Thiếu chế tài buộc doanh nghiệp phân vai quyền lực

(ĐTCK) Tại không ít đại hội đồng cổ đông của các công ty niêm yết năm nay, một vấn đề được các cổ đông đề cập là tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong điều hành doanh nghiệp, khi một người nắm cả chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Tổng giám đốc.
Việc Chủ tịch HĐQT kiêm giữ chức vụ Tổng giám đốc gây ra những quan ngại về tính minh bạch trong quản trị công ty
Việc Chủ tịch HĐQT kiêm giữ chức vụ Tổng giám đốc gây ra những quan ngại về tính minh bạch trong quản trị công ty

Hệ lụy "vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Mùa đại hội đồng cổ đông 2017 chưa có con số thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mà một người cùng nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Tuy nhiên, con số này tại HNX năm 2016 là 31% doanh nghiệp niêm yết có nhân sự đứng đầu kiêm cả 2 vai.

Tại đại hội đồng cổ đông của một công ty đang niêm yết trên HOSE mà hiện Chủ tịch HĐQT công ty này kiêm luôn chức vụ Tổng giám đốc, cổ đông đã chất vấn Chủ tịch HĐQT về tính minh bạch và khách quan khi ông nắm giữ cả 2 vị trí quan trọng.

Căn cứ để cổ đông chất vấn là vị Chủ tịch HĐQT này bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì tự tay phê duyệt tăng lương cho chính ông ở vị trí Tổng giám đốc, mà không bàn bạc và không trình HĐQT thông qua...

Vẫn tại doanh nghiệp trên, thể hiện mối ngờ về tình trạng hoạt động của công ty kém minh bạch và xung đột lợi ích với cổ đông, một cổ đông chất vấn: “Vừa rồi, có nhiều thông tin đồn đoán về lãnh đạo công ty tham gia ‘làm giá’, khiến cổ phiếu của công ty biến động rất mạnh.

Chủ tịch HĐQT có dám khẳng định là không có liên quan đến việc này không? Nếu không, tại sao không gửi công văn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị phối hợp xử lý những tin đồn thất thiệt này, tránh thiệt hại cho các cổ đông…?”.

Khẳng định là không có liên quan đến việc “bơm thổi” giá cổ phiếu, nhưng vị Chủ tịch HĐQT này cho biết, do không có căn cứ rõ ràng, nên không thể nhờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước can thiệp.

Tuy cổ đông tỏ ý không hài lòng về việc Chủ tịch HĐQT ngồi cả ghế Tổng giám đốc và đề nghị công ty tìm nhân sự khác đảm đương vị trí tổng giám đốc, nhưng vì đây là ý kiến thiểu số, nên kết thúc đại hội, vị chủ tịch trên vẫn nắm luôn ghế tổng giám đốc.

Cổ đông của một công ty đang niêm yết khác cũng thể hiện sự “nóng mặt”, khi đến phần cổ đông biểu quyết thông qua chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, bởi nghi ngờ sự thiếu minh bạch trong hoạt động điều hành công ty.

Mối ngờ thể hiện rõ nhất trong hoạt động tăng vốn của công ty, khi năm nào công ty cũng tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ (trong khi giá cổ phiếu rất thấp so với mệnh giá, nên phát hành đại chúng khó thành công) theo kiểu “đánh tiếng” là nhắm tới các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính.

Tuy nhiên, kết thúc các đợt phát hành, người mua cổ phiếu không ai khác chính là vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc này cùng với vợ của ông (cũng có “chân” trong HĐQT) và một số nhân sự khác kiểu "gia đình". 

“Họ vẫn hành xử theo kiểu công ty gia đình…”

Chuyên gia về quản trị công ty, GS.TS Mak Yuen Teen, Đại học quốc gia Singapore bình luận như vậy trước hiện trạng, sau khi đưa công ty lên niêm yết trên thị trường chứng khoán, ở nhiều thị trường, ông chủ của doanh nghiệp vẫn lầm tưởng đó là công ty của gia đình họ như trước khi lên sàn, nên muốn làm gì thì làm. Chính điều này dẫn đến sự không công bằng trong hành xử của lãnh đạo công ty với các cổ đông.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Mak Yuen Teen, rất cần doanh nghiệp tuân thủ các chuẩn mực về quản trị công ty theo thông lệ quốc tế như: Chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, đồng thời gia tăng số lượng thành viên HĐQT độc lập.

Pháp luật chứng khoán ở nhiều thị trường quy định bắt buộc về số lượng thành viên HĐQT độc lập và nếu doanh nghiệp không tuân thủ sẽ bị xử phạt. Đây là điều Việt Nam chưa có và nên bổ sung sớm.

Được biết tại Dự thảo Nghị định về quản trị công ty được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng tiếp tục duy trì quy định buộc Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc tại Thông tư 121/2012/TT-BTC, trừ trường hợp được cổ đông đồng thuận. Quy định này nhận được sự tán đồng của các chuyên gia, cũng như các bên liên quan, với mong muốn Chính phủ sẽ ban hành chế tài xử lý những doanh nghiệp không tuân thủ quy định này.           

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục