Bộ trưởng Nông nghiệp: Không cải thiện khâu chế biến thì sẽ còn tình trạng “giải cứu” nông sản

Tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 8, Quốc hội khó XIV, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Nếu không cải thiện được khâu chế biến, thì không dập được câu chuyện thừa thiếu, câu chuyện hôm nay được, ngày mai mất vấn sẽ diễn ra".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Trong 64 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, đa số các đại biểu cùng quan tâm đến xoay quanh vấn đề tổ chức phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Liên quan tới vấn đề nông sản, Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắc Nông) đặt câu hỏi: Giải pháp gì để phục hồi, chuyển đổi khi được mùa mất giá hay được giá mất mùa?

Cùng quan tâm về  nông sản, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn: Cà phê, cao su, tiêu là các cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng mấy năm gần đây giá cả bấp bênh, bà con đề nghị được trợ giá, Bộ trưởng cho biết giải pháp tới đây như thế nào?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tình trạng giải cứu nông sản, giá cả nhiều loại nông sản chủ lực như tiêu, cà phê giảm sâu trong thời gian dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Nếu không cải thiện được khâu chế biến, thì không dập được câu chuyện thừa thiếu, câu chuyện hôm nay được, ngày mai mất vẫn sẽ diễn ra".

Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, trong khi sức sản xuất của người dân vô cùng lớn, tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản khổng lồ thì khâu chế biến và tổ chức thương mại đang để lộ nhiều bất cập.

“Nền kinh tế thị trường rất khó, không ai dự báo được giá cả như thế nào, ngay cả giá vàng, dầu thô cũng lên xuống. Vì vậy, phải tổ chức sản xuất theo mệnh lệnh của thị trường, sản xuất cái thị trường cần”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Riêng đối với cây tiêu, cà phê đang phải chịu tình trạng mất giá trong thời gian dài, riêng giá cà phê giá thấp đến 10 năm nay, Bộ trưởng cho rằng, đã có tình trạng quá nóng về diện tích, dẫn đến dư thừa. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa.

“Trách nhiệm của bộ với các ngành, chúng tôi đã bàn kỹ, tới đây tập trung chế biến. Thứ hai, tổng rà soát lại, phát triển các ngành lợi thế. Như cây tiêu chỉ dừng đến mức nào thôi, không để vọt lên 150.000 ha trong khi quay hoạch đến năm 2020 chỉ có 55.000 ha. Diện tích không hiệu quả, kém canh tác phải nhường chỗ cho cây khác. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đẩy mạnh chế biến sâu, riêng với cây tiêu, sắp tới sẽ có 10 chuỗi sản phẩm, kể cả dầu hạt tiêu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Chúng tôi đã mời một số doanh nghiệp, đưa công nghệ mới nhất vào, riêng hạt tiêu sẽ có 10 chuỗi sản phẩm, gồm cả dầu hạt tiêu. Thị trường cần cái gì ta làm cái đó, bây giờ bán hàng mới là quan trọng, tổ chức sản xuất không còn là số một", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Đối với cây cà phê, Bộ trưởng cho rằng: "Thế giới đang khủng hoảng về cung - cầu, diện tích cà phê già cỗi thì cải tạo lại, không gì bằng đẩy mạnh chế biến, hiện mới có 12% đưa vào chế biến nhưng đem lại giá trị 20%, không để tình trạng trào ứ ở một thời điểm; đẩy mạnh sản xuất an toàn không thể bón phân thục mạng để tăng sản lượng".

Bộ trưởng Nông nghiệp: Không cải thiện khâu chế biến thì sẽ còn tình trạng “giải cứu” nông sản ảnh 1

"Tôi muốn nhấn mạnh là khâu tìm kiếm thị trường và khâu chế biến là việc chúng ta cần tập trung để phát triển, chứ chúng tôi không coi nhẹ khâu tổ chức sản xuất", Bộ trưởng Nguyên Xuân Cường nhấn mạnh.

Chưa hài lòng về câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân cường, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. HCM) tranh luận: Trong trả lời chất vấn, bộ trưởng nói khâu tổ chức sản xuất không còn là số 1, nhưng theo tôi khâu gốc vẫn phải là số 1. Nếu không thì lấy đâu ra sản phẩm tốt, bán cho ai? Xin bộ trưởng cho biết ý kiến?

Đáp lại tranh luận của bà Quyết Tâm, tư lệnh ngành nông nghiệp xin “đính chính” lại rằng, “thực ra ý tôi muốn nói, trong điều kiện tổ chức sản xuất hiện nay thì thị trường là khâu khó nhất, chiến tranh thương mại vừa qua, từng cân rau cân quả phải đấu tranh với nhau để bán hàng”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT giải thích thêm: “Nói thế không phải để coi nhẹ khâu sản xuất. Đương nhiên đi bán hàng thiên hạ, bán hàng xuất khẩu ra nước ngoài, nếu không đảm bảo chất lượng thì ai người ta mua”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ thêm rằng, hàm ý của ông không phải là coi nhẹ khâu sản xuất: “Nhưng chúng ta cứ làm tốt đến mấy mà coi nhẹ khâu chế biến mà cứ đi bán thô như kiểu thanh long vừa rồi thì không bán được”.

Trước đó kỳ chất vấn, nói cụ thể về phát triển thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, Bộ  đã tích cực chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường tuyền thống; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản tại các thị trường có tiềm năng....

Kết quả là đã gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ả rập Xê út; 13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng mở rộng xuất khẩu nông sản sang một số thị trường mới như: xuất khẩu thịt gà sang Nhật; xoài, vú sữa sang Hoa Kỳ; măng cụt, sữa sang Trung Quốc; nhãn, vải sang Úc...

Với thị trường Trung Quốc,  trong 10 tháng đầu năm 2019, Bộ đã chỉ đạo nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, như: Tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo phổ biến quy định mới, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc; triển khai các bước cần thiết để xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc trong tháng 10 năm 2019...

Ngoài ra, Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn  sẽ tích cực triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) với các nước, khu vực trên thế giới; Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định EVFTA và các Hiệp định song phương với các nước để xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam.

Đồng thời, Bộ sẽ đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, ASEAN.... Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương và các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng...

Phương Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục