Kể từ đầu năm tới nay, khoảng 1.160 công ty Mỹ thông báo CEO của mình rời bỏ vị trí, thiết lập kỷ lục cao nhất mọi thời đại, theo số liệu của hãng nghiên cứu Challenger, Gray & Christmas. Lý do các CEO rời ghế rất đa dạng, bao gồm dính scandal phải từ chức, chịu trách nhiệm cho kết quả kinh doanh yếu kém, nghỉ hưu, hoặc phải thay đổi để cải tổ doanh nghiệp…
Các thông báo thay đổi vị trí nhân sự cấp cao của doanh nghiệp đều chung chung nhằm bảo vệ chính CEO và hình ảnh của Công ty.
Ðáng chú ý, trong tuần trước, CEO của 3 tập đoàn hàng đầu nước Mỹ gồm Mark Parker của Nike, Kevin Plank tại Under Armour và Kevin McAllister của Boeing đều thông báo sẽ rời khỏi vị trí.
Trong đó, Nike, hãng sản xuất giày khổng lồ cho biết, CEO Mark Parker sẽ không còn giữ chức vụ này sau 13 năm dẫn dắt Tập đoàn.
Ông Mark Parker đã gắn bó với Nike trong hơn 40 năm qua, từ năm 1979. Sau khi từ chức, ông sẽ nắm giữ một vị trí quản lý cấp cao tại ban quản trị doanh nghiệp. Cách đây 2 năm, Nike cho biết, Mark Parker sẽ chỉ rời vị trí CEO sau năm 2020.
Mark Parker phủ nhận các tin đồn về việc ông bị đẩy ra khỏi vị trí CEO bởi một số scandal trong vài năm qua, trong đó có các vấn đề liên quan tới phân biệt giới, văn hoá “trọng nam” tại Nike…
Jeffrey Sonnenfeld, Trưởng khoa tại Trường Quản lý - Ðại học Yale nhận định: “Sợi dây trói buộc các CEO ngày càng chặt hơn.
Khi những lời hứa hẹn không khớp với thực tế, hội đồng quản trị doanh nghiệp chịu sức ép lớn để đảm bảo phải có sự kiểm soát đối với CEO. Ðây cũng là lý do CEO thường muốn rời khỏi vị trí đầy áp lực này vào thời điểm doanh nghiệp đang ở đỉnh cao nào đó”.
Thực tế, việc rút lui khỏi ghế CEO vào thời kỳ doanh nghiệp hoạt động tích cực cũng là biện pháp tốt nhất để rút về khối tài sản lớn từ số cổ phần sở hữu tại doanh nghiệp.
Chẳng hạn, Kevin Plank, CEO và người sáng lập của Under Armour vừa thông báo nghỉ hưu và các cổ đông tỏ ra tán thưởng quyết định này.
Giá cổ phiếu của hãng đã leo dốc sau khi thông báo thay đổi vị trí CEO được đưa ra, giúp số tài sản mà Kevin Plank sở hữu (14,97% cổ phần tại Under Armour) gia tăng 89 triệu USD, lên mức 710 triệu USD.
Thực tế, quãng thời gian vài năm vừa qua thực sự khó khăn với Under Armour, khi Công ty phải tiến hành tái cấu trúc với chi phí 200 triệu USD, cắt giảm 400 lao động, mà nguyên nhân xuất phát từ những thay đổi của người tiêu dùng. Ðáng chú ý, gần đây, Kevin Plank gặp rắc rối với một số vấn đề đời tư.
Chưa kể, một yếu tố khác khiến con số CEO rời vị trí ở mức cao kỷ lục là việc thế hệ baby boomer CEO ngày càng già hơn và sẵn sàng cho việc nghỉ hưu. Ðối tượng này thường rời vị trí CEO để nhận nhiệm vụ tại một vị trí điều hành gián tiếp, ít sức ép hơn.
Ðối với thế hệ CEO trẻ hơn, điển hình là các CEO nổi tiếng tại doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) đình đám, việc bị buộc rời khỏi công ty do mình sáng lập đã không còn hiếm gặp.
Mới đây nhất, cựu CEO WeWork Adam Neumann bị bãi nhiệm vì các vấn đề tài chính bất minh, đời sống cá nhân bê bối. Trước đó, Travis Kalanick, người sáng lập và CEO Uber cũng rời khỏi vị trí vì các scandal liên quan tới thái độ không đúng mực, bắt nạt…
Một loạt người sáng lập/CEO của các doanh nghiệp bị “đá” khỏi vị trí CEO có thể kể đến như Patrick Byrne - CEO Overstock.com (bị cáo buộc liên quan tới các hoạt động của nhân viên tình báo Nga); Kevin Burns - CEO Juul (chịu chỉ trích vì các sản phẩm thuốc lá điện tử gây hại tới sức khoẻ của giới trẻ);
John H. Schnatter - CEO Papa John (chỉ trích giới chức về cuộc đình công của các cầu thủ bóng đá); Leslie Moonves - CEO CBS, một trong những CEO quyền lực và được trả lương cao nhất giới truyền thông phải rời vị trí CEO vì các cáo buộc liên quan tới quấy rối tình dục…
Với những diễn biến kể trên, dường như kỷ nguyên của các vị CEO “bất khả xâm phạm” và “không thể kiểm soát” đã tới hồi kết.