Là doanh nghiệp hàng đầu tiên phong tham gia tư vấn các thương vụ huy động vốn và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường quốc tế, EY có nhận định như thế nào về bức tranh IPO toàn cầu năm 2021?

Theo Báo cáo Xu hướng IPO Thế giới 2021 của EY mà chúng tôi vừa xuất bản, thị trường IPO toàn cầu chứng kiến một năm được cho là sôi động nhất trong 20 năm qua, với 2.388 thương vụ, trị giá 453,3 tỷ USD, tăng lần lượt 64% và 67% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tôi, có nhiều yếu tố giúp vẽ lên bức tranh IPO năm 2021 đầy màu sắc này như: các dấu hiệu phục hồi kinh tế tích cực tại một số thị trường lớn, giải ngân quyết liệt các chương trình kích cầu khổng lồ của chính phủ các nước, chuyển đổi số toàn diện và mạnh mẽ hay tốc độ tiêm chủng thần tốc vắc-xin COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.

Một trong những nét nổi bật và hấp dẫn của hoạt động IPO 2021 là sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ, sử dụng nền tảng số và công nghệ hiện đại, hướng tới phục vụ người tiêu dùng cuối cùng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Những nền tảng công nghệ này đã lớn nhanh như “Thánh Gióng”, đặc biệt dưới chất xúc tác là đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua.

Mặt khác, các chỉ số chứng khoán tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu liên tục tăng điểm trong năm 2021, tạo động lực cho các doanh nghiệp và thúc đẩy theo hướng tích cực về cả thời gian và định giá cho các thương vụ IPO trong thời gian tới.

Tôi muốn nói tới điểm nhấn tại thị trường Mỹ. Hoạt động IPO đã trải qua một năm 2021 đỉnh cao trong lịch sử IPO tại châu Mỹ, trong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng 80% tổng số thương vụ. Theo Báo cáo, tổng số thương vụ IPO năm 2021 tại Mỹ đạt 416 thương vụ, trị giá 155,7 tỷ USD, tăng 86% về số thương vụ và 81% về giá trị so với năm 2020. Đặc biệt, Mỹ tiếp tục duy trì là điểm đến IPO hàng đầu cho các công ty muốn thực hiện IPO xuyên biên giới (cross-border IPO destination), với 106 công ty lựa chọn niêm yết tại thị trường này trong năm 2021.

Hơn nữa, thị trường Mỹ cũng có sức hấp dẫn đặc biệt, bởi Báo cáo của EY cho thấy, hơn 75% doanh nghiệp lựa chọn niêm yết tại Mỹ trong năm 2021 đã đạt hoặc vượt kỳ vọng về giá cổ phiếu.

Trong câu chuyện này, doanh nghiệp Việt chưa góp tiếng, dường như việc niêm yết quốc tế chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của các công ty tại Việt Nam?

Không hẳn như vậy, nhu cầu vốn để mở rộng hoạt động sản xuất, tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp là rất lớn. Bằng cách huy động vốn thông qua hoạt động niêm yết tại thị trường chứng khoán quốc tế, doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn dồi dào, nhiều lựa chọn đa dạng về mức chi phí huy động vốn hợp lý - để phục vụ cho quá trình phát triển dài hạn của mình. Ngoài ra, hoạt động IPO tại thị trường quốc tế còn giúp doanh nghiệp xây dựng và quảng bá hiệu quả thương hiệu sản phẩm và dịch vụ của mình ngoài biên giới. Nếu niêm yết tại Mỹ, cơ hội để doanh nghiệp được cả thế giới biết đến sẽ lớn hơn, cũng như có thể khẳng định sức mạnh của thương hiệu với thị trường và cộng đồng các nhà đầu tư trong nước. Đây là lợi ích to lớn của hoạt động IPO quốc tế mà chắc hẳn doanh nghiệp nào có hoạt động giao dịch tài chính quốc tế đều biết.

Nếu gọi IPO quốc tế là hiện tượng thì hiện tượng này đã xuất hiện nhiều năm trước đây. Thực tế, những cuộc “viễn chinh” IPO đầu tiên sang đất khách của các doanh nghiệp trong nước đã diễn ra cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên tới nay chưa doanh nghiệp nào thực sự thành công trong các nỗ lực này. Các doanh nghiệp đều đã hủy niêm yết hoặc kế hoạch niêm yết của mình.

Theo ông nguyên nhân của việc này là tự thân doanh nghiệp hay do các yếu tố khách quan?

Với những lợi ích nổi bật nêu trên mà các doanh nghiệp Việt vẫn chưa thành công trong việc chinh phục các cơ hội IPO quốc tế thì hẳn phải có những lý do không dễ khắc phục. Thực sự, quy định và thực tiễn niêm yết tại thị trường quốc tế phức tạp và khắt khe hơn rất nhiều so với các yêu cầu tương tự tại Việt Nam.

Thứ nhất, IPO là việc doanh nghiệp chào bán cho các nhà đầu tư một câu chuyện kinh doanh trong tương lai. Do đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị được một câu chuyện hay, hấp dẫn và cuốn hút, tức doanh nghiệp phải chuẩn bị tầm nhìn, chiến lược kinh doanh và kế hoạch hành động trong tương lai đủ hấp dẫn và có tính khả thi, để nhà đầu tư quan tâm và quyết định tham gia đầu tư. Đây là vấn đề chưa được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm và thực sự đầu tư đúng mức, cả về quy trình thực hiện và các tài liệu quản trị liên quan.

Thậm chí, nếu muốn IPO ở Mỹ thì doanh nghiệp Việt sẽ bán câu chuyện gì cho các nhà đầu tư ở một đất nước xa lạ có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, khi mà các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp như lúa gạo, cà phê, thủy sản; hay trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày với quy mô và tích lũy còn rất khiêm tốn. Mặc dù một số doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, hàng không, bất động sản, hàng tiêu dùng đã có những thành tựu nhất định, nhưng chưa nhiều doanh nghiệp Việt có thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ chinh phục được thị trường ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ngoài câu chuyện kinh doanh, doanh nghiệp phải thuyết phục được nhà đầu tư về năng lực điều hành và khả năng triển khai, thực thi và giám sát các kế hoạch đã đề ra. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thu hút được đội ngũ nhân tài hùng hậu, xây dựng được bộ máy quản trị hiệu lực, minh bạch, rõ ràng, từ cấp quản trị cao nhất là Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành (BĐH) đến tất cả các phòng, ban trong hệ thống. Đồng thời, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản trị doanh nghiệp, báo cáo và cung cấp thông tin, quan hệ cổ đông theo quy định vô cùng chặt chẽ của các sở giao dịch chứng khoán quốc tế. Doanh nghiệp phải chuyển đổi và trình bày các báo cáo tài chính sang chuẩn mực kế toán quốc tế như Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) hoặc Nguyên tắc Kế toán được Chấp nhận chung tại Mỹ (US GAAP) hoặc GAAP tại quốc gia niêm yết.

Việc tuân thủ các yêu cầu IPO và niêm yết quốc tế đòi hỏi đội ngũ nhân sự không chỉ có kiến thức chuyên sâu, có thể giao tiếp và làm việc thuần thục bằng tiếng Anh mà còn cần có kinh nghiệm làm việc thực tế và thành công tại các dự án tương tự. Trong khi đó, nguồn lực nhân sự tại Việt Nam có thể nắm vững yêu cầu, thành thạo và tự tin thực hiện các nghiệp vụ này trong những năm vừa qua là rất hiếm.

Không kém phần quan trọng, áp lực về thời gian chuẩn bị cho sự sẵn sàng và thực hiện thương vụ, cấu trúc khả thi và hiệu quả của giao dịch, là những yếu tố không thể không lưu ý. Với những rào cản cả chủ quan và khách quan, có lẽ sau khi cân nhắc giữa “chi phí và lợi ích” của thương vụ niêm yết tại thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp đã phải lựa chọn hủy hoặc tạm dừng hoạt động này.

Rất nhiều khó khăn, nhưng với sự phát triển của Việt Nam, hẳn là các doanh nghiệp sẽ không thể “nói không” với cuộc chơi toàn cầu. Với tư cách là nhà tư vấn hàng đầu thế giới về IPO trên thị trường quốc tế, EY đã nhận được hồ sơ thương vụ nào chưa?

Cám ơn câu hỏi của anh, đúng là chúng tôi đang tham gia trợ giúp một số doanh nghiệp trong nước niêm yết tại thị trường Mỹ. Có một số lý do để tôi tin rằng đây là thời điểm chín muồi cho các doanh nghiệp nội niêm yết tại thị trường quốc tế.

Đầu tiên phải kể tới đó là nhiều doanh nghiệp lớn, sau thời gian tích lũy vốn và kinh nghiệm tại thị trường trong nước, đã tính tới câu chuyện phát triển kinh doanh ra nước ngoài. Những doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử, sản xuất công nghệ cao, những lĩnh vực vượt ra ngoài khuôn khổ các ngành nghề truyền thống của Việt Nam. Doanh nghiệp muốn vượt ra ngoài biên giới, tiếp cận nhóm khách hàng mới, buộc phải thực hiện IPO tại thị trường nước ngoài.

Một điểm rất tích cực khác đó là các doanh nghiệp được hỗ trợ bởi nền kinh tế số, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã xây dựng và phát triển các ứng dụng số và hệ sinh thái công nghệ do nhanh nhậy nắm bắt cơ hội từ những xáo động trên thị trường. Những “kỳ lân” mới nổi này, với tầm nhìn và tham vọng của lãnh đạo, sẽ muốn ra biển lớn, chinh phục thị trường khu vực và thế giới. Và tất yếu, IPO tại thị trường quốc tế là một giải pháp hợp lý tại thời điểm này.

Theo báo cáo nền kinh tế số tại Châu Á Thái Bình Dương do Google, Temasek và Bain & Company mới công bố, giá trị nền kinh tế số Việt Nam có khả năng vươn tới con số 57 tỷ USD vào năm 2025. Nếu tăng trưởng ổn định, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến có thể đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực, chỉ sau Indonesia.

Ngoài ra, sau thời gian rèn giũa, nguồn lực nhân sự trong nước đã được nâng cao cả về kiến thức, kỹ năng về quản trị doanh nghiệp, thông thạo các chuẩn mực và thực tiễn tốt trên thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam muốn IPO có thể kết hợp giữa việc thuê chuyên gia từ bên ngoài và nguồn lực nội bộ. Do đó, đây có thể coi là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp trong nước tự tin hơn khi nói tới câu chuyện niêm yết tại thị trường quốc tế.

Hơn nữa, như trao đổi ở trên, năm 2021 là năm thị trường chứng khoán toàn cầu gặt hái được những thành công lớn. Điều này đã tạo động lực cho các doanh nghiệp thế giới và Việt Nam mong muốn tìm kiếm nguồn vốn thông qua hình thức IPO. Năm 2022, rủi ro về lạm phát, biến chủng COVID-19 là những yếu tố chính có thể cản trở tiến trình phục hồi nền kinh tế toàn cầu, song, việc định giá cao và thanh khoản thị trường tương đối tốt sẽ vẫn là động lực giữ được nhịp độ của thị trường IPO toàn cầu năm 2022.

Quay lại với câu chuyện thời sự là đại dịch Covid-19, liệu có khó khăn nào tác động tới những kế hoạch IPO quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam thời điểm hiện tại hay không?

Tôi lại nhìn thấy ở chiều ngược lại. Đại dịch COVID-19 đang đẩy nhanh tiến trình sử dụng công nghệ của đại bộ phận người dân. Theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới, việc sử dụng các nền tảng số, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng chuyên biệt tại Việt Nam đã tăng với con số đáng kinh ngạc, từ 48% trong tháng 6 năm 2020 lên 73% trong tháng 1 năm 2021 nhằm thích nghi với đại dịch Covid-19. Trong cùng khoảng thời gian này, tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp số, như đầu tư thiết bị và phần mềm nhằm đảm bảo tính vận hành của doanh nghiệp đã tăng hơn bốn lần, từ 5% lên 21%.

Khi nền kinh tế càng số hóa, hoạt động kinh doanh xuyên biên giới càng phát triển. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức để các doanh nghiệp công nghệ chuyển mình, nếu biết nắm bắt được cơ hội từ hoạt động IPO tại thị trường quốc tế.

Bên cạnh công nghệ, đại dịch COVID-19 đã và đang thay đổi mạnh mẽ quan điểm về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Do đó, đây là cơ hội để chúng ta thấy được những doanh nghiệp “kỳ lân” tương lai của chúng ta trong ngành này, với nền tảng số và công nghệ mới hỗ trợ, sẽ đón được cơ hội từ hoạt động IPO quốc tế. Đây cũng chính là mối quan tâm của các nhà đầu tư từ các thị trường tài chính quốc tế, khi mà số lượng cũng như giá trị các thương vụ IPO toàn cầu 2021 trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe xếp thứ hai, chỉ sau lĩnh vực công nghệ.

Trở lại câu chuyện của các doanh nghiệp trong nước, những doanh nghiệp, đã xây dựng bề dày uy tín thương hiệu, mong muốn mang tới cho người tiêu dùng trên toàn thế giới những sản phẩm và dịch vụ ưu việt, đủ sức cạnh tranh, theo tôi, cũng nên xem xét cơ hội tương tự.

Theo ông, đâu là yếu tố quyết định, đóng góp vào thành công của một thương vụ IPO tại thị trường quốc tế?

Theo tôi, ngoài việc phải đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các quy định niêm yết quốc tế, các doanh nghiệp muốn IPO thành công tại thị trường quốc tế trước tiên phải nghĩ tới “câu chuyện tương lai” mà họ muốn “bán” cho nhà đầu tư quốc tế. Ban lãnh đạo doanh nghiệp phải thực sự có khát vọng chinh phục thị trường toàn cầu, có khả năng và cam kết đi tới cùng để thực hiện khát vọng đó. Đây là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tới thành công của mỗi thương vụ IPO tại nước ngoài.

Từ kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp, theo ông, đâu là những bước đi cần thiết mà doanh nghiệp cần chuẩn bị khi thực hiện IPO tại thị trường vốn quốc tế?

Khối lượng công việc là khổng lồ, cả trước, trong và sau khi thực hiện một thương vụ IPO quốc tế. Cần xem việc này là một dạng “siêu” dự án. Bên cạnh công tác chuẩn bị IPO quốc tế như lựa chọn cấu trúc thương vụ, hình thức IPO và thị trường sẽ niêm yết, tôi muốn chia sẻ những điểm thực tiễn nổi bật liên quan đến việc đánh giá sự sẵn sàng.

Kế toán và báo cáo

Các doanh nghiệp cần hiểu rõ những yêu cầu cụ thể về số liệu báo cáo tài chính theo IFRS hay US GAAP, ví dụ số năm báo cáo so sánh, tính liên tục của báo cáo. Chất lượng của các báo cáo tài chính đã được kiểm toán, nội dung hoặc vấn đề được nêu trong báo cáo nên được giải quyết theo hướng nào nhằm đảm bảo tính tuân thủ: có thể giải quyết một lần không? hay cần thêm thời gian? Trong một số trường hợp cụ thể, cũng cần đánh giá khả năng thực hiện kiểm toán bổ sung cho những tài sản hoặc công ty con.

Quản trị tài chính

Doanh nghiệp cần có những đánh giá chân thực nhất về khả năng vận hành quản trị tài chính của mình, ví dụ khả năng phân tích, khả năng khóa sổ. Điều này thường ảnh hưởng trực tiếp tới các yêu cầu về thời gian chuẩn bị và chất lượng của các thông tin tài chính sẽ được công bố, nhằm phục vụ yêu cầu của các bên liên quan trong một dự án IPO.

Cơ cấu thuế

Đây là một nội dung tương đối phức tạp buộc doanh nghiệp phải đánh giá kỹ lưỡng cơ cấu thuế hiện tại, có định hướng chuyển đổi và sẵn sàng thực hiện cơ cấu mới cho cả công ty niêm yết và toàn bộ giao dịch, nếu cần thiết. Một cơ cấu thuế phù hợp sẽ không chỉ mang tới những giá trị cho doanh nghiệp và các cổ đông mà còn là động cơ thúc đẩy thương vụ IPO cũng như đảm bảo tuân thủ về thuế. Trong khi, nếu doanh nghiệp không có một cơ cấu thuế phù hợp, kết quả thương vụ IPO của doanh nghiệp đó có thể không được như kỳ vọng, thậm chí phá hỏng một thương vụ và công sức mà doanh nghiệp đã bỏ ra trước đó.

Kiểm soát và kiểm toán nội bộ

Hầu hết tại các thị trường chứng khoán quốc tế có những yêu cầu tuân thủ rất khắt khe về nội dung này, ví dụ Đạo luật Sarbanes-Oxley tại Mỹ. Các doanh nghiệp cần ngay lập tức đánh giá khả năng đáp ứng tuân thủ của mình và có kế hoạch chuẩn bị từ quy trình, hệ thống, chính sách cho tới đội ngũ hay chức năng liên quan. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi thấy rằng đây chính là một trong những “rào cản” lớn đối với thành công của doanh nghiệp IPO.

Hoạt động chiến lược cho thị trường vốn và quan hệ với nhà đầu tư

Như đã chia sẻ ở trên, doanh nghiệp cần xây dựng một câu chuyện kinh doanh (câu chuyện vốn) một cách rõ ràng nhất, sẵn sàng cho việc truyền thông và mang tính bao hàm như: chiến lược tăng trưởng, mô hình kinh doanh, kế hoạch phát triển, dự báo tài chính, vị thế thị trường, cơ cấu HĐQT và Ban điều hành.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần bắt đầu xây dựng các mối quan hệ với các đối tác ngân hàng đầu tư uy tín trên từng thị trường nhằm có được những hỗ trợ cần thiết, liên quan tới thẩm định, định giá, bảo lãnh phát hành hoặc các đóng góp chiến lược khác về đánh giá thị trường, cộng đồng các nhà đầu tư mục tiêu.

Quan hệ truyền thông và công chúng, cũng như Báo cáo môi trường, xã hội và quản trị (ESG)

Chúng ta đều biết, hình ảnh của một doanh nghiệp ảnh hưởng mạnh tới giá trị thương hiệu, đặc biệt khi doanh nghiệp đang xem xét IPO quốc tế. Truyền thông tại thị trường quốc tế khác đòi hỏi những hiểu biết địa phương khác biệt. Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp có thể thuê một đơn vị uy tín, cùng hỗ trợ thực hiện chiến lược và kế hoạch liên quan.

Bên cạnh đó, với xu thế và áp lực toàn cầu về phát triển bền vững, đặc biệt là những cam kết và thông điệp từ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (COP26), chúng tôi thấy rằng hình ảnh và uy tín tốt về ESG sẽ giúp doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp cũng nên lưu ý tới một số tổ chức quốc tế có thể xếp hạng ESG để có được những kết quả xếp hạng độc lập về nội dung này.

Thể chế quản trị công ty

Doanh nghiệp nhất thiết cần đánh giá lại nhiều khía cạnh liên quan tới khung và thể chế quản trị công ty hiệu quả. Những khía cạnh này cơ bản bao gồm: năng lực và sự hiệu quả của Ban điều hành, các thành viên HĐQT độc lập, tiêu chuẩn và nguyên tắc quản trị công ty, cơ cấu cổ đông, ủy ban kiểm toán, hệ thống và quy trình quản trị rủi ro, quản lý tuân thủ và pháp luật và cơ chế lương thưởng, phụ cấp của Ban điều hành hay HĐQT. Hoạt động này không chỉ nhằm hướng tới sự tuân thủ các yêu cầu niêm yết, mà còn giúp doanh nghiệp có kế hoạch cải thiện năng lực hoặc xây dựng chức năng và đội ngũ liên quan.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là đánh giá lại tính hiệu quả và hiệu lực của hệ thống công nghệ và an ninh thông tin mạng (cybersecurity), đặc biệt đại dịch Covid-19 làm gia tăng số lượng các vụ tấn công mạng trên toàn cầu. Theo Báo cáo khảo sát thường niên của EY toàn cầu về An ninh thông tin năm 2021 (Global Information Security Survey 2021 - GISS 2021) mới nhất của chúng tôi, 77% trong số 1.400 Giám đốc An ninh mạng toàn cầu (cybersecurity leaders) tham gia khảo sát cho biết số lượng các vụ tấn công gây rối và gián đoạn hệ thống (disruptive attacks), ví dụ như ransomware, xảy ra tại công ty của họ đã tăng lên trong khoảng thời gian 12 tháng qua (so với con số 59% trong báo cáo năm trước đó). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nắm được hiểu biết về yêu cầu tuân thủ liên quan tại những thị trường cụ thể.