Thời điểm tốt nhất để đầu tư

Ông Koichi Hori, một trong các nhà sáng lập Quỹ đầu tư công nghiệp DI châu Á (DIAIF- vốn đầu tư Nhật), đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi. Vừa công bố thành lập vào cuối tuần qua tại Việt Nam, DIAIF đang nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam.
Ngành thủy sản xuất khẩu là lĩnh vực trong tầm ngắm của quỹ DIAIF.

Ông Koichi Hori cho biết:

 

Quy mô của quỹ khoảng 500 triệu USD, chúng tôi chưa xác định cụ thể bao nhiêu vì còn đang huy động, nhưng hiện tại đã có những cam kết ở mức đó. Giai đoạn đầu 100% nguồn vốn của quỹ sẽ đầu tư vào Việt Nam dù quỹ mang tên DI Asia Industrial Fund. Chúng tôi chọn Việt Nam trước, sau đó sẽ hoạt động rộng khắp châu Á.

 

Ông nói quỹ sẽ hỗ trợ các DN xuất khẩu VN nhưng bằng cách nào?

 

Ông Koichi Hori (ảnh), Chủ tịch HĐQT Công ty Dream Incubator, thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Harvard (Mỹ). Từng làm ở báo Yomiuri (Nhật), Công ty Mitsubishi, 20 năm công tác tại Tập đoàn tư vấn Boston (Mỹ), trong đó chín năm giữ chức tổng giám đốc. Viết trên 40 cuốn sách về kinh tế, thương mại

Chúng tôi sẽ nhắm tới các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu, chưa có ý định đầu tư vào bất động sản, tài chính hay công nghệ thông tin. Chúng tôi quan tâm đến những công ty trong ngành sản xuất dệt may, thủy sản...

 

Chúng tôi không phải là một “tay chơi tài chính”, nghề của chúng tôi là tư vấn nên có thể giúp họ hoạch định một chiến lược dài hạn. Điều này phải nói một cách chân thành rằng nhiều công ty, DN VN không làm được. Cần phải nghĩ đến những kế hoạch 5-10 năm thay vì chỉ một năm. Bản thân họ không biết làm cách nào để hoạch định dài hạn như vậy vì không có kinh nghiệm. Chúng tôi cũng có thể giúp họ trong quá trình chuyển giao công nghệ trong ngành sản xuất, chế biến.

 

Các bạn có nguồn nguyên liệu phong phú, nhân công lao động rẻ nhưng bấy nhiêu chưa đủ. Vì vậy chúng tôi sẽ đưa công nghệ Nhật Bản vào giúp họ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi sẽ giúp họ tiếp cận thị trường Nhật Bản. Hiện tại có nhiều công ty Việt Nam đã xuất vào Nhật rồi nhưng chưa nhiều và ổn định.

 

Ông có thể nói rõ hơn về cách thức chuyển giao công nghệ?

 

Chúng tôi có nhiều cách, nhưng xin nêu một ví dụ. Cách đây hơn một năm tôi và một người bạn, một nhà soạn nhạc có tiếng ở Nhật Bản, có dịp đến nghe nhạc giao hưởng tại Nhà hát TP.HCM. Xin lỗi là bạn tôi khi được hỏi về ấn tượng của mình về một nghệ sĩ trẻ biểu diễn đã chê rằng chàng trai kia đi sau thế giới đến 50 năm.

 

Rồi khi về Nhật bạn tôi đã nói rằng này Hori, chúng ta không có đủ tiền để mời tất cả nhạc công sang đây đào tạo, nhưng chúng ta có thể mời năm, bảy người sang đây để họ học tập, cảm nhận thực tế ở dàn nhạc giao hưởng của chúng ta. Họ sẽ thu thập được gì đó và về truyền đạt lại cho những người khác.

 

Chúng tôi đã làm như vậy.

 

Tôi thích ý tưởng này và nghĩ rằng chúng tôi sẽ giúp các công ty Việt Nam theo cách này để họ có thể nâng chất lượng của mình lên, bán được nhiều hơn, giá cao hơn vào thị trường Nhật. Nếu chúng tôi đầu tư vào cổ phiếu của những công ty đó, họ phát triển thì chúng tôi cũng sẽ được lợi.

 

Nhưng lập quỹ trong lúc này sẽ rất khó huy động vốn?

 

Mỗi người có quan điểm khác nhau. Cách đây ba năm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam để tận dụng cơ hội khi chứng khoán cùng bất động sản tăng nóng. Tôi lại nghĩ khác, trong ba năm qua tôi đã ra vào Việt Nam chín lần nhưng chưa đầu tư một đồng nào. Bởi vì tôi nghĩ giá bất động sản Việt nam bị đẩy lên quá cao so với giá trị thật của nó. Điều này là điên rồ. Bây giờ mọi thứ đang giảm nhiệt, giá trị thật đang quay về nên là thời điểm tốt để đầu tư, đầu tư dài hạn.

 

Đúng là ở thời điểm này rất khó huy động vốn, nhưng là thời đểm tốt nhất để đầu tư. Điều này đã được đúc kết hàng trăm năm nay. Chúng tôi đã mất cả năm để đi huy động và đã có những cam kết từ những nhà sản xuất uy tín. 100% nguồn vốn cho quỹ này là đồng tiền từ ngành công nghiệp, không phải từ nguồn đầu tư tài chính. Tôi không thích đầu tư tài chính, họ đầu tư và muốn thu hồi nhanh vốn. Tôi không nghĩ cách đầu tư đó giúp Việt Nam trong dài hạn.

 

Cũng như những nhà đầu tư khác, phải tính đến thời điểm thu hồi vốn hợp lý. Tôi nghĩ hợp lý là tám năm, tối đa là 10 năm. Bởi vì chúng ta cần thời gian để DN lớn lên, hưởng lợi thì lúc đó nhà đầu tư mới tính đến chuyện thu hồi vốn.


TT

Tin cùng chuyên mục