Sáng ngày 16/2, chị Nguyễn Ngọc Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tất tả đến Ngân hàng Eximbank hỏi tỷ giá mua vào, bán ra của USD để chuyển tài khoản tiết kiệm ngoại tệ này về tiết kiệm nội tệ. Chị Lan cho biết, nguyên nhân của việc chuyển đổi loại tiền gửi tiết kiệm này là tính đến ngày 16/2, NHNN đã giữ tỷ giá liên ngân hàng ở mức 20.828 đồng/USD ngày thứ 39 liên tiếp và dự kiến tỷ giá sẽ còn ổn định trong thời gian dài nữa. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm ngoại tệ vẫn chỉ ở mức 2%/năm, chênh lệch hơn 10%/năm so với lãi suất tiết kiệm VND, khiến chị quyết định bán ngoại tệ.
Ngày 16/2, giá USD được Vietcombank niêm yết mua vào bán ra là 20.810 - 20.870 đồng/USD, giảm 10 đồng/USD so với ngày 15/2. Còn tại ACB, niêm yết giá USD mua vào bán ra là 20.800 đồng - 20.860 đồng/USD, cũng giảm 10 đồng/USD ở chiều bán ra so với hôm trước. Tại một cửa hàng thu đổi ngoại tệ ở phố Hà Trung, giá USD mua vào bán ra được báo 20.800 - 20.830 đồng/USD, cũng giảm so với ngày hôm qua 20.810 - 20.840 đồng/USD.
Trước đó, ngày 14/2, NHNN công bố đã và đang mua vào ngoại tệ. Cụ thể, trong tháng 1/2012, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống đã được cải thiện, các NHTM đã tích cực bán lại ngoại tệ cho NHNN. Trong tuần trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, những chuyển biến tích cực đó tiếp tục được ghi nhận ở thanh khoản ngoại tệ tốt hơn và trạng thái ngoại tệ của các TCTD luôn ở mức dương nhẹ. Như vậy, dự trữ ngoại tệ tiếp tục được cải thiện sau khi đã tăng khá mạnh trong năm 2011.
Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nhận định, tỷ giá năm 2012 có nhiều thuận lợi hơn so với 2011. Về căn bản, cách can thiệp của NHNN mang tính kịp thời, trực tiếp đã làm giảm áp lực trên thị trường và giảm giá kỳ vọng của thị trường. Thông thường từ trước tới nay, tùy theo cung – cầu của thị trường thị trường mà NHNN phải phá giá đồng nội tệ, mỗi lần có thể 5%, 7%, thậm chí xấp xỉ 10%. Cung cầu trên thị trường căng quá thì tỷ giá kì vọng lại được nâng lên rất cao. “Do vậy, năm 2012, theo tôi, cách thức làm mới sẽ khiến cho áp lực tỷ giá thay đổi, không có những biến động giật cục như những năm về trước”, ông Trung nói.
Ông Trung phân tích, nhìn chung, năm 2012 sẽ là một năm ít áp lực cho tỷ giá. Nguồn cung ngoại tệ tiếp tục tăng do xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng, FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt
Đặc biệt, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, chênh lệch giữa vàng trong nước và nước ngoài lớn, yếu tố thường “bóp méo” thị trường ngoại hối nhiều nhất sẽ được kiểm soát. Dự kiến trong quý 1/2012, Vụ Quản lý ngoại hối sẽ hoàn thiện Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ - CP. Theo đó, đề án huy động vàng sẽ hỗ trợ sản xuất - kinh doanh vàng trang sức nhưng việc đầu tư, lướt sóng, kiếm lợi… sẽ có sự kiểm soát nhất định để bảo vệ người dân, tránh gây tác động rối loạn thị trường ngoại hối.
Không riêng chị Lan, khá nhiều người dân cũng đang đôn đáo chạy các ngân hàng xem nơi nào niêm yết cao nhất để bán ngoại tệ. Điều này được nhìn nhận là hợp lý tại thời điểm hiện tại.