Thưa Bộ trưởng, năm 2017 đã ghi dấu ấn thành công trên mọi mặt trận phát triển kinh - tế xã hội. Bộ trưởng đánh giá thế nào về những thành công này?
Năm 2017 Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong vòng 10 năm qua và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Năm 2017 cũng đã ghi nhận những thành công của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 14 bậc, đứng thứ 68/190 nền kinh tế; năng lực cạnh tranh quốc gia theo Diễn đàn Kinh tế thế giới tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Như vậy, có thể nói, đây là một năm thành công của cả nền kinh tế, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Mỗi bộ, ngành, mỗi địa phương đều có phần đóng góp đầy ý nghĩa vào thành tựu chung của cả nước. Trong đó, thành tựu có ý nghĩa thiết thực nhất đối với chúng ta là tầm vóc, vị thế và uy tín của đất nước được nâng lên một tầm cao mới.
Niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố mạnh mẽ; kỷ luật, kỷ cương ngày càng được tăng cường. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế cũng như sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế trong năm 2017.
Bước sang năm 2018 và giai đoạn tiếp theo, xin Bộ trưởng cho biết đâu là những thuận lợi, thách thức và động lực nào sẽ trở thành trụ cột cho tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững và toàn diện?
Năm 2018 là một năm bản lề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tất cả chúng ta trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Với tầm quan trọng đặc biệt này, mục tiêu trọng tâm của năm 2018 là phải tạo sự chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cũng như tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, tăng trưởng thịnh vượng đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội sẽ là những trụ cột chính trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam
và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Đồng thời, tạo đà cho việc hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2035 hướng tới phát triển đất nước trở thành một quốc gia có mức thu nhập cao, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội.
Hiện nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam cũng đã xác định tầm nhìn dài hạn là “phát triển thịnh vượng đi đôi với công bằng xã hội”. Sự nghiệp Đổi mới 30 năm qua đã thể hiện nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc theo đuổi mục tiêu này. Nhờ vậy đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng; các vấn đề môi trường và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân… Vì vậy, nếu không tìm ra động lực phát triển mới, Việt Nam khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và có nguy cơ tụt hậu về kinh tế.
Bối cảnh toàn cầu cũng đang đứng trước nhiều thuận lợi đan xen thách thức. Thế giới đang phát triển nhanh chóng nhờ vào nỗ lực cải cách, hội nhập và thành tựu khoa học và công nghệ, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như: gia tăng khoảng cách giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... mà một phần lại chính là do sự phát triển gây nên.
Vì vậy, cũng như tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, tăng trưởng thịnh vượng đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội sẽ là những trụ cột chính trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Để vượt qua được thách thức, tận dụng thời cơ thuận lợi cũng như phát huy những động lực mới, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào, thưa Bộ trưởng?
Nhằm đưa nền kinh tế phát triển thịnh vượng đi đôi với bền vững môi trường và hòa nhập xã hội trong thời gian tới, cần chú trọng đẩy mạnh hiện thực hóa mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sớm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Việc triển khai chủ yếu tập trung vào 6 nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả. Phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, tự do sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển theo cơ chế thị trường và theo nguyên tắc đã được quy định ra tại Luật Quy hoạch; chấm dứt việc xây dựng các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu dùng, làm hạn chế sự tham gia thị trường các thành phần kinh tế.
Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nguồn lực từ xã hội, dân cư và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn lực Nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt, định hướng.
Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút, nâng cao hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút có chọn lọc và ưu tiên các dự án có công nghệ cao, các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia lớn, gắn với yêu cầu chuyển giao và lan toả rộng rãi công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp của tư nhân trong nước, nhất là trong phát triển ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ ba, phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo, trọng tâm là đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp và các định chế nghiên cứu và phát triển (R&D) làm trung tâm, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư.
Phát triển thị trường công nghệ; ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy sản xuất thông minh và xây dựng đô thị thông minh. Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nhân lực, cải tổ hệ thống giáo dục đại học và đào tạo nghề.
Thứ tư, phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị, trọng tâm là phát triển các cực tăng trưởng mới với việc xây dựng 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát huy các cơ chế đặc thù ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội để các đô thị này làm đầu tàu và tạo sự lan tỏa cho cải cách và phát triển.
Tận dụng đô thị hóa để đẩy mạnh hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Định hình lại chính sách và đầu tư để phát huy mật độ kinh tế xung quanh các vùng đô thị lớn và các đô thị thứ cấp có tiềm năng; giảm phân biệt xã hội về tiếp cận dịch vụ giữa người nhập cư và cư dân đô thị.
Thứ năm, bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội, thay đổi vai trò của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công gắn với đẩy mạnh xã hội hóa và thực hiện theo cơ chế thị trường, chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng và từ cấp kinh phí cho các đơn vị cung ứng sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.
Đổi mới chính sách xã hội phù hợp với thay đổi cấu trúc dân số khi tỷ lệ người nghèo còn rất thấp, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và già hóa dân số. Đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế.
Thứ sáu, phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Tăng cường khả năng chống chịu; huy động tối đa nguồn lực đầu tư các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Đảm bảo bền vững môi trường bao gồm bảo vệ chất lượng không khí, đất và nước; lồng ghép khả năng chống chịu trước tác động khí hậu vào kế hoạch kinh tế, chính sách ngành và đầu tư hạ tầng; quan tâm đến các nguồn năng lượng sạch, hướng đến đầu tư “thông minh” với sự tham gia của khu vực tư nhân.