Thời điểm gom tài sản giá rẻ

(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư các nhân và cả những đại gia rủng rỉnh tiền mặt đang “ngắm nghía” các dự án, nhà đất hấp dẫn để đầu tư, thâu tóm. Hầu hết các “cuộc đi săn” này đều diễn ra rất âm thầm nhưng không kém phần sôi động.
Ảnh: Shutter Ảnh: Shutter

Từ nhà đầu tư cá nhân…

Là một trong những nhà đầu tư tham gia thị trường nhiều năm, chị Kim Tuyến cho hay, chị vừa quyết chi gần 2 tỷ đồng mua lại căn hộ còn chưa sử dụng tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) của một chủ cũ mua từ cuối năm 2019.

Đây là một dự án mới đưa vào sử dụng, nhưng so với mức giá thời điểm bàn giao, mức giá chị mua giảm tới 10%, đồng thời còn được chủ cũ bao thủ tục sang tên và để lại một số đồ nội thất đã đầu tư dự định về ở. Lý do chủ cũ bán là vì ảnh hưởng bởi Covid-19, nên không lo được tiền lãi nợ gốc và lãi ngân hàng, buộc phải bán lại.

Ngoài căn hộ chung cư vừa mua, chị Tuyến cho biết, cũng vừa xuống tiền cọc cho 2 suất đất nền giá rẻ thuộc một dự án tại Bắc Giang mà chị ngắm từ năm ngoái. Chị cho biết, với giá trên dưới 10 triệu đồng/m2 kèm thêm chiết khấu lớn, mức giá này thấp hơn nhiều so với các đợt mở bán trước.

“Mấu chốt là thủ tục giấy tờ đầy đủ và giá bán không quá cao. Nếu không bán được ngay, tôi vẫn giữ lại miếng đất coi như một kênh giữ tiền”, chị Kim Tuyến cho biết.

Tương tự, ông Tuấn Anh, một nhà đầu tư tư nhân cũng cho biết, mới mua được một căn shophouse tại một dự án ở Hà Đông (Hà Nội) với mức giá rẻ hơn 25% so với giá thị trường trước đó. Căn shophouse này được định giá khoảng 10 tỷ đồng, được chủ cũ mua để mở nhà hàng, nhưng do đúng thời điểm Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông với việc tăng nặng xử phạt việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, nên kế hoạch mở nhà hàng phá sản, buộc phải bán gấp nhà để thanh toán nợ lãi vay ngân hàng. Chính vì thế, sau khi cân nhắc, chủ cũ đã chấp nhận bán với mức giá hơn 7 tỷ đồng cho ông Tuấn Anh.

Thời điểm gom tài sản giá rẻ ảnh 1

Nhiều lời rao bán cắt lỗ của nhà đầu tư bất động sản trên mạng.

Ngoài ra, ông Tuấn Anh cũng cho biết, 2 anh em ông cũng vừa góp tiền mua 5 lô đất ở Đông Anh (Hà Nội) với giá trên 1,3 tỷ đồng/lô diện tích 55 m2, trong khi trước đó không lâu có giá 1,45 tỷ đồng/lô.

Với vị trí khá gần đường chính, anh em ông Tuấn Anh dự định hết dịch sẽ gộp đất và mở một quán ăn tại đây.

“Thị trường gặp khó do dịch Covid-19 nên mới gom được hàng giá đó. Các nhà đầu tư lớn gặp áp lực trả nợ nên mới phải bán tháo, ai có tiền nhàn rỗi thì nên tranh thủ mua lúc này", ông Tuấn Anh cho hay.

Anh Tiến Thủy, môi giới bất động sản chuyên đất nền tại Hà Nội cho biết, rất nhiều nhà đầu tư đã gọi điện nhờ anh đẩy hàng, có nhà đầu tư cần thu tiền về đến mức ngoài cắt lỗ, còn tăng gấp đôi hoa hồng.

Với mạng lưới quan hệ rộng, thời gian vừa qua, anh Thủy đã kết nối được khá nhiều nhà đầu tư trường vốn, có dòng tiền dồi dào đang quan tâm đến sản phẩm cắt lỗ. Họ nắm được tâm lý buộc phải bán tháo để thu tiền về của những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, nên ép giá người bán. Anh Thủy cho biết, từ sau Tết đến nay, anh đã môi giới thành công 6 thương vụ.

Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, rất nhiều nhà đầu tư vốn mỏng, dùng đòn bẩy tài chính cao với ý định lướt sóng rơi vào cảnh điêu đứng khi kịch bản “nhảy” sóng không thành.

Họ đang phải gánh lãi vay ngân hàng - khoản lãi càng ngày càng đè nặng khi kinh tế, sản xuất nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị đình trệ vì dịch bệnh. Chính vì thế, họ buộc phải bán tháo, cắt lỗ sản phẩm ở nhiều loại hình, phân khúc. Điều này tạo cơ hội cho những nhà đầu tư trường vốn gom hàng giá rẻ.

… Tới các doanh nghiệp tiềm lực

Ngoài các tài sản giá trị trung bình như căn hộ chung cư, nền đất, nhiều tài sản lớn khác như cả dự án bất động sản, khách sạn, nhà hàng cũng được chủ rao bán giá rẻ và nhiều doanh nghiệp tiềm lực đã tận dụng cơ hội để mua vào.

Cụ thể, trong tháng 3 vừa qua, BIDV tiếp tục thông báo đấu giá nhiều khu đất là tài sản đảm bảo của một nhóm khách hàng với giá khởi điểm 800 tỷ đồng, thấp hơn cả trăm tỷ đồng so với giá các lần trước.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng tiếp tục đưa ra bán đấu giá hàng nghìn m2 đất tại Khu đô thị mới - Thành phố lễ hội thuộc phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, là tài sản đảm bảo của một khách hàng với giá khởi điểm 840,8 tỷ đồng, cũng giảm khoảng 200 tỷ đông so với lần đầu.

Trong khi đó, theo nguồn tin của Báo Đầu tư Bất động sản, mới đây Tập đoàn Hưng Thịnh đã chi một khoản tiền lớn để thực hiện nhiều thương vụ M&A quỹ đất, trong đó có khu đất quy mô diện tích hơn 1.000 ha tại Lâm Đồng. Tập đoàn Danh Khôi cũng vừa chi hàng ngàn tỷ đồng để mua lại một dự án tại TP. Đà Nãng của một đối tác Nhật Bản. Danh Việt Group cũng cho biết, doanh nghiệp này đã đàm phán mua lại một dự án căn hộ tại Bình Dương có quy mô hơn 1.000 căn hộ.

Cũng theo nguồn tin của Báo Đầu tư Bất động sản, tại khu vực phía Nam, cuối năm ngoái, một doanh nghiệp rao bán dự án, khi có đối tác hỏi mua và đàm phán mức giá 180 tỷ đồng, lại nhất định hét giá 230 tỷ đồng mới bán. Tuy nhiên, mới đây khi tình hình thị trường đột ngột thay đổi xấu hơn do dịch Covid-19, doanh nghiệp này liên hệ với đối tác chấp nhận bán giá 180 tỷ đồng, thì đối tác lúc này lại chỉ chấp nhận trả giá 150 tỷ đồng.

Với phân khúc khách sạn, nhà hàng, đây là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất của đại dịch Covid-19 nên việc rao bán cũng khá nhiều. Đã có những chủ đầu tư rao bán cả dự án khách sạn, resort tại Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang).

"Theo số liệu chúng tôi phân loại từ rất nhiều khách hàng, các khách sạn quy mô khoảng 100 - 500 phòng được quan tâm ở thị trường TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Hạ Long, Huế, Quy Nhơn, Vũng Tàu đang được chào bán ở giá rẻ và cũng đã có rất nhiều thương vụ được thực hiện. Còn ở những thị trường nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng thì các nhà đầu tư quan tâm nhiều tới loại hình khách sạn nhỏ hoặc căn hộ cho chuyên gia thuê quy mô 100 - 200 phòng. Các tài sản này cũng đã được chuyển nhượng với mức giá thấp hơn rất nhiều so với trước khi dịch Covid-19 diễn ra", ông Cần nói và cho biết, mức giá thực tế mà những nhà đầu tư này chấp nhập chi ra để mua khá thấp, họ chỉ  đồng ý mức mua vào thấp hơn mặt bằng giá trên thị trường khoảng 20 - 30% trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.

Đánh giá tình hình thị trường thời điểm này, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, nhiều nhà đầu tư vẫn không rời bỏ thị trường, mặc dù bức tranh chung đang khó khăn. Thậm chí, trên thị trường hiện nay, nhiều nhà đầu tư vẫn âm thầm tìm kiếm các dự án tốt mà chủ đầu tư đang gặp khó khăn để mua lại.

"Những nhà đầu tư có kinh nghiệm ở lĩnh vực bất động sản lâu năm chắc chắn sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Cơ hội chính là nhiều người sẽ mua được nhà với giá hợp lý trong thời điểm hiện nay cũng như dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm tiềm năng cho giỏ hàng của mình", đại diện Savills Việt Nam nói và cho biết thêm, Savills Việt Nam cũng nhận thấy sự quyết tâm cao độ của những doanh nghiệp tiềm lực trong việc tìm và mua lại dự án. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã có một số dự án đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị ước tính hơn 500 triệu USD.

Đồng quan điểm, bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam đánh giá, các dự án có quy hoạch tốt, pháp lý rõ ràng sẽ vẫn thu hút được vốn đầu tư, bởi hiện nhà đầu tư ngoại vẫn đang tìm kiếm cơ hội ở thị trường trong nước.

Theo bà Trang, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số chủ đầu tư không có nguồn vốn tốt sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Việc phụ thuộc nhiều vào vốn vay, rồi dự án đình trệ, khách du lịch sụt giảm sẽ khiến các doanh nghiệp không có sức khỏe tốt gặp khó khăn và có thể phải thực hiện bán lại. Do đó, hoạt động mua bán, chuyển nhượng dự án bất động sản sẽ có diễn biến sôi động trong năm 2020.   

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Ninh Việt
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục