BIDV khuyến nghị quy tắc “ai hưởng lợi, người đó trả nợ” với dự án dùng vốn nợ công

(ĐTCK) Trung tâm nghiên cứu BIDV vừa công bố Báo cáo đánh giá thực trạng nợ công tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và đề xuất cho giai đoạn 2016-2020.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Nợ công, rủi ro và thách thức

Theo các Tổ chức quốc tế và trong nước, khả năng vỡ nợ của Việt Nam hiện nay là khá thấp, tuy nhiên, trên thực tế, nợ công vẫn đang là vấn đề cập bách. Cụ thể, chỉ tiêu nợ phải trả (nợ gốc và lãi) có nguy cơ tiến sát vượt ngưỡng cảnh báo. Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trung dài hạn/thu ngân sách nhà nước đã tăng lên 22,3% (ngưỡng an toàn 25%).

Nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh trong khi nguồn trả nợ công không bền vững. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách tăng lên 38% vào năm 2014 và 45% năm 2015; hệ quả là, tình trạng vay để trả nợ gốc ngày càng tăng, lên đến 80.000 tỷ năm 2014 và 150.000 tỷ năm 2015. Tuy nhiên, khả năng gia tăng thu ngân sách/GDP giảm mạnh, cụ thể năm 2011 là 25,9%  xuống 22,1% năm 2015 và dự kiến tiếp tục giảm.

Tác động tiêu cực của nợ công với nền kinh tế, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng ngân sách. Do đó, Chính phủ đang phải liên tục phát hành trái phiêu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách. Hệ quả là, quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành trái phiêu chính phủ. Ngoài ra, lãi suất bị đẩy đi lên cao, gây ra khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó làm giảm nguồn thu của ngân sách để thanh toán các khoản vay.  

Trong khi đó, việc sử dụng nợ công còn bất cập như hiệu quả sử dụng không cao. Theo WB, hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) của Việt Nam trong giai đoạn 2001 - 2005 là 4,88; giai đoạn 2006 - 2010 lên đến 6,96 và sau 5 năm, vẫn ở mức 6,92 vào giai đoạn 2011 - 2014, chỉ đứng sau Ấn Độ là 7,31 tại Châu Á.

“Một phần đáng kể của nợ công được sử dụng để trả nợ thay cho đầu tư phát triển. Tỷ lệ trả nợ trong kỳ/dư nợ vay của Chính phủ và khoản vay được Chính phủ bảo lãnh ở mức khoảng 14,2% năm 2014 (số liệu mới nhất được Bộ Tài chính công bố) và lên đến 16% năm 2015 theo ước tính của WB. Việc dành đến 14%-16% dư nợ công trong kỳ để trả nợ gây hạn chế đến đầu tư phát triển và chi để tăng năng suất lao động, giáo dục, y tế và các lĩnh vực thiết yếu khác”, các chuyên gia kinh tế của BIDV nhận định.

BIDV cho rằng, cơ cấu chi ngân sách không bền vững, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nợ công, trong giai đoạn, chi ngân sách chủ yếu là chi thường xuyên với mức tăng trưởng là 18,44%/năm. Ngược lại, chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm, nhất là từ năm 2013 đến nay, chỉ ở mức 4,8%/năm. Đặc biệt, công tác quản lý nợ công có bước tiến nhưng vẫn còn hạn chế do việc phân bổ mang tính chủ quan, dàn trải, hiệu quả thấp, số liệu thống kê không thống nhất, thiếu tính kịp thời, đặc biệt, việc quản lý ODA vẫn còn khá phức tạp.

Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức đối với nợ công Việt Nam thời gian tới. Cụ thể, cơ cấu thu chi ngân sách tiếp tục tạo ra nhiều áp lực tăng nợ công. Về thu ngân sách, sự sụt giảm của tỷ lệ thu ngân sách/GDP dẫn tới thâm hụt ngân sách, qua đó làm gia tăng nợ công. Về chi ngân sách, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 10-12% GDP/năm giai đoạn 2015- 2020 vượt xa khả năng của ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, yêu cầu tăng trưởng kinh tế gây áp lực nên nợ công. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được xác định ở mức 6,5-7%/năm, mức khá tham vọng trong bối cảnh hiện nay. Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc và Trung Quốc, để Việt Nam đạt được mức tăng năng suất lao động mục tiêu 5% như Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị, cần lượng vốn đầu tư rất lớn, có thể cao hơn mức 32-34% GDP theo kế hoạch phát triển xã hội (2016 – 2020) và cần những cải cách thể chế quyết liệt.

Một thách thức khác là nợ ưu đãi nước ngoài sẽ giảm dẫn tới yêu cầu về các nguồn thay thế. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ sớm “tốt nghiệp” ODA. Theo đó, Việt Nam giảm dần vốn ODA ưu đãi sau khi đạt đỉnh vào 2009; giảm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và ưu đãi, thay vào đó là các kênh tín dụng mới có các điều kiện cho vay kém ưu đãi hơn; chuyển từ hợp tác giữa các Chính phủ sang hợp tác giữa các đối tác của hai quốc gia.

4 giải pháp tăng cường quản lý nợ công

Đối với việc nâng cao năng lực quản lý nợ công, trước tiên cần hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nợ công trên cơ sở xem xét thành lập Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công trực thuộc Quốc hội.

Bộ Tài chính cần đưa ra văn bản hướng dẫn thi hành Luật về nợ công, quản trị rõ ràng; Xây dựng hệ thống quốc gia về khai báo các khoản vay; Trong thẩm quyền được giao, Bộ Tài chính tự ra quyết định về ngân sách nhà nước, phê duyệt các khoản vay và đầu tư trên cơ sở tham khảo ý kiến của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp đã được Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công chấp thuận.

Đổi mới trong quản lý vốn vay nước ngoài, hoàn thiện các công cụ quản lý trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tín dụng, chỉ vay nợ khi có dự án hiệu quả và nguồn trả nợ rõ ràng, có tính đến các kịch bản rủi ro có thể xảy ra để đảm bảo khả năng thanh toán của Chính phủ. Tiến tới áp dụng quy tắc “ai hưởng lợi, người đó trả nợ” nhằm nâng cao trách nhiệm sử dụng và bảo vệ nguồn thu từ chủ dự án dùng vốn nợ công (kinh nghiệm của Trung Quốc). Tư nhân hóa các dự án công trên cơ sở đấu thầu công khai, cạnh tranh về giá cả và chất lượng và gắn với trách nhiệm cá nhân.

Về nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công và đầu tư công, Bộ Tài chính đầu mối xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ phương án tái cơ cấu nợ công; phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các phương án tăng cường phát hành trái phiếu chính phủ 10-15 năm nhằm tăng tính chủ động trong trả nợ; đổi mới cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, mở rộng đối tượng cho vay đến doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng; và tăng cường trách nhiệm của người vay lại; nghiên cứu cơ chế huy động vốn vay OCR/IBRD. Gắn tái cơ cấu đầu tư công với tái cơ cấu ngân sách nhà nước, ngành tài chính-ngân hàng, các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đặc biệt, tăng cường kỷ luật ngân sách nhà nước và phối hợp chính sách cũng như phát triển nội lực của nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng…

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục