Thoái vốn tại Tài chính Điện lực lại lo ế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù đang làm thủ tục đăng ký thoái nốt số vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, song Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không tự tin với khả năng thành công của thương vụ này.
Thoái vốn tại Tài chính Điện lực lại lo ế

Tại phiên đấu giá thoái vốn diễn ra hồi cuối tháng 8 năm ngoái, EVN bán được 16,25 triệu cổ phần trong tổng số 18,75 triệu cổ phần của EVNFinance, tương đương tỷ lệ 86,6%, thu về 219 tỷ đồng.

Với mức giá đấu thành công bình quân là 13.480 đồng/cổ phần, bằng đúng với mức giá khởi điểm đấu thầu chào bán, tuy có cao hơn đáng kể so với giá tham chiếu trước đó ở mức 8.300 đồng/cổ phần, song đợt chào hàng đấu giá này của EVN vẫn bị đánh giá là “ế” so với kỳ vọng và tiềm năng.

Như vậy, sau đợt thoái vốn đầu tiên, hiện EVN vẫn còn nắm giữ 2,5 triệu cổ phần tại EVNFinance, tương đương 1% vốn điều lệ tại công ty này.

Theo Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn đã được phê duyệt và kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa năm 2020, EVN đặt mục tiêu sẽ bán nốt số cổ phần còn lại tại EVNFinance. Hiện Tập đoàn đang triển khai thủ tục đăng ký thoái vốn tại EVNFinance với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán.

Thông tin đáng chú ý nhất tại EVNFinance trong 6 tháng đầu năm 2020, công ty này đã đón nhận những dòng tiền đầu tiên từ gói tài trợ tín dụng trị giá 15 triệu USD từ Quỹ Hợp tác khí hậu Toàn cầu (GCPF), giúp củng cố thêm mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp trong định hướng đầu tư phát triển hướng vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Đây là yếu tố khá tích cực bổ trợ cho kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm không thực sự nổi bật của doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động đầu tư gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung bởi dịch Covid-19 (6 tháng đầu năm, Công ty đạt 85,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng không đáng kể so với cùng kỳ 2019).

Tuy nhiên, hiện nay, yếu tố được đánh giá là gây khó khăn cho thoái vốn của EVN tại EVNFinance nằm ở cơ chế tính toán định giá cũng như các quy định hiện hành chưa đồng bộ.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN mới đây cũng đã phải thừa nhận hiện nay EVN cũng đang khá lúng túng trong việc thoái vốn một số doanh nghiệp do chưa có hướng dẫn cho việc thoái vốn đối với các đơn vị cấp 3 là các công ty con của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn, trong đó có EVNFinance.

Trong khi đó, cơ chế hiện tại khiến định giá phần vốn nhà nước thường cao hơn giá thị trường. “Người trong cuộc” đang lo số cổ phần này sẽ rơi vào tình trạng ế ẩm.

Thực tế, không riêng với EVNFinance, EVN đang ôm nỗi lo khó thoái vốn tại hầu hết các doanh nghiệp còn lại, bao gồm CTCP Tư vấn xây dựng điện 3, CTCP Tư vấn xây dựng điện 4 và Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP. Một trong những nguyên nhân chính là mức giá khởi điểm theo định giá quá cao so với thị trường.

Ngay cả với EVNFinance, vốn được coi là có tiềm năng nhất trong số này, EVN cũng không dám tự tin có thể  thoái vốn một cách xuôi chèo mát mái.

Lường tính trước khả năng này, “ông lớn” ngành điện thậm chí còn đang tính tới phương án dừng các kế hoạch bán vốn để tránh mất công sức tiền bạc mà không thu được kết quả.

Thay vào đó, EVN sẽ tính toán đề xuất lại phương án sắp xếp phù hợp trong Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn tới.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục