Thời kẹp thanh khoản, Sabeco hưởng lợi lớn nhờ khối tiền mặt lên tới hơn 23.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại trạng thái “bình thường mới”, Sabeco ngay lập tức cho thấy sự bứt phá trong 9 tháng đầu năm khi lợi nhuận tăng gần 75% và biên lợi nhuận gộp ghi nhận mức kỷ lục 31,9%.

Cơ hội dành cho “người” sở hữu tiền

Nếu như trong những năm trước đây khi nền kinh tế đang hoạt động ổn định, việc sở hữu tiền mặt lớn chỉ là điểm cộng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn bất ổn, khi lãi suất ngày một tăng cao, doanh nghiệp thiếu vốn khi không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, kênh trái phiếu bị siết chặt, điều này lại mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sở hữu tiền mặt lớn.

Đơn cử như Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) khi đơn vị này hoạt động trong lĩnh sản xuất Bia, sở hữu 26 nhà máy bia trên cả nước với tổng công suất hàng năm lên tới 2.000 triệu lít/năm.

Nhờ hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng ổn định, dòng tiền đều hàng năm giúp Sabeco tăng tích luỹ tiền mặt, tính tới cuối quý III/2022, quỹ tiền mặt đã lên tới 23.463,7 tỷ đồng, chiếm 69,1% tổng tài sản. Trong đó, riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, Sabeco đã tăng 13,9% tổng lượng tiền mặt so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.866 tỷ đồng (có tới 20.620,3 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn).

Với việc sở hữu tiền mặt lớn, vay nợ không đáng kể và hoạt động kinh doanh tạo dòng tiền dương liên tục, điều này tiếp tục giúp Sabeco có thể tận dụng nhiều cơ hội kinh doanh trong điều kiện dòng tiền bị siết chặt, hàng loạt doanh nghiệp không thể tận dụng cơ hội do thiếu dòng vốn xoay vòng.

Sabeco còn nhiều tiềm năng tốt mà chưa mở khoá

Trong Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 do Báo Đầu tư tổ chức, ông Bennett Neo, Tổng giám đốc Sabeco đã chia sẻ sau khi mua cổ phần và nắm kiểm soát tại Sabeco, chỉ vài tháng sau Công ty đã điều chỉnh ngay hệ thống theo dõi giám sát xe tải của Sabeco, hệ thống quản lý kho, chuỗi cung ứng, xây dựng tháp điều hành cho chuỗi cung ứng.

“Sabeco đang chuyển sang giai đoạn 2 của chuyển đổi số, có thêm phần nền tảng là quản trị doanh nghiệp tốt, thực hiện các sáng kiến mang tính dài hạn. Giai đoạn 1 là đánh nhanh thắng nhanh, giai đoạn 2 là làm các vấn đề về nền tảng tốt, quản trị doanh nghiệp tốt. Đặc biệt, mở khoá tiềm năng, trong Sabeco vẫn có tiềm năng tốt mà chưa mở khoá được, vì thế cần xem các tài sản công ty nào tốt có thể mở khoá. Mất khoảng 3-4 năm cho giai đoạn này”, CEO Sabeco chia sẻ.

Ông cho biết, giai đoạn cuối cần 3 năm, tổng quá trình chuyển đổi cần 10-12 năm, thì sau đó, Sabeco sẽ thành công ty quốc tế được vận hành đúng chuẩn mực quốc tế. Lãnh đạo Sabeco cho rằng, không nên vội vã, bởi vốn là công ty Nhà nước để chuyển đổi thành công ty quốc tế thì cần thời gian.

“Quá trình chuyển đổi chưa bao giờ là đơn giản. Kết quả đạt được khoảng 70-80% kỳ vọng của tôi, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, chốt xong 1 thương vụ thì mới chỉ đang “mở đầu một đau khổ”, nhưng nếu có ước mơ, có tham vọng và thực hiện được giấc mơ đó cũng rất thú vị”, ông Bennett Neo nhấn mạnh.

Được biết, ngày 29/12/2017, Bộ Công thương bán ra 343,64 triệu cổ phiếu SAB thông qua đấu giá công khai để giảm sở hữu về 36% vốn điều lệ và đồng thời, Công ty TNHH Vietnam Beverage mua vào 343,64 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 53,59% vốn điều lệ.

Sau khi về tay nhóm cổ đông mới, Sabeco tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi Nghị định 100 và đặc biệt là Đại dịch Covid 19 dẫn tới lợi nhuận chạm đáy năm 2021 là 3.929 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng với sự mở cửa trở lại nền kinh tế trong năm 2022, bức tranh tài chính của Sabeco ngay lập tức khởi sắc trở lại nhờ vào sự chuẩn bị trong Đại dịch và chiến lược làm mới các sản phẩm, tăng trải nghiệm của khách hàng.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, Sabeco ghi nhận doanh thu đạt 24.949,9 tỷ đồng, tăng 43,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 4.423,9 tỷ đồng, tăng 74,9% so với cùng kỳ năm trước.

Sabeco cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận ròng đã được cải thiện và cao hơn năm ngoái khi cả nước đã thoát khỏi tình trạng ngừng hoạt động. Nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng cũng như các chương trình tiếp thị cũng giúp thúc đẩy các hoạt động bán hàng cho các nhãn hàng.

Sabeco đã nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào cao hơn. Trong khi năm ngoái bị ảnh hưởng bất lợi bởi làn sóng thứ 3 và thứ 4 của Đại dịch Covid.

Được biết, trong năm 2022, Sabeco dự kiến đặt kế hoạch doanh thu thuần 34.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.581 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 32% và 17% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, chỉ mới 9 tháng đầu năm, Sabeco đã hoàn thành được 96,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Một điểm đáng lưu ý, trong 9 tháng đầu năm 2022, với biên lợi nhuận gộp đạt 31,9% và biên lợi nhuận ròng đạt 17,7%, đây là mức kỷ lục so với trước khi nhóm cổ đông mới tham gia tiếp quản và điều hành, đồng thời cũng vượt giai đoạn trước Đại dịch năm 2020.

Có thể thấy, cùng với sự hồi phục kinh tế, Sabeco đang cho thấy từng bước cải thiện hoạt động kinh doanh và tăng hiệu quả hơn nhiều so với giai đoạn nhà nước vẫn chi phối trước đây.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục