiệp cho biết, lãi suất cho vay ngoại tệ của Việt Nam vẫn còn ở mức khá cao (8%/năm) trong khi doanh nghiệp nước ngoài vay ngoại tệ với lãi suất chỉ 3%/năm, điều này khiến doanh nghiệp trong nước bị thua thiệt, khó cạnh tranh. Các doanh nghiệp mong muốn được vay với lãi suất “dễ thở” hơn để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

 

Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, cao su là một trong những ngành hàng có tăng trưởng cao nhất nhờ đơn giá cao hơn so với dự kiến (4.300 USD/tấn, tăng 58% so với đơn giá cùng kỳ năm trước).

 

Xuất khẩu tám tháng năm 2011 đạt 1,9 tỷ USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2010. Những tháng cuối năm xuất khẩu có nhiều triển vọng, dự kiến năm 2011 đạt 3-3,3 tỷ USD, đơn giá cao su không giảm dưới 4.000 USD/tấn.

 

Tuy nhiên ngành vẫn còn đối mặt với những khó khăn, gây rủi ro cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cao su chính ngạch (chỉ chiếm 20-30%), trong khi xuất khẩu mậu dịch chiếm đến 80%. Trong đó, xuất khẩu mậu biên qua Trung Quốc chiếm 50% nhưng thị trường này lại không ổn định, nhiều biến động thất thường gây ứ đọng hàng, biến động giá; đồng thời gần đây, việc gian lận thương mại trong ngành cao su gia tăng như pha trộn tạp chất, rút ruột container trong quá trình vận chuyển làm ảnh hưởng khá lớn đến uy tín của toàn ngành.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty càphê Việt Nam, khẳng định tiềm năng của ngành càphê rất lớn, với kim ngạch xuất khẩu năm 2011 dự kiến đạt 2,5 tỷ USD/năm và năm 2012 khả năng sẽ đạt con số 3 tỷ USD nhưng thị trường càphê lại không ổn định, giá lên xuống bất thường khiến doanh nghiệp hoạt động khó khăn. Doanh nghiệp gần như không có vốn sản xuất, phải lệ thuộc 100% vào ngân hàng.

 

Đại diện của càphê Việt Nam cho biết, doanh nghiệp không cần được vay vốn ưu đãi mà mong muốn Chính phủ có quy chế cho phép các ngân hàng thương mại cung cấp đủ vốn cho doanh nghiệp mua càphê theo giá thị trường, thời gian cho vay đủ dài để doanh nghiệp chủ động, không để doanh nghiệp rơi vào tình trạng “phải bán hàng khi chưa muốn bán.”

 

Giải pháp cho xuất khẩu bền vững

 

Hoạt động xuất khẩu tám tháng năm 2011 được đánh giá là đạt được những kết quả tích cực với tổng kim ngạch 60,8 tỷ USD. Trong đó, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu. Cụ thể, giá xuất khẩu càphê bình quân tăng 53,9%, hạt tiêu tăng 67,8%, dầu thô tăng 44,9%. Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như càphê tăng 11,4%, gạo tăng 6,5%, các sản phẩm từ sắn tăng 47%.

 

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), hoạt động xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn và rủi ro khó lường. Hiện tại, một số nước đã gia tăng các biện pháp bảo hộ mới đối với hàng hóa nhập khẩu, điều này ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm.

 

Các thị trường lớn, tiềm năng ngày càng đỏi hỏi cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản (vốn đang là lợi thế lớn của Việt Nam), rào cản bảo hộ ngày càng tinh vi của các nước nhập khẩu về vệ sinh, môi trường, thuế…

 

Đại diện Bộ Công thương cho rằng, trong giai đoạn tới các doanh nghiệp cần triển khai nhiều giải pháp ổn định xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường mới và tiềm năng như Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Mỹ Latinh; đồng thời tăng cường và nâng cao công tác dự báo thị trường, thông tin, nhận thức của nhà xuất khẩu về những rào cản của các nhà nhập khẩu, nâng cao chất lượng hàng hóa, tập trung các sản phẩm truyền thống, kim ngạch cao…

 

Ngoài ra, cần có chiến lược từng bước chuyển dịch sang hướng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng lớn. Đây cũng là định hướng nằm trong chiến lược xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến năm 2020 sẽ theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh các ngành công nghiệp hỗ trợ./.


TTXVN

Tin cùng chuyên mục