Thoái vốn theo lô, Bộ Giao thông nhanh hơn Bộ Tài chính

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đã được bán cổ phần theo lô, trong khi quy định chính thức để triển khai rộng rãi việc này do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng lại chưa thể ban hành.
Bán cổ phần theo lô đã được nhiều DN thuộc Bộ Giao thông Vận tải thực hiện Bán cổ phần theo lô đã được nhiều DN thuộc Bộ Giao thông Vận tải thực hiện

Nhanh cả nghĩ và làm 

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý thực hiện bán theo lô để thoái vốn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện có tại các công ty cổ phần: Đá Đồng Mỏ, Xuất nhập khẩu thiết bị đường sắt, Vật tư đường sắt, Khách sạn Hải Vân Nam cho nhà đầu tư có tiềm lực, có cam kết đầu tư lâu dài để phát triển DN.

Cách làm này cũng được thực hiện để thoái toàn bộ vốn của Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam tại CTCP Đầu tư và Phát triển vận tải.

Tương tự, phương thức bán theo lô  được áp dụng để thoái toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại Tổng công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) và Tổng công ty Công trình giao thông 6 (Cienco 6).

Trên đây đều là những DN có vốn nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp do Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Để có được quyết định nhanh như vậy, cần sự vào cuộc chủ động và quyết liệt của bộ chủ quản trong việc hỗ trợ, đề xuất với cơ quan quản lý cấp trên.

Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS), việc cho phép bán cổ phần trọn lô sẽ giúp tiến trình thoái vốn nhà nước tại các DN đạt hiệu quả cao trong thời gian sớm nhất. Bản thân các CTCK, khi thực hiện dịch vụ thoái vốn cho DN, cũng dễ dàng tìm được bên mua so với khi buộc phải xé lẻ để bán đấu giá. Thực tế cho thấy, nếu không có khả năng mua cổ phần lô lớn, để có thể tham gia sâu hơn vào quản trị DN, thay đổi hoạt động DN theo hướng tích cực hơn, rất ít nhà đầu tư có tiềm lực muốn tham gia các đợt thoái vốn nhà nước tại các DN.

Phương thức này cũng đảm bảo tính minh bạch bởi bên bán phải thực hiện các thủ tục định giá, công bố thông tin rộng rãi về việc chào bán và quan trọng nhất là đấu giá công khai.

Việc bán cổ phần trọn lô đã được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sử dụng như một phương thức thoái vốn hiệu quả. 6 tháng đầu năm nay, SCIC đã sử dụng cách làm này khi thoái vốn tại rất nhiều DN. Kết quả, Tổng công ty đã bán thành công cổ phần tại 54 DN, trong đó bán hết vốn nhà nước tại 50 DN, bán bớt vốn tại 4 DN, thu về 2.241 tỷ đồng trên giá vốn 826 tỷ đồng, thặng dư bán vốn là 1.415 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 2,7 lần giá trị thu về/giá vốn). 

Bộ Tài chính quá chặt?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trong tháng 5/2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định về việc bán cổ phần theo lô. Thị trường kỳ vọng, quy định này sẽ được ban hành trong tháng 5, song không thành. Khi ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Thông tư đã được chuyển thành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đang được chuyển Bộ Tư pháp thẩm định, thị trường lại kỳ vọng tháng 6, văn bản này sẽ được ban hành. Đến nay, đã là tháng 8, thị trường vẫn đang chờ.

Nhận xét về những quy định được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo, nhiều thành viên thị trường cho rằng, quá chặt và chưa thực sự bao quát. Đơn cử, quy định số lượng cổ phần của một lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty. Vậy trường hợp dưới 5% vốn điều lệ của công ty thì phải xé lẻ, trong khi tại những DN như vậy, càng nên khuyến khích bán cổ phần trọn lô để những cổ đông đã sở hữu vốn tại DN có điều kiện mua thêm cổ phiếu. Hay quy định buộc phải bán đấu giá qua Sở GDCK.

Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tổ chức bán đấu giá cổ phần qua CTCK với giá trị dưới 10 tỷ đồng. Thực tế triển khai vừa qua cho thấy, các CTCK đã thực hiện tốt việc này, thông tin được công bố rộng rãi, minh bạch, vậy tại sao tới đây tất cả các trường hợp đều phải bán qua Sở GDCK?

Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định phương án bán cổ phần theo lô tại công ty cổ phần do mình làm đại diện chủ sở hữu sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Riêng với phương án bán cổ phần của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sau cổ phần hóa theo lô, bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh quyết định phương án bán sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Phải xin phép qua nhiều tầng nấc như vậy, cơ chế bán cổ phần theo lô không khéo lại rơi vào cảnh “bình mới, rượu cũ” và khó có thể tạo ra bước đột phá trong thoái vốn nhà nước như kỳ vọng.     

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục