Thời cơ vàng của ngành quỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Việt Nam đang sở hữu những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy nhu cầu đầu tư chuyên nghiệp.
Sự phát triển của công nghệ đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngành quỹ tiếp cận với công chúng đầu tư Sự phát triển của công nghệ đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngành quỹ tiếp cận với công chúng đầu tư

Nền tảng tốt để bắt đầu

Việt Nam đang ở trong một thời điểm hiếm có: giai đoạn dân số vàng - cơ hội chỉ đến một lần trong lịch sử của một quốc gia, khi có tới 67,4% dân số trong độ tuổi lao động, với độ tuổi trung vị là 32,5. Đây là thời kỳ mà lực lượng lao động trẻ trung, năng động và có khả năng tạo ra giá trị lớn nhất.

Tuy nhiên, như mọi “mùa vàng”, giai đoạn này cũng có giới hạn. Sau năm 2040, Việt Nam dự kiến sẽ bước vào thời kỳ già hóa dân số. Điều này đặt ra một câu hỏi: Làm sao để chúng ta tận dụng được thời khắc quý giá này? Làm sao để sức mạnh của lực lượng lao động trẻ hôm nay không chỉ dừng lại ở việc tạo ra thu nhập, mà còn được chuyển hóa thành nguồn vốn dài hạn, bền vững cho tương lai?

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tài sản khối trong nước CTCP Quản lý quỹ Dragon Capital
Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tài sản khối trong nước CTCP Quản lý quỹ Dragon Capital

Hệ thống ngân hàng của Việt Nam từ lâu đã là trụ cột tài chính vững chắc, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn dòng vốn trong hệ thống ngân hàng vẫn mang tính ngắn hạn - phục vụ cho nhu cầu tín dụng, lưu chuyển tiền tệ. Trong khi đó, những nhu cầu lớn của đất nước như phát triển hạ tầng, giáo dục, y tế, công nghệ… lại đòi hỏi dòng vốn dài hạn, ổn định. Đây chính là khoảng trống mà ngành quản lý tài sản - thông qua các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, ETF - có thể và cần phải lấp đầy.

Nếu ngân hàng cung cấp “máu” của nền kinh tế thì các quỹ đầu tư chính là “xương sống” để nâng đỡ các dự án dài hạn. Một hệ sinh thái tài chính trưởng thành không thể thiếu cả hai trụ cột này. Mỗi quốc gia cần một hệ thống tài chính đa dạng - nơi người dân không chỉ gửi tiết kiệm mà còn có thể đầu tư hiệu quả, an toàn và minh bạch.

Trong công việc, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều người, từ những bạn trẻ mới đi làm, những gia đình trung lưu, đến những người đã nghỉ hưu. Họ đều có chung một mong muốn: làm sao để số tiền họ tích lũy không chỉ “nằm im” trong tài khoản tiết kiệm, mà có thể sinh sôi, phục vụ cho những mục tiêu dài hạn như mua nhà, cho con đi học, hay đơn giản là có một cuộc sống an nhàn khi về già. Nhưng tôi cũng nhận thấy một rào cản lớn của họ: thiếu thông tin, thiếu trải nghiệm và quan trọng hơn cả, thiếu niềm tin. Nhiều người lo lắng rằng đầu tư là điều gì đó phức tạp, chỉ dành cho những chuyên gia tài chính.

Tôi không nghĩ rằng mọi người cần phải trở thành chuyên gia. Điều chúng ta cần là phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin về những kênh đầu tư đơn giản, minh bạch, dễ tiếp cận như quỹ đầu tư, để bất kỳ ai, từ một nhân viên văn phòng, một giáo viên, hay một người nội trợ đều có thể bắt đầu hành trình tài chính của mình với sự an tâm. Khi người dân có thể đầu tư vài trăm nghìn mỗi tháng vào một quỹ mở, ETF hoặc quỹ hưu trí, họ không chỉ xây dựng tài chính cá nhân, mà còn đang cùng cả nền kinh tế phát triển.

Nhìn sang các quốc gia trong khu vực, tôi không khỏi ấn tượng với những cách làm bài bản và hiệu quả của họ. Tại Malaysia, nhờ hệ thống quỹ hưu trí bắt buộc và tự nguyện hiệu quả, tỷ lệ tài sản quản lý (AUM) tại quốc gia này đã đạt khoảng 60% GDP - một trong những mức cao nhất khu vực. Đây là minh chứng cho khả năng huy động vốn dài hạn từ dân cư để giảm phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài. Tại Ấn Độ, chương trình đầu tư định kỳ (SIP) cùng với các chính sách khuyến khích thuế, chương trình giáo dục về đầu tư quy mô lớn dẫn dắt bởi chính phủ và fintech đã tạo ra hơn 160 triệu tài khoản đầu tư. Vốn trong nước hiện là chỗ dựa chính cho thị trường chứng khoán nước này. Hay tại Thái Lan, chính sách ưu đãi thuế đối với các quỹ đầu tư dài hạn như các quỹ hưu trí (RMF) và quỹ đầu tư dài hạn (LTF) giúp tỷ lệ AUM/GDP vượt mốc 20%, tạo nền tảng bền vững cho thị trường vốn…

Việt Nam tuy chưa đạt được quy mô như các quốc gia này, nhưng chúng ta có những nền tảng rất tốt để bắt đầu. Đó là sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, sự chuyên nghiệp hóa trong quản lý quỹ, đặc biệt là sự hỗ trợ của công nghệ đang tạo ra những điều kiện rất thuận lợi.

Dư địa tăng trưởng rất lớn

Tư duy đầu tư cá nhân: Kiên nhẫn và kỷ luật trên hành trình dài hạn

Theo thống kê của Dragon Capital, giai đoạn 2023 - 2024, nhà đầu tư giải ngân đều đặn vào quỹ ghi nhận hiệu suất 39,2%, vượt trội so với 29,5% của nhà đầu tư giao dịch theo thị trường. Đầu tư đều đặn, duy trì kỷ luật và kiên định với các mục tiêu tài chính dài hạn là chìa khóa để đạt được thành công bền vững.

Ngành quản lý quỹ Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong thập kỷ qua, với tổng tài sản quản lý (AUM) đạt hơn 742.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024, gấp 7 lần năm 2014. Tuy vậy, quy mô này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, chỉ chiếm khoảng 6% GDP.

Đặc biệt, tổng tài sản ròng của các quỹ đầu tư đại chúng mới đạt khoảng 92.000 tỷ đồng (khoảng 3,8 tỷ USD), chỉ chiếm gần 0,8% GDP, phản ánh mức độ phổ biến còn hạn chế đối với nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, tại các thị trường phát triển, quỹ mở đóng vai trò quan trọng trong danh mục đầu tư cá nhân và phân bổ vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Nhìn rộng ra thị trường chứng khoán, có thể thấy, nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỷ trọng đa số. Số lượng tài khoản từ nhà đầu tư cá nhân chiếm 99,76%; nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm 0,24%. Về giao dịch, nhà đầu tư cá nhân trung bình chiếm khoảng 85% giao dịch trên thị trường cổ phiếu; nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 15% (tính trung bình trong 9 tháng đầu năm 2024). Điều này cho thấy nhu cầu đầu tư tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán trong dân luôn gia tăng mạnh mẽ. Nếu có các chính sách phù hợp để thu hút số lượng nhà đầu tư cá nhân về các quỹ thì thị trường quỹ mở sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ về cả chất và lượng.

Theo một nghiên cứu cần đây của Dragon Capital, ở các thị trường lân cận như Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), thị trường quỹ mở và sự phổ biến của sản phẩm quỹ đều có quá trình phát triển lâu đời, tuy nhiên, điểm bùng nổ tăng trưởng ở những thị trường này đều diễn ra nhờ sự cởi mở của quy định chính sách quản lý, ưu đãi về thuế đối với nhà đầu tư, sự đa dạng hoá về sản phẩm và sự hỗ trợ của công nghệ số.

Việt Nam đang sở hữu những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy nhu cầu đầu tư chuyên nghiệp. GDP bình quân đầu người tăng trưởng đáng kể, đạt khoảng 4.700 USD vào năm 2024 (từ 3.552 USD năm 2020), phản ánh mức sống được cải thiện và khả năng tích lũy tài sản gia tăng. Quy mô nền kinh tế mở rộng, với GDP đạt khoảng 476,3 tỷ USD trong năm 2024 (tăng 7,09% so với cùng kỳ). Sự trỗi dậy mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, dự kiến chiếm 46% dân số vào năm 2030, tạo ra nhu cầu lớn đối với các sản phẩm quản lý tài sản chuyên nghiệp và đầu tư dài hạn.

Chính phủ cũng đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Thêm vào đó, sự phát triển của hạ tầng số và công nghệ tài chính (fintech) đang giúp các sản phẩm quỹ mở tiếp cận dễ dàng hơn với đông đảo nhà đầu tư, tận dụng tỷ lệ sử dụng smartphone và internet cao thuộc loại hàng đầu châu Á ở Việt Nam.

Khoảng cách lớn về tỷ lệ AUM/GDP so với các nước trong khu vực (tại Malaysia là 51,5%; tại Hàn Quốc là 33,2%; hay Thái Lan là 20,4%) cũng cho thấy ngành quản lý quỹ Việt Nam còn dư địa tăng trưởng rất lớn. Nếu Việt Nam đạt được tỷ lệ tương đương Thái Lan (20,4%), quy mô AUM có thể tăng gấp ba lần hiện tại. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân lớn là nền tảng vững chắc để chuyển đổi từ giao dịch ngắn hạn sang đầu tư chuyên nghiệp thông qua quỹ mở.

Thị trường tài sản cá nhân tại Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 600 tỷ USD vào năm 2027 (tăng trưởng 11% mỗi năm từ năm 2022), mở ra tiềm năng lớn cho các dịch vụ quản lý tài sản. Nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại và nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của thị trường, tạo động lực cho sự phát triển của ngành quản lý quỹ.

Lương Thị Mỹ Hạnh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục