Ba bài toán hóc búa cho kinh tế Việt Nam thời Covid-19

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, dịch Covid-19 đặt ra cho Việt Nam 3 bài toán liên quan với nhau và cũng là những thách thức lớn nhất cần giải quyết.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành phát biểu tại hội thảo. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành phát biểu tại hội thảo.

Tại Hội thảo bàn về các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam hậu Covid-19 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức hôm nay 1/6, TS. Võ Trí Thành cho rằng, gần đây nổi lên 2 vấn đề về cải cách thể chế của Việt Nam, gồm: tốc độ (điều mà Việt Nam được ca ngợi nhiều khi ban hành và triển khai các biện pháp chống dịch Covid-19) và cơ chế đặc biệt (điều này có thể thấy rõ qua việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI).

Tuy nhiên, dưới tác động Covid-19, Việt Nam đứng trước yêu cầu giải quyết 3 bài toán có liên quan chặt chẽ với nhau.

Bài toán thứ nhất là đảm bảo khống chế dịch Covid-19 và sống chung với nguy cơ dịch bệnh, vì chưa có dự báo chính xác dịch bệnh kéo dài bao lâu trong bối cảnh thế giới chưa tìm ra vaccine kháng Covid-19.

Ở bài toán thứ hai, ông Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam cần đảm bảo duy trì, tồn tại và phục hồi kinh tế thời Covid-19. Ông Thành gợi ý, để phần nào giải bài toán trên, cần xử lý những vấn đề tồn đọng, đơn cử 12 đại dự án "đắp chiếu" của ngành công thương, xử lý nợ xấu tăng cao sau Covid-19, thâm hụt ngân sách gia tăng…

Đối với bài toán thứ ba, Việt Nam cần tiếp tục tái cấu trúc đi lên.

Cả 3 bài toán trên Việt Nam cần lưu ý tốc độ giải quyết. Riêng với câu chuyện thu hút đầu tư nước ngoài, ông Thành nhấn mạnh đến yếu tố tốc độ với lập luận rằng: Nếu chậm chân, không đón “đại bàng” mà chắc chỉ vợt được “chim sẻ”. Với Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi ra sao, chiến lược thu hút “đại bàng” FDI ra sao để ngăn họ thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam, nhưng vẫn đảm bảo cạnh tranh, đúng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Theo chuyên gia Võ Trí Thành, các xu hướng phát triển trên thế giới trước Covid-19 và đến thời Covid-19 vẫn tiếp tục nhưng có biến đổi.

"Những tranh chấp, xu hướng đặt ra câu hỏi cho Việt Nam ứng xử và tận dụng cơ hội ra sao, liệu các tranh chấp, xu hướng đó là trung hạn hay dài hạn", ông Thành nêu.

Đầu tiên phải kể đến là biến động địa chính trị trên thế giới theo xu hướng va đập giữa các đơn cực, song cực và cả đa cực. Những nước nhỏ có thể là "con tin" của xu hướng này. Dịch Covid-19 càng khiến xu hướng này bộc lộ rõ hơn khi nhiều động thái tất tay giữa Mỹ và Trung Quốc, tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hay nội tình nước Mỹ.

Ngoài ra, xu thế tiêu dùng cũng thay đổi do Covid-19 khi thế giới hướng đến tiêu dùng xanh, an toàn và nhân văn hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tiêu dùng thời Covid-19 xuất hiện xu hướng tranh thủ tiêu dùng kịch liệt sau thời gian “nhịn” vì dịch bệnh, bên cạnh đó là xu hướng tiêu dùng có tính toán cận trọng hơn, cắt giảm những mặt hàng không cần thiết.

Xu thế thứ ba cần lưu tâm là hội nhập và chuỗi giá trị. Các nước có xu hướng tự chủ những mặt hàng chiến lược, nhưng vấn đề này đang gây tranh cãi về việc xác định mặt hàng chiến lược của các nước, nhưng chí ít các quan điểm đồng tình rằng 2 mặt hàng thiết yếu là lương thực thực phẩm và y tế.

Thời Covid-19 cũng xuất hiện xu hướng các nước muốn lôi kéo các đối tác về mình và gần mình. Ông Thành đơn cử, chẳng ai đảm bảo khi các đối tác kéo về Ấn Độ thì Ấn Độ không xảy ra dịch bệnh tương tự. Do vậy, bản chất vấn đề ở đây là lôi kéo đối tác và Covid-19 chỉ là cái cớ đẩy nhanh hành động này.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục