Nếu muốn tháo trên TTCK mà công bố thông tin chắc chắn sẽ không bán được. Nên họ thường bán trước và nộp phạt sau vì thông thường số tiền phạt quá nhẹ so với số tiền mà họ có thể thoát được hàng.
Mưu đồ của kẻ phá bĩnh
Chỉ tính riêng từ đầu tháng đến 17/7/2012, UBCKNN đã ban hành tới 10 quyết định xử phạt với các hành vi vi phạm trên TTCK. Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm trong các vi phạm hành chính được UBCKNN xử lý chính là việc một số cổ đông lớn, cổ đông nội bộ mua bán “chui” cổ phiếu (CP) trên TTCK. Chỉ vừa mới bị phạt vì mua chui CP và được dư luận cho rằng đó là những người muốn thâu tóm CP STB, những cổ đông lớn này lại một lần nữa làm dư luận xôn xao bán chui CP.
Ngày 13/7 vừa qua, UBCKNN đã xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng với ông Trần Phát Minh - Chủ tịch KienlongBank và cổ đông lớn của Sacombank vì hành vi đã giao dịch bán 876.450 cổ phiếu STB (CP của NHTMCP Sài Gòn Thương Tín) làm giảm số lượng CP STB nắm giữ xuống 48.123.557. Trước đó, ngày 11/7/2012, UBCKNN cũng quyết định xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu do đơn vị này đã bán 900.000 CP STB.
Các vụ mua bán chui này còn phải kể đến ông Đinh Hồng Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (mã SHN) đăng ký giao dịch bán 200.000 CP SHN nhưng đã thực hiện giao dịch ngày 25/11/2011…
Lý do có hiện tượng này được lý giải một phần là do các cổ đông này do nắm quyền điều hành nên nhìn thấy công ty có “vấn đề”. Nếu muốn tháo trên TTCK mà công bố thông tin chắc chắn sẽ không bán được. Nên họ thường bán trước và nộp phạt sau vì thông thường số tiền phạt quá nhẹ so với số tiền mà họ có thể thoát được hàng.
Một lý do khác khiến cổ đông lớn bán chui CP là nếu đăng ký thời gian bán, những đối tác ký hợp đồng với DN này sẽ phát hiện ra. Khi đó, việc ký kết hợp đồng sẽ khó khăn hơn. Theo một chuyên gia phân tích, thông thường những người quyết định bán chui, lủi CP đã là dạng gần như đi vào đường cùng, NĐT không đánh giá cao những người này. Hơn nữa sau khi bán xong, danh tiếng của công ty cũng rất thấp.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khi các cổ đông mất niềm tin họ sẽ bán ra với giá thấp thì những người này lại mua lại, sau đó dùng thủ thuật bơm giá, rồi lại bán. “Điều này chỉ có ở Việt Nam, còn ở nước ngoài, giao dịch nội gián bị phát hiện sẽ bị xử lý rất nặng, và có thể bị truy tố”, một chuyên gia nhìn nhận.
Không nên tiếp tục dung túng
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ có sự “giơ cao đánh khẽ của pháp luật” là vì TTCK Việt Nam mới thành lập nên cần khuyến khích DN tham gia thị trường. Tuy nhiên, theo một chuyên gia phân tích đây không phải quan điểm hay khi điều hành thị trường. Bởi lẽ với số lượng thành viên thị trường như hiện nay, không nhất thiết phải khuyến khích theo kiểu như vậy. Vì điều này khiến NĐT mất niềm tin vào thị trường.
“Xây dựng niềm tin mất 3 năm, nhưng đánh mất niềm tin chỉ trong 1 giờ. Nên để khôi phục niềm tin lại phải mất rất nhiều thời gian. Đã đến lúc TTCK cần chú ý đến chất lượng thay vì hướng mở rộng như hiện nay bởi TTCK là thị trường của niềm tin. Khi mất niềm tin sẽ rất khó thuyết phục NĐT”, một chuyên gia cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia phân tích cho rằng mặt trái của TTCK là lạm dụng vốn của NĐT cá nhân... Khi lạm dụng vốn, những cổ đông lớn này sẵn sàng chấp nhận cho các cổ đông khác mất hết vốn, còn của mình có thể không mất tí nào mà vẫn có thể thu về được.
Điều này cũng là một thực tế khi TTCK thời gian qua đã chứng kiến hiện tượng cổ đông lớn, cổ đông nội bộ giữ vị trí lãnh đạo khi nhìn thấy công ty có khả năng thua lỗ, họ đã âm thầm thoái phần lớn nguồn vốn của mình. Khi có thông tin chính thức thì giá CP giảm, họ cũng đã thoát được hàng.
Hoặc có trường hợp khi thành viên HĐQT thấy sắp ký được hợp đồng lớn, họ có thể mua gom CP. Khi gom đủ lớn họ bắt đầu công bố thông tin, lúc đấy CP tăng điểm và họ sẽ bán để chốt lời. “Những hiện tượng như vậy đã gây thiệt hại lớn cho TTCK và làm mất niềm tin của NĐT. Hành vi này cần được ngăn chặn bằng những chế tài nghiêm khắc mới đủ sức răn đe”, một NĐT cho biết.