Hành động khó hiểu của doanh nghiệp
Theo tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại), từ ngày 28/6/2007, Bộ Kinh tế và Sản xuất Argentina đã ra quyết định chính thức áp thuế chống bán phá giá với nan hoa xe đạp, xe máy nhập khẩu từ Việt Nam (và một số nước khác). Theo quyết định này, mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng nan hoa có xuất xứ từ Việt Nam là 81%, thời hạn áp dụng là 5 năm. Vụ kiện đã chính thức bắt đầu từ ngày 21/12/2005, khi Bộ Kinh tế và Sản xuất Argentina ra quyết định tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng nan hoa không mũ, mũ nan hoa và nan hoa hoàn chỉnh của xe đạp, xe máy loại đường kính từ 1,8 đến 2,5 mm và độ dài từ 60 đến 317 mm, mã số HS là 8714.92.00, 8714.19.00 và 8714.99.90 nhập khẩu từ Việt Nam, Indonesia, Malaysia vào thị trường Argentina.
Điều rất lạ là, trong khi nhận được khuyến cáo của Cục Quản lý cạnh tranh và Thương vụ Việt Nam tại Argentina, song doanh nghiệp Việt Nam (có một doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu mặt hàng này vào Argentina) không theo đuổi vụ kiện khi không trả lời câu hỏi điều tra của Cơ quan điều tra Argentina, thậm chí còn tăng mạnh khối lượng xuất khẩu hàng vào thị trường này trong thời gian nước bạn khởi kiện (nửa đầu năm 2006). Sau đó, doanh nghiệp này của Việt Nam dừng hoàn toàn việc xuất khẩu mặt hàng trên vào Argentina .
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, đây là nguyên nhân dẫn đến việc nguyên đơn đề nghị cơ quan điều tra của Argentina bổ sung thông tin về việc gia tăng đột biến lượng xuất khẩu vào hồ sơ vụ việc. Và với việc không hợp tác của doanh nghiệp, việc xuất khẩu mặt hàng này từ các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Argentina trong 5 năm tới sẽ gặp nhiều bất lợi bởi phía đối tác đã có “ấn tượng”.
Tính liên kết của doanh nghiệp ở đâu?
Trong một lần phát biểu xung quanh việc đưa hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu đã có nhận xét rất thẳng thắn: “Các doanh nghiệp Việt Nam làm một mình thì tốt, nhưng nếu có 3 doanh nghiệp thì chỉ có đấu đá nhau, hạ giá và chèn ép lẫn nhau nhằm giành được nhiều hợp đồng với khách hàng. Hệ quả của sự việc này là, chúng ta bị kiện bán phá giá, thậm chí, bản thân doanh nghiệp cũng không đủ năng lực để thực hiện hợp đồng theo thoả thuận, phải huỷ hợp đồng và bồi thường”.
Đây là một nhận xét rất đúng và đã được nhiều chuyên gia kinh tế thừa nhận tại các cuộc hội thảo nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập.
Trở lại câu chuyện của doanh nghiệp xuất khẩu nan hoa xe đạp, xe máy trên. Rõ ràng, doanh nghiệp này đã có ý định rút khỏi thị trường Argentina khi tăng khối lượng bán hàng trong khi bị điều tra bán phá giá. Với quyết định áp thuế chống bán phá giá của nước bạn, doanh nghiệp này không bị ảnh hưởng, nhưng các doanh nghiệp khác nếu tìm được bạn hàng tại Argentina sẽ rất khó khăn trong kinh doanh. Với kiểu kinh doanh “sống chết mặc bay” này, doanh nghiệp đã mất một thị trường và đã tạo ra một “hàng rào” tai hại đối với các doanh nghiệp “đồng hương” muốn tìm đường vào thị trường Argentina.
Tại một hội thảo vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, TS. Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam ) đã nhận xét: “Một điểm yếu mang tính sinh tử của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam là thiếu khả năng liên kết”. Ông Thiên nhấn mạnh, tình trạng này làm doanh nghiệp Việt Nam đánh mất nhiều cơ hội cải thiện sức mạnh, đồng thời, mất đi cơ hội tham gia vào hệ thống phân công lao động quốc tế theo cách phù hợp nhất với thực lực của mình. Câu chuyện tăng lượng hàng xuất khẩu và không theo đuổi vụ kiện của doanh nghiệp xuất khẩu nan hoa xe đạp, xe máy nói trên là một ví dụ tiêu biểu cho nhận xét này.
Một trong những biện pháp để giải quyết vấn đề nêu trên là phải tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành nghề. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là khẩu hiệu, bởi nếu đã đi ngược lại với tôn chỉ mục đích của các hiệp hội thì doanh nghiệp sẽ bị khai trừ ra khỏi hiệp hội. Nhưng trên thực tế, “các hiệp hội vẫn trong giai đoạn phải ‘nịnh’ các hội viên, vì phấn đấu mãi mới thành được tổ chức hiệp hội, nên nếu các doanh nghiệp lại bị khai trừ hoặc doanh nghiệp tự xin ra thì nguy mất”, một phó chủ tịch hiệp hội (xin không nêu tên) cho biết. Xem ra, câu chuyện liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực ở Việt Nam vẫn là câu chuyện dài của thời kỳ hội nhập.