Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức Trung Quốc nói thỏa thuận thương mại giai đoạn một hai bên vừa ký kết chỉ là khởi đầu của một mối quan hệ mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các thỏa thuận trong tương lai sẽ biến Trung Quốc trở thành một đối tác thương mại tốt hơn, Nhà Trắng cho hay. Bắc Kinh trong khi đó tuyên bố đã nhìn thấy viễn cảnh cuộc chiến thương mại chấm dứt.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại tỏ ra không quá lạc quan. Họ cho rằng thay vì hàn gắn mối quan hệ, thỏa thuận thương mại được Tổng thống Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký ngày 15/1 lại tiềm ẩn nguy cơ khiến Mỹ và Trung Quốc xa rời nhau hơn.
Thỏa thuận xóa bỏ một số hàng rào thuế quan Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc hai năm qua.
Đổi lại, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD ngũ cốc, thịt lợn, máy bay, thiết bị công nghiệp cùng các hàng hóa khác của Mỹ trong hai năm tới.
Thỏa thuận còn yêu cầu Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường tài chính và bảo vệ công nghệ cũng như thương hiệu Mỹ, đồng thời thiết lập một diễn đàn để hai bên tranh luận về những quan điểm khác biệt.
Nhưng thứ mà thỏa thuận một phần này không giải quyết được chính là nguyên nhân gốc rễ cuộc chiến tranh thương mại.
Thỏa thuận không chạm tới những khoản trợ cấp mà chính phủ Trung Quốc dành cho các ngành công nghiệp nội địa và sự kiểm soát chặt chẽ của họ đối với các đòn bẩy kinh tế quan trọng.
Thỏa thuận bên cạnh đó còn giữ lại hầu hết các mức thuế Trump áp lên 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Giải quyết những vấn đề trên có thể mất nhiều năm. Triển vọng về một thỏa thuận thứ hai hiện vẫn mù mờ. Trump từng nói ông muốn chờ tới sau cuộc bầu cử tháng 11/2020 mới tính đến thỏa thuận "giai đoạn hai".
Tới lúc đó, người tiêu dùng và các công ty Mỹ vẫn sẽ mua ít hàng hóa từ Trung Quốc hơn. Về phần mình, chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm khách hàng ở những nơi khác.
Vì thế, mối quan hệ Mỹ - Trung, động lực chính thúc đẩy kinh tế toàn cầu suốt hàng thập kỷ qua, thậm chí sẽ trở nên yếu hơn.
"Cuộc chiến tranh thương mại tạo ra những ảnh hưởng mang tính cấu trúc có thể tác động sâu rộng tới hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trong thời gian tới", Eswar Prasad, nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Cornell, bình luận.
Những tình huống không thể đoán trước có thể làm thay đổi mọi kịch bản, nhất là với Trump, người từng xé bỏ không ít thỏa thuận thương mại.
Một cuộc suy thoái kinh tế có thể khiến một hoặc cả hai bên quay trở lại bàn đàm phán, và người Mỹ cũng có thể chọn một lãnh đạo mới ít cứng rắn hơn trong vấn đề thương mại vào tháng 11.
Nhưng đến nay, cả hai nước đều thể hiện rằng họ sẵn sàng chịu đựng những đòn giáng về kinh tế.
Nền kinh tế, thị trường việc làm và thị trường chứng khoán Mỹ vẫn phát triển kể từ sau khi cuộc chiến tranh thương mại bùng phát gần hai năm trước, nhưng nhiều người tự hỏi điều này sẽ kéo dài bao lâu.
Về mặt chính trị, nhiều đảng viên Dân chủ đã thúc giục Trump cứng rắn hơn thay vì mềm mỏng về thương mại với Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, chiến tranh thương mại chỉ là một yếu tố khiến nền kinh tế chậm lại. Bắc Kinh dường như hài lòng với khả năng xử lý vấn đề của mình.
Những tuần gần đây, các cố vấn cho chính phủ Trung Quốc đã tập trung thảo luận về những bước đi mà Bắc Kinh có thể thực hiện, như hỗ trợ thị trường việc làm hay tìm kiếm các đối tác thương mại mới, thay vì bàn về những bước họ không thể thực hiện.
Dù xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm, hàng hóa của họ vẫn được tiêu thụ mạnh ở những quốc gia khác, đặc biệt là các nước nghèo. Bắc Kinh những tháng gần đây đang tích cực nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường.
Mặt khác, việc phàn nàn về thỏa thuận thương mại có thể khiến Trung Quốc trông yếu đuối, một vị thế mà nước này không thể chấp nhận được.
Trong thỏa thuận "giai đoạn một", Trung Quốc cũng tự tạo cho mình một "lối thoát" trong cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Theo thỏa thuận, lượng mua phải dựa trên "các cân nhắc thương mại thực tế", đồng nghĩa Trung Quốc vẫn có thể phản đối giá bán cùng các điều khoản liên quan do Mỹ đưa ra.
Thỏa thuận cho thấy Trung Quốc không thể bị bắt nạt và rằng Mỹ "đang học cách sống chung với Trung Quốc, chấp nhận Trung Quốc theo cách riêng của họ", Andy Mok, chuyên gia về thương mại và địa chính trị tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh, bình luận.
Giới chức Trung Quốc tỏ ra khá nhún nhường. Những tháng gần đây, thậm chí trước khi hai bên ký thỏa thuận thương mại, chính phủ đã nới lỏng những giới hạn đối với các công ty nước ngoài trong ngành ôtô và tài chính, đồng thời cam kết ngăn chặn việc các công ty Trung Quốc ép buộc những đối tác nước ngoài phải tiết lộ bí mật thương mại nhạy cảm.
Tuy nhiên, về khía cạnh liên quan tới sự hỗ trợ và kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế, Bắc Kinh vẫn rất cứng rắn.
Chính quyền Trump và các công ty Mỹ lâu nay vẫn phàn nàn về việc Trung Quốc hỗ trợ tài chính một cách không công bằng cho các ngành công nghiệp nội địa để cạnh tranh trực tiếp với các công ty phương Tây.
Bắc Kinh đã kín đáo thực hiện nỗ lực này trong những năm gần đây vì căng thẳng thương mại gia tăng.
Nhưng hiện tại, Trung Quốc đã "bớt dè chừng" hơn, theo các chuyên gia. Trong giai đoạn đầu cuộc chiến tranh thương mại, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm một công ty bán dẫn nhằm thể hiện sự ủng hộ với ngành công nghiệp mà Trung Quốc dồn rất nhiều trợ cấp để soán ngôi của phương Tây.
Những dữ liệu mới cho thấy Trung Quốc đã đẩy mạnh Sáng kiến Vành đai và Con đường, một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô trên khắp thế giới do Bắc Kinh khởi xướng nhằm phục vụ cho ngành xuất khẩu.
Cái giá của lập trường cứng rắn Trung Quốc theo đuổi là sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty nước ngoài trước đây vẫn giữ cơ sở sản xuất ở Trung Quốc dù tiền lương cùng những chi phí khác tăng vọt trong thập kỷ vừa qua.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại đã phá vỡ xu thế đó, khi không ít doanh nghiệp bắt đầu di chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc để né thuế.
Hồi tháng 11/2019, xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm 1/5 so với năm trước. Xuất khẩu vào Mỹ hiện chỉ chiếm 4% nền kinh tế Trung Quốc.
"Đây là cú sốc, là động lực khiến mọi người chuyển động", Ker Gibbs, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, nói. Điều này làm hài lòng Tổng thống Trump, người lâu nay vẫn phàn nàn về thâm hụt thương mại 320 tỷ USD giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng điều đó không có nghĩa việc làm đổ đến Trung Quốc trong hai thập kỷ qua sẽ trở về Mỹ.
Chi phí lao động cao, các quy định khắt khe cùng tình trạng thiếu lao động lành nghề kéo dài ở Mỹ khiến hầu hết các công ty đa quốc gia ngần ngại trong việc chuyển cơ sở sản xuất tới nước này.
Ngay cả khi đôi bên ngồi vào bàn thảo luận để tìm kiếm những nhượng bộ mới, việc có một thỏa thuận thương mại hoàn chỉnh vẫn là điều vô cùng khó khăn và tốn thời gian. Thỏa thuận hôm 15/1 hình thành sau hơn hai năm đàm phán với nhiều thời điểm gián đoạn.
Những thỏa thuận như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ giữa Mỹ, Mexico và Canada thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn. Thời gian kéo dài càng lâu, Mỹ và Trung Quốc sẽ càng xa nhau về mặt kinh tế.
Nếu chiến tranh thương mại không nổ ra, Mỹ có thể đã mua tới 550 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc hoặc hơn trong năm qua, Brad Setser, nhà kinh tế học tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, dự đoán.
Thậm chí khi thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" đã được ký kết, lượng hàng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc năm nay nhiều khả năng cũng chỉ dừng ở mức quanh 400 tỷ USD.
"Hàng rào thuế quan rõ ràng mang đến ảnh hưởng vô cùng lớn", ông nhấn mạnh.