Thời điểm lý tưởng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
Việc xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, nhưng để thực hiện, đòi hỏi những bước đi chiến lược và giải pháp mang tính hành động.
Thời điểm lý tưởng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế

Với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á cùng hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc, TP.HCM đã và đang khẳng định là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước.

Tính đến cuối năm 2024, TP.HCM đóng góp trên 22% GDP cả nước, với tổng 4,85 tỷ USD vốn FDI. Thành phố là địa phương có mật độ tập trung các tổ chức tài chính cao nhất trong cả nước, với tổng huy động vốn chiếm hơn 24% tổng vốn huy động toàn quốc và tổng dư nợ cho vay chiếm hơn 28%.

Đặc biệt, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) chiếm 95% giá trị vốn hóa thị trường và đóng góp hơn 54% GDP cả nước.

Bài học quốc tế, bối cảnh Việt Nam

Theo kinh nghiệm của Roland Berger về các trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới, TP.HCM có thể học hỏi từ các mô hình thành công của Singapore, Thượng Hải (Trung Quốc), Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) và Dublin (Ireland); đồng thời cần phải thay đổi phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của Thành phố.

Ví dụ, Singapore tập trung phát triển ngành quản lý tài sản và Fintech; Hong Kong áp dụng các chính sách thu hút ngân hàng quốc tế; trong khi Dubai nổi bật với các chính sách, ưu đãi từ khu tự do thương mại.

Thành phố nên xây dựng một lộ trình phát triển trung tâm tài chính quốc tế phù hợp và cụ thể, bắt đầu từ việc thiết lập nền tảng tài chính vững chắc, sau đó chuyển mình trở thành trung tâm tài chính khu vực và cuối cùng là trung tâm tài chính quốc tế.

Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình “1+3”, với lõi là trung tâm tài chính quốc tế và 3 trung tâm công nghiệp xanh, chăm sóc sức khỏe và giáo dục và đào tạo nhằm tạo nên hệ sinh thái tài chính toàn diện. Mô hình này sẽ tập trung phát triển các sản phẩm tài chính cốt lõi, bao gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường hàng hóa.

Với mô hình này, trung tâm tài chính tại TP.HCM không chỉ là biểu tượng của sự phát triển kinh tế, mà còn là động lực chính trong việc thúc đẩy tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ và các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng hiện đại, mô hình này sẽ tạo ra một hệ sinh thái tài chính sôi động, nơi các tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các công ty khởi nghiệp có thể hợp tác và phát triển.

Đây sẽ là nền tảng để nâng cao năng lực lao động, đẩy mạnh sức mạnh tổ chức, đồng thời kết nối cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền, từ đó tạo điều kiện để các ý tưởng đổi mới sáng tạo được hiện thực hóa. Đồng thời, thúc đẩy những bước đột phá trong sản phẩm, phương pháp quản trị và hội tụ của trí thức và công nghệ tiên tiến.

Giải pháp quyết liệt, tập trung và hiệu quả

Mới đây, tại TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP.HCM và Đà Nẵng tổ chức Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch hành động thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về thành lập các trung tâm tài chính vùng và quốc tế tại Đà Nẵng và TP.HCM.

Quyết định này không chỉ là bước tiến quan trọng của TP.HCM mà còn là chiến lược quốc gia nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài chính quan trọng trong khu vực và thế giới.

Để hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế toàn diện, TP.HCM cần tập trung vào 5 yếu tố hỗ trợ.

Một là, nguồn nhân lực chất lượng cao với trình độ chuyên môn vượt trội là nền tảng cốt lõi. Do đó, Thành phố cần xây dựng hệ thống trường học, cơ sở giáo dục hàng đầu tọa lạc trong khu vực trung tâm tài chính.

Hai là, cần xây dựng một cộng đồng hiện đại mới, đi kèm các chương trình tăng tốc khởi nghiệp nhằm hỗ trợ đổi mới trong lĩnh vực tài chính. Đây chính là nơi các chuyên gia tài chính hàng đầu có thể an cư và phát triển.

Ba là, kết nối giao thông phải được nâng cấp toàn diện, đảm bảo di chuyển thuận lợi giữa trung tâm tài chính với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Long Thành và mạng lưới giao thông liên vùng.

Bốn là, việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và trung tâm dữ liệu là chìa khóa đảm bảo an ninh dữ liệu và thúc đẩy đổi mới công nghệ tài chính.

Năm là, môi trường kinh doanh thân thiện với các chính sách ưu đãi hấp dẫn, từ hỗ trợ khởi nghiệp, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, đến việc tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực tài chính.

Những yếu tố này sẽ là lực đẩy quan trọng giúp TP.HCM thu hút đầu tư và phát triển bền vững. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm tư vấn chiến lược và bài học kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của Roland Berger, TP.HCM cần triển khai quyết liệt các chính sách mang tính đột phá từ Chính phủ, giải pháp thu hút nhà phát triển và nhà đầu tư, cùng các cơ chế khuyến khích chung nhằm định hình một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam.

Đầu tiên, TP.HCM có thể cân nhắc áp dụng chính sách ưu đãi thuế vượt trội, ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp nên được giảm xuống 10% trong 15 năm hoặc miễn hoàn toàn trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Tương tự như mô hình Dubai và Dublin, việc miễn và giảm thuế sẽ khuyến khích các quỹ đầu tư hàng đầu đầu tư vào trung tâm và thúc đẩy tài chính xanh nhờ vào sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về mặt thu hút nhà phát triển và nhà đầu tư, TP.HCM có thể học hỏi kinh nghiệm từ Dubai trong việc xây dựng hạ tầng hiện đại trong bán kính 25 km, kết hợp với công nghệ tiên tiến để tạo điều kiện phát triển tối ưu. Ngoài ra, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) cần được ưu tiên đặc biệt thông qua hỗ trợ hạ tầng và ưu đãi thuế, lấy cảm hứng từ cách tiếp cận của Thụy Sĩ trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng, các chính sách khuyến khích chung nên tập trung vào thu hút nhân tài quốc tế.

Nghiên cứu mô hình từ Busan (Hàn Quốc), TP.HCM có thể áp dụng chương trình cấp visa nhanh trong vòng 15 ngày cho nhân sự cấp cao hoặc miễn phí cấp phép trong năm đầu tiên. Các chính sách, ưu đãi này sẽ giúp thành phố tạo lợi thế cạnh tranh, đồng thời định vị TP.HCM như một trung tâm tài chính hiện đại, dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính và ngân hàng xanh trên trên khu vực và toàn cầu

Với những bước đi chiến lược và giải pháp mang tính chất hành động này, TP.HCM không chỉ hướng tới việc trở thành trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên của Việt Nam, mà còn khẳng định vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu, biểu tượng cho sự đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Bùi Đào Thái Trường
Tổng giám đốc, Roland Berger Vietnam/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục