Cổ phiếu ngành điện với lợi tức cao
Cổ phiếu của những doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức cao và ổn định hàng năm được xem là lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vị thế phòng thủ của cổ phiếu nhóm này sẽ càng quan trọng hơn trong giai đoạn thị trường rủi ro cao, ưu tiên vị thế nắm giữ.
Ngày 17/5 tới, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) sẽ chi trả cổ tức còn lại năm 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%. Đầu tháng 6, khoản lợi tức này sẽ về tài khoản của nhà đầu tư. Trước đó, cổ đông đã nhận được cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15%.
PPC là một trong những doanh nghiệp ngành điện có mức chi trả cổ tức cao và đều đặn hàng năm. Đây là lý do mã PPC trở thành cổ phiếu được ưa thích để nắm giữ của nhà đầu tư, nhất là khi ngành điện đang được đánh giá có khả năng tăng trưởng tốt.
Quý I/2019, lợi nhuận sau thuế của PPC tăng 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ việc ghi nhận lãi tỷ giá dù chỉ 5 tỷ đồng song đã tạo ra chênh lệch đáng kể khi cùng kỳ năm ngoái lỗ tỷ giá 60 tỷ đồng. Ngoài ra, PPC đã ghi nhận 105 tỷ đồng hồi tố cho phần lỗ tỷ giá đã thực hiện năm 2016 bù đắp cho chi phí trích lập dự phòng liên quan đến Nhà máy điện than Quảng Ninh (QTP), nguyên nhân là đánh giá lại chênh lệch giá thị trường so với giá trị sổ sách.
Năm 2019, PPC đặt mục tiêu tổng doanh thu 7.530 tỷ đồng và lợi nhuận 781,4 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 20%.
Các doanh nghiệp nhiệt điện được dự báo sẽ có kết quả tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2019 - 2020 khi sản lượng huy động dự kiến tăng lên kết hợp với việc dư nợ ngoại tệ của nhiều doanh nghiệp đã giảm bớt.
Ở lĩnh vực thủy điện, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu TBC của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà cũng nhận được cổ tức đều đặn. Từ năm 2016 đến nay, cổ tức của TBC đều trên 20% và được chi trả bằng “tiền tươi thóc thật” cho cổ đông. Năm 2019, mặc dù ngành thủy điện có thể gặp khó khi điều kiện tự nhiên không thuận lợi, song mức cổ tức dự chi được Công ty đưa ra vẫn từ mức 18% trở lên.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Chủ tịch HĐQT Công ty là ông Uông Ngọc Hải khẳng định tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên rằng: "NT2 là một cổ phiếu phòng thủ, là nơi trú ẩn khi thị trường biến động". Năm 2018, Công ty đã chi cổ tức tỷ lệ 24%, mức 25% tiếp tục được đưa ra cho kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2019.
Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), năm 2019, dự kiến nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 10%, tuy nhiên nguồn cung điện từ các dự án điện mặt trời sẽ kịp hoàn thành trong quý II/2019 để đảm bảo nhu cầu điện năng cho sản xuất và sinh hoạt cả năm.
Sản lượng điện thương phẩm 3 tháng đầu năm tăng 9,58% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhiệt điện than đóng góp tỷ trọng lớn. Khung giá phát điện mới đối với nhà máy nhiệt điện than và thủy điện cũng sẽ không tác động nhiều tới các doanh nghiệp điện trên sàn, do chỉ áp dụng cho các nhà máy mới và công suất lớn (trên 600 MW).
Cổ phiếu ngành có tiềm năng tăng trưởng ổn định
Bên cạnh các nhóm ngành thủy sản, dệt may được đánh giá sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một số ngành có tiềm năng tăng trưởng ổn định như bán lẻ, tiêu dùng, đồ uống cũng được xem là một lựa chọn an toàn thời điểm hiện tại.
Theo Nielsen, tại Việt Nam, phần lớn người tiêu dùng (69%) vẫn chọn các cửa hàng truyền thống trong nước để mua các sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên, gần một nửa người tiêu dùng (48%) đang chuyển sang các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước để mua các mặt hàng cao cấp và 27% chọn mua từ các nhà bán lẻ trực tuyến nước ngoài. Trong khi đó, du lịch nước ngoài để mua sắm hàng cao cấp ngay tại cửa hàng là lựa chọn của 23% người tiêu dùng Việt Nam. Thống kê này cho thấy, các cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng mạnh.
Cũng theo báo cáo của Nielsen, Top 5 nhóm sản phẩm mà người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả để mua hàng cao cấp bao gồm: Mỹ phẩm (46%), quần áo/giày dép (44%), đồ điện tử cá nhân (43%), sản phẩm chăm sóc cơ thể (41%) và thịt/hải sản (38%).
Các yếu tố quan trọng mà người tiêu dùng Việt Nam tìm kiếm ở các sản phẩm cao cấp là chất lượng (65%) và công dụng vượt trội (58%). Đáng chú ý, hơn một nửa số người được hỏi sẵn sàng chi trả mức giá cao cho sản phẩm có nguyên liệu thân thiện với môi trường (55%) hoặc có thành phần tự nhiên/ hữu cơ (52%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2018 ước tính đạt 4.395 tỷ đồng, trong đó đóng góp 75,2% là doanh thu bán lẻ hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành bán lẻ và tiêu dùng duy trì ở mức 12%.
Diễn biến chỉ số VN-Index 3 tháng qua.
Các chuyên gia đánh giá, ngành tiêu dùng bán lẻ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ sự bứt phá từ kênh mua sắm online và siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi. Kênh bán hàng này sẽ phát triển hơn nữa và thay thế dần cho các kênh truyền thống, kéo theo đó, hoạt động M&A trong ngành sẽ sôi động hơn nữa. Các mã cổ phiếu đầu ngành được đánh giá khả quan bao gồm MWG, PNJ, VNM…
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành như cảng biển, công nghệ - thông tin và ô tô cũng được đánh giá tích cực với triển vọng tăng trưởng tốt cho năm 2019.
Mặc dù thị trường đã có sự phục hồi nhẹ sau nhiều phiên giảm điểm liên tiếp, nhưng còn quá sớm để tin vào một sự đảo chiều. Bên cạnh việc khuyến nghị nắm giữ tiền mặt trong giai đoạn này, việc lựa chọn cổ phiếu mang lại lợi ích lâu dài là chiến lược nhà đầu tư nên cân nhắc thực hiện để phòng ngừa cho giai đoạn rủi ro.