Thời của bất động sản công nghiệp

(ĐTCK) Được đánh giá có nhiều tiềm năng, nhưng chưa được khai thác hợp lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tình hình thu hút FDI liên tiếp lập kỷ lục, các chính sách ngày càng thông thoáng, bất động sản công nghiệp đã đến thời để bứt phá.
Được đánh giá có nhiều tiềm năng, nhưng chưa được khai thác hợp lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tình hình thu hút FDI liên tiếp lập kỷ lục, các chính sách ngày càng thông thoáng, bất động sản công nghiệp đã đến thời để bứt phá.
Sức cầu của các khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng lớn khi dòng vốn FDI không ngừng chảy mạnh vào Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn Sức cầu của các khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng lớn khi dòng vốn FDI không ngừng chảy mạnh vào Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Những cú huých

Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, cùng sự ổn định chính trị, các chính sách ngày càng cởi mở, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, kinh tế tăng trưởng ổn định, dân số trẻ, lao động dồi dào và rẻ…, Việt Nam được đánh giá là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất.

Thực tế, trong 2 năm qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không ngừng chảy mạnh vào Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước cũng tăng mạnh.

Cụ thể, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng đầu năm nay, cả nước có 1.844 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký 14,56 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái; 878 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký thêm 6,75 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 9 tháng, Việt Nam thu hút 21,31 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ. Như vậy, nhiều khả năng năm nay, FDI sẽ thiết lập kỷ lục mới sau khi đã thiết lập kỷ lục trong năm 2016 với 24,3 tỷ USD.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI giải ngân trong 9 tháng đầu năm đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ.

Còn theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng, có 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 902.700 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 21.100 doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và tạm ngừng hoạt động lần lượt là 8.736 doanh nghiệp, (tăng 4,4%) và 49.345 doanh nghiệp (tăng 9,4%).

Cơ hội bứt phá

Sự gia tăng mạnh mẽ các nhà sản xuất quốc tế, cùng nhiều doanh nghiệp trong nước gia nhập thị trường, mở rộng sản xuất chính là nguồn cầu lớn đối với phân khúc bất động sản khu công nghiệp. Thời gian qua, số lượng các khu công nghiệp, khu kinh tế được thành lập mới ngày một tăng, trong khi tỷ lệ lấp đầy cũng tăng lên.

Đơn cử tại Hà Nam, nếu trước đây, tỷ lệ lấp đầy của 4 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh không cao, thì nay, tỷ lệ lấp đầy trung bình đã trên 85% với tổng diện tích đất giao cho doanh nghiệp gần 650 ha, tổng vốn đầu tư hơn 22 tỷ USD. Chưa dừng lại ở đó, địa phương này đang mở rông thêm Khu công nghiệp Đồng Văn với tổng diện tích hơn 523 ha và Khu công nghiệp Thanh Liêm 293 ha.

Còn theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến hết tháng 8/2017, cả nước có 328 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là 96.300 ha, trong đó 223 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 105 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 51%, riêng các khu công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 73%.

Bên cạnh đó, cả nước có 17 khu kinh tế được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 845.000 ha. Ngoài ra, Khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.

Trong 8 tháng đầu năm 2017, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được được 638 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 10,6 tỷ USD. Lũy kế đến cuối tháng 8/2017, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được 7.842 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 165,9 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 58%.

Ngoài ra, các khu công nghiệp cũng thu hút 520 dự án đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho hơn 187 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 132.200 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 8/2017, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được 8.122 dự án trong nước, với tổng mức đầu tư đạt 1.839.900 tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 42%.

Hiện đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam như VSIP (Singapore), Amata (Thái Lan), Sumitomo (Nhật Bản)… và mới đây, giữa năm 2017, Hemaraj Land & Development (Thái Lan) bắt tay với Cienco 4 để thành lập khu công nghiệp trị giá 1 tỷ USD, rộng 3.200 ha tại Nghệ An.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết, hiện tại, bất động sản khu công nghiệp đang có những chiều hướng phát triển tốt. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, các địa phương có khu công nghiệp cần có những chính sách, chiến lược ưu đãi, hỗ trợ mang tính đặc thù phù hợp với vùng miền, địa phương.   

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục