Thiếu hành lang pháp lý cho vay vốn đảm bảo bằng động sản

(ĐTCK-online) Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ và những hộ dân khó tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng là do các ngân hàng luôn đòi hỏi phải có thế chấp bằng bất động sản. Sở dĩ các ngân hàng “cẩn trọng” như vậy là vì giao dịch bảo đảm bằng động sản hiện nay chưa phát triển do thiếu hành lang pháp lý.
Các tổ chức tín dụng chưa quen với kinh doanh cho vay có đảm bảo bằng động sản Các tổ chức tín dụng chưa quen với kinh doanh cho vay có đảm bảo bằng động sản

Có bất động sản thế chấp mới được vay tiền

Người viết bài này đã không ít lần được nghe các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) kể về “đoạn trường” vay vốn cho sản xuất, kinh doanh. Vận dụng tối đa các mối quan hệ, Giám đốc Công ty TNHH A mới tiếp xúc được với Ngân hàng N để đề xuất vay thêm vốn mở rộng dây chuyền sản xuất, vì sắp có một đơn hàng lớn của đối tác nước ngoài. Sau khi nghe nguyện vọng của anh, Ngân hàng N từ chối thẳng thừng. Lý do mà Ngân hàng này đưa ra là, dù chưa đến thời hạn Công ty trả nợ cũ, nhưng Công ty này không được vay thêm các khoản mới vì không có bất động sản thế chấp. Giám đốc Công ty A cố gắng thuyết phục sẽ dùng dây chuyền máy móc cũng như sản phẩm làm ra làm tài sản thế chấp để vay vốn, nhưng vẫn không được Ngân hàng N chấp nhận, vì “bảo đảm bằng động sản không chắc chắn”.

Kể chuyện với phóng viên, Giám đốc DN này lắc đầu: “Ngân hàng cũng có lý của họ, nhưng nếu không vay vốn từ đây thì không biết tìm nguồn từ đâu. Giá như ngân hàng mạnh dạn cho vay bằng bảo đảm động sản thì tốt bao nhiêu. Chúng tôi vừa có vốn để mở rộng sản xuất, ngân hàng vừa tăng được doanh số”.

Cũng giống như trường hợp của Công ty A, rất nhiều DNNVV và các hộ gia đình muốn vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất đều bị ràng buộc bằng bất động sản. Theo kết quả điều tra của Chương trình Phát triển kinh tế tư nhân (MPDF) thuộc Công ty Tài chính quốc tế (IFC), chỉ có 20 - 40% số DNNVV và hộ gia đình tiếp cận được các khoản tín dụng. Báo cáo của tổ chức này cho thấy, hoạt động cho vay tại Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào việc đặt tài sản bảo đảm và các ngân hàng nói chung thường không chấp nhận động sản làm bảo đảm cho tiền vay. Động sản ở đây được hiểu là máy móc, thiết bị, xe cộ, hàng lưu kho... của DN hay tổ chức. Và thế là nghịch lý xảy ra: trong khi các đối tượng này cần huy động vốn nhất thì lại khó tiếp cận ngân hàng do không có bất động sản để đảm bảo tiền vay.

 

Vì sao ngân hàng cẩn trọng?

Theo khảo sát của IFC và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mặc dù các ngân hàng coi kết quả hoạt động và lịch sử trả nợ là những yếu tố quan trọng để quyết định cho vay đối với DN, song các khoản vay để kinh doanh ở Việt Nam hầu như bao giờ cũng có bảo đảm, nhất là với các DN nhỏ và các hộ gia đình. Có tới 93% số ngân hàng nhận bất động sản làm bảo đảm. Tiếp theo đó mới là máy móc, thiết bị, các giấy tờ có giá, xe cộ...

Điều này được lý giải là do các tổ chức tín dụng chưa quen với kinh doanh cho vay có bảo đảm bằng động sản. Do những hạn chế về định giá tài sản, nên máy móc và thiết bị của DN ít được ngân hàng “mặn mà” coi là tài sản bảo đảm. Hàng lưu kho cũng vậy. Hiện tại ở Việt Nam , hàng lưu kho chỉ có thể được sử dụng làm tài sản đảm bảo thông qua một giao dịch cầm cố, tức là số lượng hàng lưu kho được kiểm soát của bên cho vay hoặc các chứng từ (như vận đơn chẳng hạn) được giao cho bên cho vay. Các ngân hàng yêu cầu những thủ tục hợp thức hoá đối với mọi thay đổi của số hàng hoá đảm bảo cho khoản vay và phải được đăng ký tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Các thủ tục này làm phát sinh thêm chi phí giao dịch, bởi bên vay phải báo cáo mọi thay đổi và phải được ngân hàng chấp thuận. Các nguyên nhân trên cộng với hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này vẫn còn nhiều vấn đề khiến việc bảo đảm tiền vay vẫn là bất động sản.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, mặc dù Bộ luật Dân sự và Nghị định 163/NĐ-CP ngày 29/12/2006 đã bao quát khá toàn diện các vấn đề liên quan tới giao dịch bảo đảm, song nhiều vấn đề vẫn cần được làm rõ để hoàn thiện môi trường cho vay. Theo đó, Nghị định 163/NĐ-CP cần quy định thêm quyền của bên cho vay có bảo đảm với tiền thu được từ việc bán hoặc sang nhượng tài sản bảo đảm. Điều này sẽ bảo đảm quyền của bên cho vay một cách chắc chắn hơn với những tài sản bảo đảm là động sản.

Các chuyên gia cũng khẳng định sự cần thiết phải có một cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. Như vậy sẽ tránh được tình trạng bên cho vay có thể bị lừa do bên nợ vẫn nắm giữ và kiểm soát động sản. Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm đều sử dụng phương pháp đăng ký theo cách “nộp thông báo”, do vậy các thông tin này sẽ được công khai để cảnh báo bên thứ ba về những động sản đã được xác định. Mặc dù tại Việt Nam đã có Cục Đăng ký quốc gia các giao dịch bảo đảm và đã được triển khai từ năm 2002, nhưng rất ít người sử dụng vì còn rất nhiều trở ngại, như không đăng ký và tra cứu trực tuyến được, đòi hỏi mô tả quá cụ thể tài sản bảo đảm, phí quá cao, thời gian kéo dài...

Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những thay đổi trong quy định pháp lý liên quan đến giao dịch bảo đảm bằng động sản trong ngành ngân hàng nhằm tạo cơ hội cho các DN phát triển.

Duy Đông
Duy Đông

Tin cùng chuyên mục