Thời 4.0: Cổ đông vẫn khó dự Đại hội

(ĐTCK) Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và Internet trong thời gian qua đã hỗ trợ con người rất nhiều, không chỉ trong công việc hay giao tiếp, mà vấn đề thời gian hay không gian hầu như không còn là trở ngại và ứng dụng vào việc tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tổ chức họp ĐHCĐ trực tuyến hiện vẫn đếm trên đầu ngón tay.
Thời 4.0: Cổ đông vẫn khó dự Đại hội

Trực tuyến về cơ bản được hiểu là kết nối hoạt động thông qua mạng truyền thông bằng một trong những công cụ phổ biến là Internet, theo đó ĐHCĐ trực tuyến là việc gặp gỡ và trao đổi thông tin giữa ban lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông thông qua mạng Internet, bao gồm cả việc biểu quyết; cổ đông được theo dõi diễn biến và nội dung cuộc họp một cách đầy đủ, xuyên suốt.

ĐHCĐ trực tuyến có nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí (chủ yếu với doanh nghiệp có nhiều cổ đông), gia tăng số lượng cổ đông tham dự, doanh nghiệp có sự chuẩn bị cơ sở vật chất hợp lý, tránh tình trạng dư thừa, lãng phí… và không ít cổ đông mong muốn doanh nghiệp áp dụng.

Theo Công ty Chứng khoán FPT, tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…, các doanh nghiệp niêm yết tổ chức họp ĐHCĐ trực tuyến đang ngày càng trở thành xu hướng và trở thành một thông lệ quản trị công ty tiên tiến.

Tuy nhiên, tại thị trường chứng khoán Việt Nam, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng triển khai họp ĐHCĐ trực tuyến. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp có tâm lý ngại thay đổi theo hình thức mới, ngại tốn kém chi phí và có thể có lý do “tế nhị” nào đó.

Trong vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp niêm yết đã tổ chức họp ĐHCĐ thường niên theo hình thức trực tuyến thông qua cầu truyền hình, với địa điểm được lựa chọn thường là các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp quan tâm đến hình thức này đến nay vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số doanh nghiệp đã triển khai là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE)…

Trong đó, doanh nghiệp thuê bên thứ ba cung cấp dịch vụ cầu truyền hình, bởi công tác chuẩn bị ĐHCĐ khá vất vả với nhiều đầu việc. Thêm vào đó, nếu doanh nghiệp tự tổ chức mà kinh nghiệm và nhân lực không đủ đáp ứng sẽ phát sinh các chi phí không mong muốn.

Một công cụ quan trọng trong cuộc họp ĐHCĐ trực tuyến là hình thức bỏ phiếu trực tuyến (E-voting). Hiện nay, trên thị trường đã có một số đơn vị cung cấp dịch vụ này như Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, Công ty Chứng khoán FPT, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa hưởng ứng. Một trong những nguyên nhân là việc thực hiện phức tạp hơn so với hình thức tổ chức truyền thống và doanh nghiệp cần có hệ thống phần mềm hỗ trợ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một số doanh nghiệp niêm yết chia sẻ, việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến cũng như sử dụng các công cụ trực tuyến khá rủi ro vì phụ thuộc nhiều vào an ninh mạng, cần có những biên pháp dự phòng rủi ro. Trong nhiều năm qua, công tác tổ chức ĐHCĐ tại doanh nghiệp theo hình thức truyền thống vẫn thu hút sự tham gia của nhiều cổ đông nên hiện tại, doanh nghiệp chưa phát sinh nhu cầu tổ chức ĐHCĐ trực tuyến.

Thực tế, với những doanh nghiệp lớn, có số lượng cổ đông lên đến hàng ngàn, hàng vạn người, việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến sẽ giúp các cổ đông nhỏ lẻ có điều kiện tham gia và thực hiện quyền cổ đông. Còn những doanh nghiệp có số lượng cổ đông ít thì việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến khiến doanh nghiệp e ngại phát sinh chi phí.

Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt mạng xã hội, một số doanh nghiệp đã áp dụng hình thức “livestream” vào cuộc họp với cổ đông và nhà đầu tư. Cổ đông có thể thông qua tài khoản facebook theo dõi diễn biến trực tiếp đại hội mà không cần có mặt tham dự, hiệu ứng lan tỏa thông tin được phát huy. Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn rủi ro với doanh nghiệp khi mà khối lượng người tiếp cận thông tin qua tài khoản facebook không chỉ là cổ đông của doanh nghiệp.

Nhìn chung, họp ĐHCĐ trực tuyến là một trong những hình thức thể hiện tính công khai, minh bạch của doanh nghiệp, đảm bảo quyền và tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên nhóm thị trường mới nổi thì việc doanh nghiệp có ý thức bảo vệ quyền và lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ thông qua việc tạo điều kiện kết nối mọi cổ đông với doanh nghiệp là một trong những yếu tố để đẩy nhanh quá trình này.

Bên cạnh hình thức tổ chức ĐHCĐ truyền thống, các doanh nghiệp nên mở rộng cổng kết nối với cổ đông thông qua giải pháp công nghệ, phù hợp với xu thế 4.0.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục