Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung “giai đoạn một” có gì?

(ĐTCK) Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất các điều khoản của thỏa thuận thương mại “giai đoạn một”. Theo đó, Mỹ sẽ giảm một số loại thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trong khi Trung Quốc sẽ mua nông sản, năng lượng, hàng công nghiệp của Mỹ và giải quyết một số khiếu nại của Washington về sở hữu trí tuệ.
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung “giai đoạn một” có gì?

Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, giải quyết bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là một vấn đề được nêu trong thỏa thuận. Cam kết này cho phép các bên giải quyết sự khác biệt về cách thức thực hiện thỏa thuận thông qua tham vấn song phương, bắt đầu từ các cấp độ làm việc và phát triển lên cấp các quan chức cấp cao nhất.

Ông Lighthizer cũng cho biết, hai bên không có dự định trả đũa lẫn nhau nếu cam kết được thực hiện đúng và tuân theo sự tham vấn.

Đại diện Thương mại Mỹ xác nhận, thỏa thuận sẽ được ký kết vào đầu tháng 1 và có khả năng được ký bởi các đại diện thương mại của hai bên, chứ không phải là các nguyên thủ quốc gia như kế hoạch trước đó.

Reuters cho biết chi tiết thỏa thuận được công bố bởi 2 bên.

Thuế

Theo Reuters, Mỹ sẽ hủy áp mức thuế 15% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá gần 160 tỷ USD dự kiến có hiệu lực ngày 15/12, bao gồm các mặt hàng điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi và quần áo.

Trung Quốc cũng đã quyết định hủy bỏ thuế quan trả đũa có hiệu lực cùng vào ngày 15/12, bao gồm cả mức thuế 25% đối với ô tô do Mỹ sản xuất.

Mỹ sẽ giảm một nửa mức thuế đã đánh lên 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1/9, xuống còn 7,5%.

Mức thuế 25% của Mỹ đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ không thay đổi. Reuters cho hay, đây sẽ là “đòn bẩy” của Washington trong vòng đàm phán thương mại giai đoạn hai vào năm sau.

Bên cạnh việc hai bên hủy bỏ các lệnh áp thuế, các quan chức Mỹ cho biết, Trung Quốc đã đồng ý tăng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với quy mô ít nhất 200 tỷ USD trong hai năm tới, đồng thời kỳ vọng sẽ đạt được những thỏa thuận lớn hơn nữa sau giai đoạn đó.

Theo các quan chức Mỹ, khoản thâm hụt thương mại 419 tỷ USD với Trung Quốc dự kiến sẽ giảm sau khi Bắc Kinh tiến hành mua nông sản, năng lượng, hàng công nghiệp và dịch vụ của Mỹ.

Nông sản

Bắc Kinh cũng đã cam kết tăng lượng nông sản Mỹ sẽ lên 32 tỷ USD trong vòng hai năm, nâng quy mô nhập khẩu hàng nông sản của Mỹ lên 40 tỷ USD mỗi năm. Trước chiến tranh thương mại, con số này chỉ là 24 tỷ USD mỗi năm.

Tổng thống Mỹ Donlad Trump đã yêu cầu Trung Quốc hàng năm mua 50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tiết lộ, Bắc Kinh đã đồng ý thực hiện những nỗ lực tốt nhất của mình nhằm tăng mua thêm 5 tỷ USD mỗi năm để đạt được quy mô gần với con số mà ông Trump đưa ra.

Trung Quốc còn cam kết cắt giảm các hàng rào phi thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp như gia cầm, thủy sản và phụ gia thức ăn cũng như chấp nhận các sản phẩm công nghệ sinh học.

Sở hữu trí tuệ

Về vấn đề sở hữu trí tuệ, thỏa thuận lần này bao gồm các biện pháp bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn từ phía Trung Quốc đối với các vấn đề về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền. Đồng thời, Bắc Kinh cam kết sẽ cải thiện các thủ tục hình sự và dân sự chống vi phạm trực tuyến, hàng lậu và hàng giả.

Thỏa thuận cũng bao gồm các cam kết trước đây của Bắc Kinh liên quan tới việc loại bỏ áp lực đối với các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc như một điều kiện để tiếp cận thị trường.

Trung Quốc cũng đồng ý hạn chế trực tiếp hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích mua công nghệ nước ngoài để phục vụ các kế hoạch công nghiệp của mình.

Tiền tệ

Thỏa thuận tiền tệ bao gồm cam kết của Trung Quốc liên quan đến việc điều chỉnh sự mất giá của đồng tiền quốc gia và không can thiệp vào tỷ giá hối đoái nhằm đạt được lợi thế thương mại.

Theo đó, nếu Bắc Kinh vi phạm các cam kết về tiên tệ, Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế quan mà Mỹ áp đặt.

Dịch vụ tài chính Trung Quốc

Các quan chức Mỹ cho hay, thỏa thuận lần này bao gồm cam kết cải thiện khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc cho các công ty Mỹ, bao gồm các dịch vụ ngân hàng, xếp hạng tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán.

Cam kết này nhằm giải quyết một số khiếu nại nhiều năm qua của Washington về các rào cản đầu tư như hạn chế về vốn chủ sở hữu nước ngoài và các yêu cầu pháp lý mang tính phân biệt đối xử.

Phía Bắc Kinh cho biết, thỏa thuận lần này sẽ thúc đẩy nhập khẩu dịch vụ tài chính từ Mỹ vào nước này.

Quỳnh Lê
Theo Reuters/TASS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục