Thiên đường nghỉ dưỡng
Được đầu tư phát triển từ hàng chục năm qua và có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn trong giai đoạn sơ khai. Thậm chí, chỉ đến mới đây, phân khúc này mới trở thành một kênh đầu tư được giới đầu tư địa ốc lựa chọn.
Trở thành một trong những kênh đầu tư mới, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc. Hàng trăm dự án đã được triển khai tại cả 3 miền chỉ trong vài năm, đã biến nhiều địa danh của Việt Nam trở thành “thiên đường” nghỉ dưỡng, trong đó nổi bật nhất phải kể đến huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Theo thống kê, Phú Quốc hiện nay có khoảng 202 giấy phép đầu tư bất động sản (chủ yếu là bất động sản nghỉ dưỡng) được cấp phép, với số vốn đầu tư lên hơn 8 tỷ USD. Trong đó, đã có 21 dự án hoàn thành, đi vào hoạt động, 13 dự án đang được triển khai, chào bán sản phẩm ra thị trường và hàng chục dự án khác đang lên kế hoạch triển khai. Việc triển khai các dự án tại Phú Quốc đang được các chủ đầu tư thực hiện một cách rất khẩn trương.
Những chuyển động trên hứa hẹn sẽ biến Phú Quốc trở thành “thiên đường” nghỉ dưỡng trong tương lai không xa.
Ngoài Phú Quốc, thì Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Hạ Long cũng đang định hình trở thành các địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách cả trong và ngoài nước, do đó cũng thu hút nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn. Bên cạnh đó, các địa danh mới nổi như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quy Nhơn (Bình Định), Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Cam Ranh (Khánh Hòa)…, cũng lọt vào tầm ngắm của các đại gia bất động sản.
Theo một báo cáo về hoạt động thị trường bất động sản nghỉ dưỡng do Savills Việt Nam vừa công bố, sau Phú Quốc, bất động sản nghỉ dưỡng tại Cam Ranh đang có dấu hiệu bùng nổ.
Báo cáo của Savills cho biết, đến cuối năm 2015, có hơn 30 dự án bất động sản nghỉ dưỡng được cấp phép đầu tư tại Cam Ranh, trong đó có 13 dự án đang triển khai, sẽ ra mắt trong một vài năm tới.
Tăng giá đến 10 lần
Không chỉ có sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô đầu tư, giá bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam cũng tăng đến chóng mặt.
Theo ông Nguyễn Nam Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Tanzanite International, giá bất động sản nghỉ dưỡng nhiều khu vực tại việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong 10 năm qua. Cụ thể, bất động sản nghỉ dưỡng tại khu vực Mũi Né 10 năm trước có giá chỉ khoảng 20 USD/m2, nhưng hiện nay, mức giá dao dộng khoảng 300 - 400 USD/m2.
Tại nhiều khu vực khác, bất động sản nghỉ dưỡng cũng có sự tăng giá rất nhanh. Lý do theo ông Sơn, vì đa số dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam hiện nay đều có vị trí không quá xa so với các đô thị lớn, vốn là điều kiện quyết định thanh khoản và khả năng tăng giá của bất động sản nghỉ dưỡng.
Cũng theo ông Sơn, mức tăng giá 10 lần trong 10 năm qua tại nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam là điều bình thường. Bởi tại Thái Lan, nhiều khu vực du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng cũng đã tăng giá 10 lần trong 10 năm qua, dù giá bất động sản nghỉ dưỡng tại Thái Lan đã ở ngưỡng khá cao so với trước đó.
Mặc dù đã có sự tăng giá mạnh mẽ, nhưng theo ông Sơn, bất động sản nghỉ dưỡng tiêu chuẩn tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển và khả năng tăng giá lớn hơn trong thời gian tới, do giá một sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với khu vực.
Theo tính toán, để sở hữu căn hộ nghỉ dưỡng hướng biển tại Việt Nam, nhà đầu tư chỉ cần đầu tư khoảng hơn 200.000 USD, trong khi biệt thự từ 2 - 2,5 triệu USD. Mức giá này rẻ hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore từ 7-10 lần, trong khi ngành du lịch Việt Nam đang có khả năng phát triển mạnh mẽ hơn, thậm chí bùng nổ trong thời gian tới.
“Thỏi nam châm” hút tiền
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang trở thành “thỏi nam châm” hút tiền từ các quỹ, doanh nghiệp đầu tư địa ốc, đồng thời cũng rất hấp dẫn các cá nhân nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước.
Một đại diện CTCP Đầu tư bất động sản Ngọc Việt, đơn vị chuyên phân phối các sản phẩm bất động sản cao cấp tại Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, ngày càng có nhiều người quan tâm tới bất động sản nghỉ dưỡng hơn. Ở nước ngoài, việc sở hữu sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng chỉ dành cho người giàu, còn tại Việt Nam, với mức giá chỉ khoảng 4,5 tỷ đồng (hơn 200.000 USD) cho một căn hộ hướng biển, lại được ngân hàng, chủ đầu tư hỗ trợ vay vốn, thì những người có thu nhập tầm trung trở lên cũng có thể sở hữu một bất động sản nghỉ dưỡng và có khả năng sinh lời từ hoạt động cho thuê lại.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, trong các đợt mở bán dự án bất động sản nghỉ dưỡng gần đây, đa số doanh nghiệp đều có cam kết mức lợi nhuận khách hàng cho thuê lại từ 8-10% tổng giá trị sản phẩm/năm và kéo dài trong nhiều năm.
Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, giá bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam thời gian qua tăng rất nhanh, nhưng việc tăng giá này không đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà là cho nhà đầu tư. Việc giá tăng nhanh, trong khi nhà đầu tư vẫn nhận được lợi tức lớn, ổn định, khiến nhiều người coi việc mua bất động sản nghỉ dưỡng như một hình thức bảo toàn tài sản tốt nhất và là kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay.
Còn theo ông Sơn, thanh khoản và khả năng tăng giá của một bất động sản nghỉ dưỡng phụ thuộc vào khoảng cách dự án bất động sản nghỉ dưỡng tới các đô thị lớn. Ông Sơn đưa ra “tiêu chí vàng” là khoảng cách dưới 120 km (tương đương 2 giờ ô tô) từ các đô thị tới dự án nghỉ dưỡng, giá bất động sản sẽ tăng rất nhanh. Bởi người mua bất động sản nghỉ dưỡng, ngoài khả năng sinh lời, đa số đều tính đến yếu tố thuận tiện trong nhu cầu sử dụng.
Ông Sơn lấy dẫn chứng, tại Thái Lan, có đến trên 90% giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng được người mua nhà quyết định mua vì nằm trong khoảng cách này. Trong khi đó, tại Việt Nam, trừ Phú Quốc, khách hàng phải đi bằng đường hàng không, đa số dự án bất động sản nghỉ dưỡng đều có vị trí gần các đô thị lớn, rất thuận tiện cho nhu cầu sử dụng.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có sự tăng trưởng nhanh thời gian qua không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư, mà nhiều đơn vị phân phối cũng đã nhận ra và chuyển hướng phân phối, kinh doanh sản phẩm phân khúc này. Chẳng hạn, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh sàn G5 cho biết, đã thành lập một đơn vị chuyên phân phối sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng là CTCP Đầu tư bất động sản Ngọc Việt. Trong khi đó, hàng loạt đơn vị phân phối lớn hiện nay cũng dần xây dựng những đội ngũ chuyên nghiệp hơn để “lấn sân” sang bán những sản phẩm bất động sản rất đặc thù này.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com