Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Lập trình mở cửa từng bước nền kinh tế

Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam cần giám sát, lập trình mở cửa với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ đối tác quan trọng theo lộ trình, thoả thuận.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Quốc hội sáng 15/6. Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Quốc hội sáng 15/6.

Sáng 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách.

Được ưu tiên phát biểu dài hơn 7 phút (thời gian tối đa dành cho mỗi đại biểu), Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dành toàn bộ thời gian phát biểu của mình nói về chủ đề Việt Nam có thể và cần lập trình quá trình mở lại nền kinh tế, chủ động bảo vệ năng lực sản xuất kinh doanh trong nước, phát huy động lực kép và sức mạnh Việt Nam để phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Nêu lại toàn bộ diễn biến dịch Covid-19 từ tháng Giêng năm 2020, khi có người nhiễm đầu tiên chết ở Trung Quốc, ông Nguyễn Thiện Nhân khái quát: trong 3 tháng đầu năm 2020, thế giới trải qua giai đoạn “1 chưa” và “3 không”, đó là chưa biết và không cần đeo khẩu trang, không cần hạn chế đi lại giữa các nước, không cần hạn chế đi lại, tiếp xúc, đóng trường học trong mỗi quốc gia. Kết quả dịch bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 2, tháng 3; EU vào các tháng 3-5, Bắc Mỹ trong tháng 5-6... còn “chưa biết Châu Phi khi nào có dịch lớn”.

Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM, sau 6 tháng dịch toàn cầu, có thể rút ra 4 nhận thức về quy luật lây nhiễm và phát triển dịch. Đó là phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, rửa tay sát trùng và phải thực hiện cách ly triệt để. Hiện nay thế giới có 4 loại nước trong trạng thái nhiễm và có dịch: Một là các nước ở giai đoạn 2 tăng tốc lây nhiễm và như Mỹ, Nga, Brazil, Ấn Độ... và chưa chuyển giai đoạn. Nhóm 2 là các nước ở giai đoạn 3, tức có ca nhiễm tăng cao đạt đỉnh và giảm dần như Đức, Pháp, Ý... nhưng chưa an toàn. Nhóm 3 là các nước đạt an toàn, bình quân dưới 10 người nhiễm trên 1 triệu dân như Lào, Campuchia. Nhóm 4 là những nước chưa bao giờ đạt ngưỡng 1000 ca nhiễm/1 triệu dân, tức an toàn từ đầu như VIệt Nam, Myanmar.

Việt Nam đã làm gì?, sau câu hỏi này, ông Nhân nêu vài dấu mốc đáng chú ý và tóm lại, do chỉ đạo chung sớm, kịp thời, chúng ta đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt.

Tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ đạt 1.000 người. Đến nay là 332 người, thấp hơn nhiều mốc 1.000 so với lúc thế giới công bố dịch.

Bây giờ ta nên làm gì? Trả lời luôn câu hỏi này, Bí thư Nhân phân tích: Việt Nam có quan hệ kinh tế với nhiều thị trường, trong đó có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ đối tác quan trọng nhất. 17 quốc gia, vùng lãnh thổ này quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam, nên đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 quốc gia, vùng lãnh thổ này theo lộ trình, thoả thuận 2 bên.

Từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 quốc gia, vùng lãnh thổ này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Đức, Úc…Như vậy, ta cần phân công cụ thể, lập lộ trình mở cửa với thị trường này, ông  Nhân phát biểu.

7 nước khác chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… cần phải theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay, Bí thư Nhân nói tiếp.

Vấn đề nữa, theo ông Nhân cũng cần quan tâm là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30% so với năm ngoái, thương mại quốc tế giảm 18% và du lịch giảm 50%, từ đó có điều chỉnh phù hợp.

Về giải pháp, ông Nhân cho rằng, với kết quả chống dịch của Việt Nam, cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí: một là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người (hiện ta chỉ có 3,1 người nhiễm/1 triệu dân); hai là tỷ lệ người đang điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân (hiện chỉ có 0,2 người); và thứ ba là không có người chết.

Trên cơ sở đó, Bí thư cho biết có kiến nghị 9 giải pháp, sẽ gửi tới các đại biểu sau, do thời gian có hạn.

"Tóm lại, chúng ta cần có lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các thị trường để có thể vừa khai thác thị trường đầu tư nước ngoài, đòng thời khuyến khích khai thác thị trường và đầu tư trong nước, phát huy 3 sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh văn hoá, chính trị và kinh tế", Bí thư Nhân nhấn mạnh.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội  tranh luận với ông Nguyễn Thiện Nhân về “công bố hết dịch trong nước, mở cửa trở lại với các quốc gia, vùng lãnh thổ đã an toàn”. Ông Hiếu nói “cần rất thận trọng", bởi làn sóng dịch lần thứ 2 vẫn “đang treo lơ lửng” ở nhiều quốc gia và hiện Trung Quốc cũng đang bùng phát dịch trở lại.

Thay vào đó, theo đại biểu, Việt Nam cần tiến hành các biện pháp khẳng định nguy cơ bùng phát dịch không dữ dội như các nước khác. Các phương pháp này cần dựa vào khoa học với tham vấn của ngành y, như cần làm nghiên cứu miễn dịch cộng đồng, khẳng định sự miễn dịch ở Việt Nam, quy trình nhập cảnh khách quốc tế được giám sát chặt chẽ thông qua làm xét nghiệm kháng thể cho khách nước ngoài vào Việt Nam, cách ly hay làm xét nghiệm PCR để khách quốc tế không mang virus vào Việt Nam.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục