Thiếu nhận thức về phòng vệ thương mại: thiệt hại đủ đường

(ĐTCK) Với việc mở cửa thị trường theo tiến trình hội nhập, các biện pháp phòng vệ thương mại được coi là công cụ hữu hiệu và phù hợp thông lệ quốc tế nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước, giúp các DN nội địa đứng vững trước hoạt động cạnh tranh thiếu lành mạnh từ hàng hóa giá rẻ nước ngoài. 
Thiếu nhận thức về phòng vệ thương mại: thiệt hại đủ đường Thiếu nhận thức về phòng vệ thương mại: thiệt hại đủ đường

Tuy nhiên, công cụ này vẫn chưa được các DN Việt Nam nhận thức một cách thấu đáo về bản chất, mục đích và cách thức áp dụng, dẫn tới việc sử dụng bị động và chưa hiệu quả, thiếu hợp lý trong tự vệ và phòng vệ thương mại tại sân nhà.

Kết quả khảo sát mới đây về mức độ hiểu biết của DN về phòng vệ thương mại đối với hàng hoá nước ngoài do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, rất ít DN Việt Nam sử dụng công cụ này. Theo đó, trong số các DN tham gia khảo sát, 15,09% không biết, 63,21% có nghe nói nhưng không biết gì sâu; 19,81% DN đã từng tìm hiểu qua và chỉ có 1,89% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ về phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát chỉ ra một thực trạng là DN Việt Nam vừa thiếu thông tin, khả năng huy động được nguồn lực để kiện còn rất hạn chế và đặc biệt, không có khả năng tập hợp bằng chứng. Theo đó, có tới 41% số DN được khảo sát cho biết không thể đáp ứng được các yêu cầu để đi kiện phòng vệ thương mại. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, điều này đã phản ánh một bức tranh đáng lo ngại về mức độ hiểu, biết, khả năng thực hiện các biện pháp phòng vệ của DN Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), bên cạnh việc nhận thức hạn chế về sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, đa số DN Việt Nam có tâm lý lo lắng chi phí liên quan tới việc kiện tụng đắt đỏ, phức tạp và nhất là nhiều khả năng thua kiện nên không muốn va chạm, khởi xướng kiện tụng.

Ở chiều ngược lại, nếu sự nhận thức và tính toán của các DN còn thiếu thấu đáo, kỹ lưỡng thì việc áp dụng các biện pháp phòng vệ cũng sẽ khó mang lại kết quả tích cực. Thực tế cho thấy, đã từng có những bài học đắt giá từ sự thiếu hiểu biết, thiếu cẩn trọng trong tập hợp bằng chứng để khởi xướng phòng vệ của các DN, dẫn tới không những không đạt được mục tiêu mà còn mang lại hệ quả trái mong muốn. Vụ việc Việt Nam khởi xướng áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng kính nổi xây dựng vào năm 2009 có thể coi là một trường hợp điển hình.

Sự việc bắt nguồn từ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam do Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty Kính nổi Việt Nam (VFG), vốn là 2 doanh nghiệp chiếm hơn 90% tổng sản lượng kính nổi sản xuất tại thị trường trong nước, đứng nguyên đơn.

Sau 7 tháng điều tra, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) Nguyễn Phương Nam cho biết, tại kết luận cuối cùng, sự gia tăng nhập khẩu sản phẩm kính nổi không phải là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước. Vì vậy, vụ việc chấm dứt mà không có bất kỳ một biện pháp tự vệ nào được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo ông Nam, đây là một bài học đắt giá cho các DN Việt Nam trong những động thái ứng xử liên quan tới việc kiện tụng và khởi xướng các biện pháp phòng vệ đối với nước ngoài.

Việc khởi xướng và áp dụng biện pháp phòng vệ là quyền lợi chính đáng được WTO cho phép nhằm giúp các quốc gia thành viên có công cụ để bảo vệ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, phòng vệ thương mại chỉ có thể mang lại hiệu quả tích cực nếu được sử dụng hợp lý, công bằng. Nếu các biện pháp này được sử dụng bởi những DN ở vị thế thống lĩnh thị trường, với những toan tính đi ngược lại tinh thần tự do thương mại sẽ cản trở sự cạnh tranh lành mạnh và áp đặt, duy trì sự độc quyền .

Minh chứng cho quan điểm trên là câu chuyện về sử dụng biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng thép nhập khẩu tại Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc đề xuất áp dụng biện pháp phòng vệ cần đi cùng với nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện đúng như cam kết của DN trong việc tự nâng cao năng lực cạnh tranh, thích nghi, nâng cao hiệu quả ngành sản xuất trong nước để đứng vững trong bối cảnh hội nhập, không phải là nhân cơ hội để nâng giá, tranh thủ kiếm lợi ngắn hạn.

Ở góc độ luật pháp, ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện hệ thống quy định liên quan. “Các văn bản pháp luật trong phòng vệ thương mại cần được đối chiếu, rà soát sao cho phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Hải quan… Đó là một trong những yêu cầu rất quan trọng trong xây dựng nghị định về phòng vệ thương mại Việt Nam trong tiến trình hội nhập”, ông Thắng cho biết.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục