Thoát bóng “bầu” Kiên, ACB tăng trưởng mạnh trở lại

(ĐTCK) Mất 6 năm kể từ khi xảy ra vụ đại án "bầu" Kiên, ACB mới thoát khỏi bóng dáng của một ông bầu đình đám một thời. Theo báo cáo tài chính kiểm toán mới được công bố, 2018 là năm đầu tiên kể từ khủng hoảng nói trên, lợi nhuận của ACB vượt qua mức đỉnh năm 2011 khi đạt gần 6.400 tỷ đồng trước thuế nhờ hoàn nhập dự phòng rủi ro đã trích các năm trước cho nhóm nợ liên quan 6 công ty của "bầu" Kiên. Chỉ tiêu lợi nhuận ACB đưa ra cho năm 2019 tiếp tục ở con số cao và có cơ sở đạt được.
Quỹ đạo tăng trưởng đã trở lại với ACB Quỹ đạo tăng trưởng đã trở lại với ACB

Tăng trưởng lợi nhuận vững chắc

Ngày 23/4/2019, ACB đã trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 thông qua kế hoạch kinh doanh 2019 với mục tiêu lợi nhuận 7.279 tỷ đồng trước thuế, chia cổ tức 30% và bán 6,2 triệu cổ phiếu quỹ. Tổng tài sản ACB dự kiến tăng 15% trong năm 2019, trong đó tín dụng tăng 13% theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước phân bổ ngày 14/3/2019. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 15%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Để đạt được mức lợi nhuận xây dựng cho năm 2019, ACB cho biết, Ngân hàng tiếp tục điều hành linh hoạt các giải pháp huy động vốn chuyển dịch theo cơ cấu tăng tỷ trọng nguồn vốn giá thấp; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ; phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện khung quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tại Đại hội, ACB cũng trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức 2018 bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%, qua đó nâng vốn điều lệ thêm 3.741 tỷ đồng lên mức 16.627 tỷ đồng.

Với số vốn tăng thêm, ACB dự kiến dùng 2.035 tỷ đồng cho hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động. Hơn 1.706 tỷ đồng được dùng để mua sắm thêm tài sản cố định, xây dựng cơ bản, mua sắm công cụ, dụng cụ phục vụ hoạt động của ACB. ACB cũng dự kiến sang năm 2020, Ngân hàng vẫn duy trì tỷ lệ chia cổ tức là 30%, trong đó có 10% bằng tiền mặt, 20% bằng cổ phiếu.

ACB cũng trình cổ đông thông qua phương án bán cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên. Tổng số lượng cổ phiếu quỹ dự kiến bán tối đa là 6,222 triệu cổ phiếu với giá bán dự kiến không thấp hơn giá vốn bình quân 16.072 đồng/cổ phiếu. Hiện thị giá cổ phiếu ACB đang dao động quanh khoảng 30.300 đồng/cổ phiếu.

Năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt gần 6.400 tỷ đồng và kế hoạch 2019 dự kiến tăng 20 - 25%, một phần nhờ NIM (biên lãi ròng) tăng. NIM của ACB năm nay được Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo tăng 0,1%, lên 3,75%. Chi phí dự phòng của Ngân hàng dự báo sẽ giảm xuống 715 tỷ đồng (giảm 23,2% so với năm 2018), với nợ xấu sau khi xử lý tương đương 1% tổng dư nợ.

Trên thực tế, năm 2018, ACB đã không còn trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu liên quan đến “bầu” Kiên sau 6 năm nỗ lực xử lý. Thậm chí, việc thu hồi khoản nợ hơn 1.600 tỷ đồng của nhóm 6 công ty của "bầu" Kiên đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận của Ngân hàng năm qua. Nợ xấu nội bảng tại ACB được kiểm soát ở mức 0,73% vào cuối năm 2018. Vì thế, HSC đánh giá, khả năng lợi nhuận năm nay ACB đạt trên 7.300 tỷ đồng trước thuế.

Không còn gánh nặng từ “bầu” Kiên để lại

Với mức tăng gần 2,5 lần so với năm trước, ACB là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lãi cao nhất trong năm qua. Động lực của sự tăng trưởng ấn tượng này ngoài các hoạt động kinh doanh chính, còn đến từ việc lãi từ hoạt động khác tăng vọt 2 lần và chi phí dự phòng rủi ro giảm đột ngột 63,7% so với năm 2017. Đáng chú ý, khoản lãi hoạt động khác và hoàn nhập dự phòng đều có liên quan tới việc xử lý nhóm 6 công ty (G6) liên quan đến “bầu” Kiên.

Cụ thể, trong năm 2018, lãi thuần từ hoạt động khác của ACB đạt 1.815 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2017. Trong đó, thu hồi nợ xấu đã sử dụng dự phòng xử lý đạt 1.765 tỷ đồng. Theo giải thích của ACB, khoản thu này bao gồm 1.129 tỷ đồng từ việc thu hồi nợ xấu của nhóm G6 sau khi đã sử dụng dự phòng xử lý rủi ro. Ngoài ra, năm 2018, Ngân hàng cũng được hoàn nhập chi phí dự phòng lên tới 481 tỷ đồng cho các khoản phải thu từ nhóm này. Như vậy, ACB đã thu về được hơn 1.600 tỷ đồng từ thu hồi khoản nợ của nhóm G6 trong năm vừa qua, đóng góp một phần không nhỏ cho kết quả lợi nhuận trước thuế 6.388 tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng tại ACB được kiểm soát ở mức 0,73% cuối năm 2018. Tuy nhiên, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 47% so với cuối năm 2017 lên gần 1.100 tỷ đồng. Dù vậy, con số này chiếm tỷ trọng khá nhỏ so với tổng dư nợ của ACB.

Còn nhớ, ngày 21/8/2012, "bầu" Kiên - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB - bị bắt gây chấn động cả thị trường tài chính Việt, khiến 5,6 tỷ USD vốn hóa thị trường chứng khoán mất đi chỉ sau 3 phiên giao dịch và hơn 100.000 tỷ đồng tổng tài sản của ACB "bốc hơi" sau chưa tới một năm khi sự cố trên xảy ra, điều mà trước đó khó ai có thể nghĩ sẽ xảy đến với một ngân hàng có vị thế như ACB.

Hệ lụy khác để lại cho ACB sau sự cố trên chính là những khoản nợ xấu “khủng” hàng nghìn tỷ đồng của những công ty liên quan tới "bầu" Kiên. Cuối năm 2012, tổng dư nợ cho 6 công ty có liên quan đến "bầu" Kiên được xác định là hơn 9.400 tỷ đồng, với tài sản đảm bảo gồm số dư tiền gửi, cổ phiếu, bất động sản và vàng. Chính ảnh hưởng từ khoản nợ xấu tiềm tàng đã “ăn mòn” hoạt động của nhà băng này trong nhiều năm liên tiếp sau đó. Hệ quả là lợi nhuận của ACB từ 2012 đến 2016 chỉ trồi sụt dưới 1.700 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với thời điểm trước khủng hoảng. Nguyên nhân do nhiều năm liên tiếp sau khủng hoảng, ACB phải trích lập dự phòng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng từ biến cố “bầu” Kiên với ACB đã dần mờ nhạt. Đến cuối năm 2017, dư nợ của nhóm 6 công ty giảm còn 616 tỷ đồng, chưa tới 10% so với 6 năm trước đó. Riêng trong tháng 12/2017, ACB đã sử dụng dự phòng để xử lý hơn 2.700 tỷ đồng dư nợ của nhóm công ty này. Trên báo cáo tài chính năm 2018, lần đầu tiên kể từ khi Đề án tái cơ cấu ACB được phê duyệt, Ngân hàng không còn thuyết minh về khoản mục “Dư nợ nhóm 6 công ty” như những năm trước.

Hiện gia đình “bầu” Kiên vẫn nắm giữ 10% cổ phần tại ACB, nhưng không còn ảnh hưởng về khía cạnh “tiêu cực”. Ngay cả vai trò “bầu” Kiên với ACB cũng không như trước. 

Thực tế cho thấy, vào mỗi năm, Hội đồng quản trị ACB luôn đặt ra một loạt mục tiêu đầy tham vọng và xây dựng chiến lược để hoàn thành đúng thời hạn. Điều này đặc biệt đúng kể từ năm 2012, thời điểm mà ngân hàng này trải qua giai đoạn khó khăn nhất cho đến nay. Bởi khi đối mặt với những áp lực và khó khăn, ACB bằng sức mạnh to lớn và kỷ luật sắt đá đã chuyển bại thành thắng. Nhờ chiến lược lâu dài theo hướng thúc đẩy và tối đa hoá lợi thế cạnh tranh then chốt, tập trung vào khách hàng, quản lý hiệu quả tài chính bền vững, quản lý rủi ro, kinh doanh hiệu quả trên nền tảng đạo đức - ACB đã phục hồi và trở lại vị trí hàng đầu một cách ngoạn mục.

Chẳng hạn, khi chủ trương không nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được ban hành, ACB tập trung tái cơ cấu danh mục cho vay theo hướng ưu tiên các khoản vay có lãi suất tốt, thay vì đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm 2018. Tăng trưởng tín dụng ACB đạt 15% như kế hoạch. Với việc cơ cấu lại danh mục cho vay theo hướng ưu tiên các khoản vay lãi suất cao, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) năm 2018 của ACB ở mức tương đối cao. Hơn nữa, với thu nhập đóng góp từ mảng dịch vụ và chi phí hoạt động, dự phòng thấp đã tác động tích cực lên lợi nhuận ACB.

Nhìn lại quá khứ, có lẽ mọi thứ sẽ không dễ dàng sau biến cố tháng 8/2012 nếu ACB không có những cải tổ mạnh mẽ từ năm 2013 đến nay. Sự cải tổ mạnh mẽ của ACB gây chú ý đặc biệt khi Ngân hàng định hướng hoạt động vào các nhóm khách hàng theo cách phân tầng, cũng như tập trung nhiều hơn vào hoạt động ngân hàng bán lẻ, mảng kinh doanh chiếm đến 82% tổng doanh thu trong các năm qua. Để thực hiện ý tưởng đó, ACB đã tách cơ cấu kinh doanh thành 3 mảng riêng biệt: Cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và doanh nghiệp lớn. Chính điều này sẽ là thế mạnh của ACB trong việc đẩy mạnh kinh doanh, tăng trưởng lợi nhuận.

Thùy Thanh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục