Gỡ xong nút thắt pháp lý
Hai vướng mắc lớn nhất trong việc thoái vốn nhà nước lâu nay là quy định về định giá (trong đó có định giá thương hiệu) và bán đấu giá đã được tháo gỡ nhờ các văn bản pháp luật được ban hành mới đây.
Cụ thể, ngày 27/4/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 28/2021/TT-BTC, quy định về xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn, trong đó giá trị thương hiệu (bao gồm cả giá trị văn hóa, lịch sử) trong giá trị doanh nghiệp.
Ngày 26/5 vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 36/2021/TT-BTC về quy chế mẫu chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đã được ban hành.
Trên cơ sở Quy chế mẫu ban hành kèm theo thông tư này, tình hình cụ thể của đơn vị có vốn góp và phần vốn cần chuyển nhượng, tổ chức đấu giá có trách nhiệm ban hành quy chế đấu giá cổ phần/phần vốn góp, mẫu giấy tờ liên quan để tổ chức thực hiện đấu giá sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đây là cơ sở để các sở giao dịch chứng khoán thực hiện trở lại các cuộc bán đấu giá cổ phần.
Trước đây, do chưa có quy chế mẫu nên các sở giao dịch chứng khoán cho rằng thiếu căn cứ để tiến hành các cuộc bán đấu giá cổ phần.
Được biết, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có đến 6 doanh nghiệp đã thực hiện xong các bước bán vốn, chỉ còn đưa ra thực hiện đấu giá, tuy nhiên đã phải dừng lại.
Hiện các tập đoàn, tổng công ty, bộ ngành, địa phương đang muốn triển khai việc thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp khi lực cầu trên thị trường cao, song lại thiếu hàng hóa có chất lượng. Bởi vậy, khung pháp lý cho hoạt động thoái vốn được hoàn thiện kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình này diễn ra sôi động.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp gần 490.000 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước gần 234.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong số này, chỉ có 39 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nghĩa là nhiệm vụ cổ phần hóa mới đạt khoảng 30% kế hoạch đề ra.
Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016 – 2020, cả nước phải thực hiện thoái vốn tại 348 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách khoảng hơn 60.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, chỉ triển khai thoái vốn được tại 106 doanh nghiệp, với tổng giá trị thoái vốn gần 6.500 tỷ đồng, đạt 30% về số lượng và 11% tổng giá trị vốn phải thoái theo kế hoạch. Về cơ bản, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn cho đến thời điểm này mới đi qua được nửa chặng đường.
Những tháng đầu năm 2021, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn rất ì ạch do thiếu khung pháp lý. Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong tháng 4, Cục đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 2 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc với tổng giá trị doanh nghiệp 202 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý I/2021, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo quy định, nhưng số lượng không nhiều.
Trong đó, nổi bật là Tổng công ty Phát điện 2 phối hợp Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với số lượng hơn 580 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, giá khởi điểm 24.520 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, chỉ có 262.500 cổ phần được giao dịch, tương đương 0,045% tổng số cổ phần bán ra. Khối lượng nhà đầu tư nước ngoài mua 210.500 cổ phần, tổng giá trị 6,4 tỷ đồng.
Số liệu được Bộ Tài chính cập nhật cũng cho thấy, đến nay, cả nước còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa trong 5 năm vừa qua.
Năm 2021, Chính phủ yêu cầu vẫn thực hiện theo Quyết định 908/QÐ-TTg về phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 cho đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025.
Vì vậy, các doanh nghiệp chưa hoàn thành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn. Trong đó, Hà Nội có 13 doanh nghiệp; TP.HCM có 38 doanh nghiệp; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng có 2 doanh nghiệp.
Đòi hỏi sự khẩn trương, quyết liệt
Với việc ban hành các thông tư hướng dẫn Nghị định số 140/2020 của Bộ Tài chính gần đây, về cơ bản, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
Các văn bản mới đã bổ sung nhiều quy định nhằm tháo nút thắt liên quan phương án sử dụng đất của doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp, các quy định về công bố thông tin…
Các văn bản mới đã bổ sung nhiều quy định nhằm tháo nút thắt liên quan đến phương án sử dụng đất của doanh nghiệp, xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, xác định giá trị doanh nghiệp, các quy định về công bố thông tin…
Theo nhận xét của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa, thoái vốn vẫn còn rất nhiều.
Trong số này, có những doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động đa lĩnh vực, trải dài ở nhiều địa phương khiến thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp khá phức tạp như Tổng công ty Viễn thông (MobiFone), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)…
Yêu cầu đặt ra là đến năm 2025, các đơn vị chức năng phải cơ bản hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa. Bởi vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt và gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong việc hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp.
Dù vậy, theo lãnh đạo một tập đoàn đang muốn thúc đẩy tiến trình thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên, nỗ lực của bản thân đơn vị đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là chưa đủ, mà rất cần sự quyết liệt của các cơ quan có liên quan, cơ quan chủ quản của tập đoàn, vì hồ sơ trao đổi qua lại, xin ý kiến thường mất rất nhiều thời gian.
Câu chuyện này tương tự việc thoái vốn của SCIC tại nhiều doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, từ cuối năm 2019 đến năm 2020, tổng công ty này đã triển khai việc xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc nới tỷ lệ sở hữu cho cổ đông nước ngoài lên 100%, mở đường cho tiến trình thoái vốn tại doanh nghiệp.
Dù các quy định hiện hành cho phép, cơ cấu cổ đông cũng đảm bảo cho việc nới room này được thông qua, nhưng cho đến nay, việc xin nới room của Tổng công ty mới cơ bản có được sự đồng ý của các bộ có liên quan và đang ở những bước chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ.
Rõ ràng, thị trường chứng khoán đang hỗ trợ lớn cho việc cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp, nên chậm hay không, khó có thể đổ lỗi cho nguyên nhân thị trường, mà chủ yếu nằm ở yếu tố con người.
5 tháng đầu năm 2021, cả nước mới thoái vốn tại 3 đơn vị theo Quyết định số 908/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng; thoái vốn tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao-su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị hơn 234 tỷ đồng, thu về hơn 2.081 tỷ đồng.
Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 228 tỷ đồng. Trong khi đó, số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ Quỹ nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng.
(Nguồn Cục Tài chính doanh nghiệp)