Thiếu điện, Thứ trưởng Bộ Công thương bày tỏ "đồng cảm, chia sẻ” khó khăn với doanh nghiệp và người dân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông qua họp báo Chính phủ chiều tối 3/6, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải bày tỏ sự "đồng cảm" với những thiệt hại, bất tiện của doanh nghiệp, hộ gia đình đang phải chịu cảnh thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Trung tâm thương mại Aeon Long Biên tấp nập khách "trốn nóng" trong ngày 3/6 (Ảnh: Nguyên Trang) Trung tâm thương mại Aeon Long Biên tấp nập khách "trốn nóng" trong ngày 3/6 (Ảnh: Nguyên Trang)

Khi được hỏi về tình trạng thiếu điện hiện nay và yêu cầu Bộ Công thương cho biết các giải pháp khắc phục, người phát ngôn của Bộ Công thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã thẳng thắn thừa nhận ở một số nơi, ở một số thời điểm nhất định, đã xuất hiện tình trạng thiếu điện cho sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

"Thay mặt Bộ Công thương, tôi xin bày tỏ sự đồng cảm, sự chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp cũng như sự bất tiện của người dân trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và thời tiết nắng nóng kỷ lục hiện nay", ông Hải nói .

Giải thích vấn đề này, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, 4 tháng đầu năm nay tình hình cung cấp điện ổn định; tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, tình trạng nắng nóng kỷ lục, kéo dài đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt; trong khi đó lưu lượng nước về các hồ thủy điện lại rất thấp, đặc biệt là tại các hồ thủy điện miền Bắc, gây ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023, nhất là trong thời gian cuối tháng 5 vừa qua khi nguồn than nhập khẩu phục vụ hoạt động phát điện về chậm hơn nhu cầu thực tế.

Nói về giải pháp, Thứ trưởng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã tăng cường đảm bảo công tác vận hành hệ thống điện sẵn có và cung cấp nhiên liệu phục vụ sản xuất điện; nhiều lần trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ EVN thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Bộ Công thương cũng yêu cầu tăng sản lượng than cho cấp điện, điều tiết việc cung cấp than để tăng lượng than cho phát điện khoảng 300 nghìn tấn cho tháng 5 và khoảng 100 nghìn tấn cho mỗi tháng tiếp theo (tháng 6, tháng 7); tăng 18% lượng khí cấp khu vực Đông Nam Bộ và 8% lượng khí cấp khu vực Tây Nam Bộ cho sản xuất điện.

Đồng thời chỉ đạo khẩn trương đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, nối lưới để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại họp báo Chính phủ chiều tối 3/6.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại họp báo Chính phủ chiều tối 3/6.

Thứ trưởng thông tin, tính đến 17h30 ngày 31/5/2023, có 7 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 430,22 MW đã chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Ngoài ra, có 40 dự án chuyển tiếp đã được Bộ Công thương phê duyệt giá tạm và hiện nay đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để có thể phát điện lên lưới.

Có 59/85 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 3.389,8 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 50 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 2.751,6 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 46/50 dự án.

19 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 22 dự án chuyển tiếp đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

"Tuy nhiên, hiện vẫn còn 26/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất khoảng 1.346 MW chưa gửi hồ sơ đến EVN để đàm phán giá điện", ông Hải nói.

Đồng thời, Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề cập giải pháp tăng cường tiết kiệm điện, trong bối cảnh nguồn cung điện khó khăn như hiện nay. Sau khi phát động phong trào tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023, theo cơ quan này, sản lượng điện tiết kiệm hàng ngày hiện đạt mức khoảng 20 triệu kWh/ngày (tương đương khoảng 2,5% điện năng tiêu thụ hàng ngày).

Đối với câu hỏi: Các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong quy hoạch tới đây sẽ xử lý như thế nào? Vì sao Bộ Công thương chưa có hướng dẫn với dự án thống nhất giá, hoàn thành đầu tư xây dựng, có đủ cơ sở pháp lý để huy động tạm thời, lý do và trách nhiệm ra sao?

Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, hiện nay, Bộ Công thương đang triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quy hoạch Điện VIII vừa được phê duyệt hôm 15/5/2023, khi đó sẽ cụ thể hóa quy mô công suất, tiến độ các dự án theo từng địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, làm cơ sở triển khai theo quy định.

"Tuy nhiên, đối với những dự án như phóng viên đề cập, là những dự án không nằm trong Quy hoạch, hiện nay Bộ Công thương đã có các văn bản quy phạm pháp luật, công văn hướng dẫn để giải quyết, xử lý", ông Hải thông tin.

EVN lại đề xuất tăng giá điện

Từ ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 3% lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc này được thực hiện sau thời gian dài EVN gặp nhiều khó khăn, thậm chí lỗ lớn khi giá đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện tăng cao.

Tuy nhiên mới đây, EVN lại tiếp tục đề xuất tăng giá điện lần thứ hai vào tháng 9/2023.

Trong một diễn biến liên quan, tại phiên luận tại hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi) chiều 23/5, một số đại biểu Quốc hội đề nghị đưa giá điện vào diện bình ổn giá; tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc không đưa giá điện vào diện bình ổn là do Nhà nước đã định giá. Doanh nghiệp sản xuất điện chủ yếu là EVN - tập đoàn Nhà nước chiếm trên 50%, nên nếu đưa vào diện bình ổn giá phải sửa Luật Ngân sách, do đó "Chính phủ xin không tiếp thu ý kiến này".

Về việc này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP. HCM) đề xuất bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi), theo đó Nhà nước phải có nguồn lực tài công, dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá, để EVN không tiến tới trạng thái "sắp phá sản trong năm 2024".

Theo ông Nhân, dù đã tăng giá điện 3%, tổng lỗ 3 năm tới của EVN dự kiến hơn 100.000 tỷ đồng, tương đương 49% vốn điều lệ của tập đoàn này; đó là chưa kể đến việc, hiện EVN đang nợ tiền mua điện gần 20.000 tỷ đồng, đến hạn phải trả nhưng lại không có tiền để trả.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục