Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Nhiều thách thức khi triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia

(ĐTCK) Tại cuộc họp báo giới thiệu Cổng dịch vụ công Quốc gia, do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 7/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia vào chiều 9/12 tới đây.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Nhiều thách thức khi triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia

Tiết kiệm cho doanh nghiệp, người dân 4.222 tỷ đồng/năm

“Theo tính toán chi phí xã hội thực hiện 8 nhóm dịch vụ công, giả định với số lượng giao dịch như năm 2018, việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm.

Trong đó, tính riêng chi phí tiết kiệm được do thực hiện qua Cổng dịch vụ công Quốc gia mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia...”, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho hay.

Cổng dịch vụ công Quốc gia với các nền tảng, dữ liệu dùng chung sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải tại các bộ, ngành, địa phương và giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính.

Cổng dịch vụ công Quốc gia hướng tới việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính...

Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ cung cấp các dịch vụ công, bao gồm nhiều dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố là: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.

Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019, cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ tại TP. Hồ Chí Minh là đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Hà Nội, Quảng Ninh, Hải phòng là đăng ký khai sinh…

Trong quý I/2020 sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.

“Triển khai thành công Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp...”, ông Phan cho hay.

“Vô vàn khó khăn, thách thức…”

Đó là chia sẻ thẳng thắn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng về nỗ lực xây dựng, cũng như vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia trong thời gian tới.

Cụ thể, việc triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia trong bối cảnh chưa hoàn thiện đồng bộ về thể chế, về cơ sở dữ liệu. Phải thay đổi thói quen của người dân trong tin dùng các dịch vụ điện tử thay vì tâm lý phải đến trực tiếp các cơ quan thực hiện mới yên tâm như hiện tại. Sự hiểu biết của người dân hạn chế, cũng như khó khăn của họ trong sử dụng các thiết bị điện tử, dịch vụ công trực tuyến cũng là thách thức.

“Triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia mới chỉ là bước đi ban đầu. Việc này phải làm rất kiên trì trong nhiều năm tới với đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương. Chúng ta triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia theo cách thủ tục nào dễ nhưng lại thiết yếu với người dân và doanh nghiệp thì làm trước…”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết thêm, sau khi Cổng dịch vụ công Quốc gia khai trương, các bộ, ngành sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa làm quen với sử dụng dịch vụ, để những tiện ích của Cổng sớm đi vào cuộc sống.

Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán, cơ chế bảo mật của Cổng dịch vụ công Quốc gia như thế nào để bảo vệ người dân, doanh nghiệp khi phản ánh các thông tin cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, ông Dũng khẳng định, các thông tin này được bảo mật, đồng thời được giải quyết nghiêm túc. Kết quả xử lý các cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực sẽ được công khai...

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục