Thiếu cát làm cao tốc, Bộ trưởng có giải pháp gì?

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy bắt đầu từ sáng qua (4/6), với nhiều câu hỏi rất thời sự dành cho người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh

Luật hóa cơ chế đặc thù về nguyên vật liệu đắp nền thế nào?

Ngay từ đầu phiên họp, có 113 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Là người đầu tiên chất vấn, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu, để giải quyết khó khăn về nguồn nguyên vật liệu khoáng sản san lấp công trình, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để giải quyết (Nghị quyết 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ - PV). Song, để giải quyết căn cơ, đại biểu Ngọc đề nghị Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ luật hóa nội dung này thế nào nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất, chủ động cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện?

Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, với cơ chế đặc thù của Quốc hội, vừa qua, các địa phương đã thực hiện cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án đường cao tốc. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã hướng dẫn triển khai, đồng thời chỉ đạo và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các hướng dẫn về vật liệu xây dựng cho các dự án. Nhờ vậy, đến nay, tiến độ của các dự án đạt yêu cầu đề ra.

“Điều này cho thấy, cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho phép đến nay thực hiện rất hiệu quả”, ông Đặng Quốc Khánh khẳng định.

Bộ trưởng cũng giải thích, theo luật hiện hành, quy trình cấp mỏ vật liệu giống như kim loại quý và chưa được phân loại, phân nhóm. Để xử lý vấn đề này, thời gian tới, Bộ tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó chia 4 nhóm khoáng sản, gồm kim loại quý, vật liệu xây dựng cao tốc, vật liệu xây dựng thông thường và đất, đá, sỏi. Trong đó, vật liệu đất, đá, sỏi sẽ được phân cấp cho các địa phương và không phải cấp phép mỏ nữa, mà chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định.

Đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) đặt vấn đề, trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng, thì phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm. Tuy nhiên, việc thay thế này cần có điều kiện. Khi chưa đáp ứng được điều kiện mà triển khai đại trà sẽ đánh cược với môi trường. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về giải pháp trước mắt và lâu dài để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án, nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước?

Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu thực tế, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển. Hiện nay, Bộ Giao thông - Vận tải đã thí điểm sử dụng cát biển trong tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển.

Ông Khánh cho hay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đánh giá trữ lượng khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng cát có thể lấy ngay là 145 triệu m3. Theo Bộ trưởng, trữ lượng cát biển là rất lớn và hiện nay cát biển được sử dụng san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án ven biển.

Chia sẻ lo ngại của đại biểu về nguy cơ nhiễm mặn khi sử dụng cát biển, Bộ trưởng cho rằng, cần đánh giá tác động môi trường, tốt nhất là sử dụng ở khu vực đã nhiễm mặn. Theo ông, tùy theo công trình, dự án sẽ được đánh giá tác động, với nguyên tắc không được để ảnh hưởng đến nước mặt. “Về vấn đề này, Bộ Xây dựng sẽ có quy trình cụ thể về từng công trình xây dựng”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Chế biến sâu đất hiếm để phục vụ công nghiệp chip, bán dẫn

Cũng chất vấn về khoáng sản, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) nói, việc duy trì hoạt động khai thác chế biến bauxite alumin, nhất là đất hiếm hiện nay được các nước quan tâm do nước ta có trữ lượng lớn về đất hiếm, là tiềm năng trong bối cảnh các nước và Việt Nam đang đầu tư các ngành công nghệ cao. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn về công tác khai thác, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua?

Sáng mai (6/6), Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đăng đàn

Theo thông lệ, khép lại hoạt động chất vấn, tại kỳ họp giữa năm, một phó thủ tướng sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Thông tin từ Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong phát biểu khai mạc, kỳ này, người đăng đàn sẽ là Phó thủ tướng Trần Hồng Hà. Vẫn như mọi kỳ họp khác, thời gian dành cho Phó thủ tướng chỉ từ 9h50 đến 11h20 sáng 6/6, ít hơn nhiều so với 4 vị đăng đàn trước đó.

Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản trữ lượng lớn như bauxite khoảng 5,8 tỷ tấn, titan khoảng hơn 600 triệu tấn. Riêng với đất hiếm, Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề án điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng tổng thể, trong đó ước tính Việt Nam có khoảng 20,7 triệu tấn.

Việc khai thác, chế biến khoáng sản có tính chiến lược như đất hiếm, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải tính đến chế biến sâu, chế biến tinh tại Việt Nam, phục vụ công nghiệp trong nước như đang thu hút công nghiệp chip, bán dẫn.

“Thủ tướng cũng chỉ đạo, nếu chế biến sâu được đất hiếm thì phục vụ ngay các ngành này của Việt Nam và còn phục vụ được xuất khẩu”, ông Khánh nói.

Nhưng, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cũng nhìn nhận, hiện tại, việc chế biến đất hiếm chưa được nghiên cứu một cách tổng thể, cũng như chưa thu hút đầu tư hoặc liên doanh, chuyển giao công nghệ chế biến sâu.

Hồi âm đại biểu, ông Khánh cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành đánh giá trữ lượng chính xác để báo cáo, quá trình thực hiện phải gắn với việc chuyển giao công nghệ, chế biến sâu, phục vụ đất nước.

Để thực hiện chỉ đạo này, theo Bộ trưởng Khánh, ngoài trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, các địa phương có tiềm năng như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai phải tăng cường quản lý đất hiếm. Bởi có những mỏ sâu, nhưng cũng có những mỏ nhỏ lẻ phân tán trên bề mặt, nên phải quản lý để tránh khai thác, buôn bán trái phép đất hiếm.

Sau Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, lần lượt Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời chất vấn.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục